Xây dựng nền tảng sớm đưa Việt Nam thành nước công nghiệp hiện đại

(VOV5) - Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng cộng sản Việt Nam có sự điều chỉnh mục tiêu về chiến lược.


Trước đây, mục tiêu đặt ra là đến năm 2020 cơ bản đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nay mục tiêu đó được điều chỉnh thành:“Xây dựng nền tảng để sớm đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại”. Góp ý vào nội dung này, các cán bộ, đảng viên, chuyên gia kinh tế cho rằng đây là cách nhìn đúng đúng đắn, sát thực và hợp lý. 


Xây dựng nền tảng sớm đưa Việt Nam thành nước công nghiệp hiện đại - ảnh 1

Mục tiêu mà Đảng cộng sản Việt Nam đề ra từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII năm 1991 là Việt Nam sẽ cơ bản trở thành một nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020 có thể lỡ hẹn. Nguyên nhân lớn nhất là Việt Nam chưa tiến hành xong tái cấu trúc nền kinh tế, duy trì quá lâu mô hình tăng trưởng cũ, không phù hợp với giai đoạn cạnh tranh và hội nhập. Cho đến nay, nền công nghiệp của Việt Nam mới ở mức gia công dựa vào tài nguyên thô, lao động rẻ. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chủ yếu dựa vào vốn và tài nguyên.

Tận dụng triệt để các cơ hội để phát triển

Tiến sỹ Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, đại biểu Quốc hội khóa XIII, chỉ ra hai cơ hội mà Việt Nam cần tận dụng triệt để để đưa nền kinh tế cất cánh trong giai đoạn tới đây. Đó là môi trường kinh tế vĩ mô tương đối ổn định và điều kiện hội nhập cũng như vị thế của Việt Nam ngày càng thuận lợi: "Xét trên phương diện tiềm năng và vị thế, hoàn toàn chúng ta có thể làm tốt hơn, mạnh mẽ hơn quá trình tái cấu trúc trong 5 năm tới để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa đất nước. Tôi cho rằng có mấy vấn đề lớn mà Đại hội XII cũng đưa ra. Thứ nhất, chúng ta phải tiếp tục quá trình đổi mới mạnh mẽ hơn về thể chế. Nó là động lực của sự phát triển. Thứ hai, chúng ta phải huy động mọi nguồn lực trong nước mạnh mẽ hơn và thứ ba là chúng ta phải sử dụng nguồn nhân lực, sử dụng con người có hiệu quả hơn".

Tiến sỹ kinh tế Phạm Gia Minh, Phó Tổng Thư ký Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, cho rằng cần xác định tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại, chú trọng những tiêu chí phản ánh trình độ phát triển của nền kinh tế và xã hội. Đồng thời, công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn tới là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế gắn với phát triển kinh tế tri thức, lấy khoa học, công nghệ tri thức và nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực. Tiến sỹ Phạm Gia Minh khẳng định cần xây dựng cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động hợp lý, phát huy lợi thế so sánh, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh cao, tham gia sâu rộng vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu: "Nên xây dựng các khu vực giao dịch phục vụ thị trường theo mô hình Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore. Chúng ta học tập họ, nhưng dựa trên điều kiện của mình để giảm bớt lực lượng gián tiếp ăn lương cồng kềnh. Còn những người trong biên chế thì phải có thu nhập xứng đáng tạo sản phẩm trực tiếp cho nền kinh tế đi lên. Chúng ta hội nhập sâu thì bí quyết thắng lợi là năng suất lao động".

Con người là yếu tố then chốt để phát triển

Dưới một góc độ khác, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Vũ Dương Ninh, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng: Muốn xây dựng một xã hội công nghiệp thì phải có con người phù hợp với nền sản xuất công nghiệp. Cụ thể phải là con người có tính kỷ luật cao trong sản xuất và đời sống. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2020 đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, tuy nhiên xã hội Việt Nam còn mang nặng tàn dư, thói quen và tác phong của xã hội nông nghiệp, không phù hợp, dẫn đến làm chậm bước tiến trở thành nước công nghiệp. Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Vũ Dương Ninh cho rằng: "Muốn tiến lên một xã hội công nghiệp nhất thiết phải xây dựng con người có tác phong công nghiệp. Quan trọng nhất theo tôi là tính kỷ luật trong tất cả khâu từ sản xuất đến sinh hoạt đến đời sống cho đến ngoài xã hội, mà theo tôi chúng ta yếu nhất ở chỗ này. Muốn tiến lên một xã hội công nghiệp phải xây dựng những con người có tư duy, lao động, tác phong sinh hoạt theo một xã hội công nghiệp mà trước hết là tính kỷ luật".


Để đảm bảo thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra, Đảng cộng sản Việt Nam đã điều chỉnh từ mốc thời gian tuyệt đối “đến năm 2020”, thành mốc thời gian tương đối là “sớm”. Sự điều chỉnh này đạt được hai mục tiêu, vừa điều chỉnh mốc thời gian một cách linh hoạt với tình hình thực tế, vừa giữ nguyên mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại để toàn Đảng, toàn dân tiếp tục phấn đấu.

Phản hồi

Các tin/bài khác