Bảo đảm sự bình đẳng giữa công dân và cơ quan công quyền trước tòa án

(VOV5)- Dự thảo Luật Tố tụng Hành chính (sửa đổi) là nội dung chính được các đại biểu Quốc hội thảo luận sáng 27/10 trong kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII.

Tố tụng hành chính phần lớn là khiếu kiện của người dân với các quyết định hành chính, hành vi hành chính của các cơ quan công quyền, do vậy cần đổi mới mạnh mẽ thủ tục giải quyết các khiếu kiện hành chính tại Tòa án. Theo đó, phải đảm bảo tính công khai, minh bạch, tính khả quan của bản án.

Bảo đảm sự bình đẳng giữa công dân và cơ quan công quyền trước tòa án  - ảnh 1
Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đa số các đại biểu Quốc hội cho rằng việc sửa đổi Luật Tố tụng hành chính phải tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia tố tụng, bảo đảm sự khách quan, bình đẳng giữa công dân và cơ quan công quyền trước tòa án. Các đại biểu Quốc hội đồng tình với việc cần thiết sửa đổi Luật Tố tụng hành chính để phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Về thẩm quyền xét xử sơ thẩm các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện còn nhiều ý kiến khác nhau, theo đó một số ý kiến cho rằng nên giao cho tòa án nhân dân cấp huyện. Tuy nhiên, đa số ý kiến cho rằng cần giao thẩm quyền xét xử cho Tòa án cấp tỉnh để đảm bảo tính minh bạch, khách quan.

Ông Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, góp ý: “Tôi cho rằng thủ tục tố tụng phải công bằng, tức là người dân và nhà nước ở một thế địa vị pháp lý khi tranh tụng phải bằng nhau. Luật Tố tụng Hành chính sửa đổi lần này phải đồng bộ với Tố tụng Dân sự sửa đổi. Tức là tòa án không được quyền từ chối việc kiện của dân trong vấn đề xét xử. Nếu kiện không đúng thì thụ lý bằng cách bác bỏ chứ không có quyền từ chối. Vai trò của Viện Kiểm sát đối với tố tụng dân sự thế nào thì đối với tố tụng hành chính là như vậy, để quyền lợi hành chính của người dân được bảo vệ.”

Dự kiến, Luật Tố tụng Hành chính (sửa đổi) được thông qua tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII.

Chiều 27/10, các đại biểu Quốc hội dự kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII thảo luận về dự án Luật quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng.


Đa số các ý kiến cho rằng cần thiết phải ban hành Luật quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng trên cơ sở Pháp lệnh quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng hiện hành. Theo các đại biểu Quốc hội, Luật này góp phần xây dựng quân đội Việt Nam chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Việc quy định quân hàm của quân nhân chuyên nghiệp được xác định tương ứng với trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ và mức lương để đáp ứng yêu cầu quản lý, chỉ huy trong tổ chức Quân đội nhân dân đã được quy định trong Luật Nghĩa vụ quân sự hiện hành. Đề cập chế độ tuyển dụng, chính sách quân nhân chuyên nghiệp, một số đại biểu Quốc hội lưu ý thu hút nguồn từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ vào phục vụ quân đội.

Cũng trong chiều 27/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác