Ngày chất vấn thứ 2 của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII

(VOV5) - Sáng 13/6, ngày chất vấn thứ 2 của của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về các vấn đề liên quan tới lĩnh vực ông phụ trách.

Ngày chất vấn thứ 2 của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII - ảnh 1
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội (Ảnh VGP)

Đối với nhóm câu hỏi trong lĩnh vực văn hóa, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết các địa phương và ngành văn hóa tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong đó chú trọng giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa lành mạnh trong xã hội; tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa phong trào “Toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa” gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ngành văn hóa cũng phải chú trọng công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy các di tích lịch, sử văn hóa, đẩy lui các tệ nạn xã hội.

Về lĩnh vực du lịch, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết hiện có gần 1000 dự án đầu tư vào ngành du lịch với tổng số vốn khoảng 300.000 tỷ đồng. Năm 2012, du lịch đóng góp vào GDP gần 6%, giải quyết việc làm 1,4 triệu lao động. Đến năm 2020, Việt Nam phấn đấu đón từ 10 - 10,5 triệu lượt khách quốc tế, đạt doanh thu từ 18 - 20 tỷ USD. Bộ Trưởng Hoàng Tuấn Anh thừa nhận Việt Nam có tiềm năng du lịch rất lớn, tuy nhiên ngành du lịch chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, vẫn còn thua kém một số nước trong khu vực. Để xây dựng thương hiệu ngành du lịch Việt Nam xứng tầm khu vực, nhanh chóng phát triển ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho rằng: “Sắp tới phải chuyển phát triển du lịch từ chiều rộng sang chiều sâu, đi sâu vào chất lượng dịch vụ. Phải gắn phát triển du lịch với bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa. Tăng cường xã hội hóa, thông thoáng các chính sách để hấp dẫn các nhà đầu tư. Những giải pháp căn cơ trong thời gian tới là phải chú ý chất lượng sản phẩm dịch vụ chất lượng cao, những sản phẩm du lịch đặc trưng, tập trung đào tạo nghề. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xúc tiến quảng bá du lịch, tăng cường liên kết vùng”.

Liên quan tới lĩnh vực thể thao, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết trong phát triển thể thao Bộ xây dựng mô hình tổng thể 5 nấc thang: Olympic, Asiad, Sea Games, Đại hội thể dục thể thao và phong trào thể dục thể thao quần chúng. Tất cả nấc thang đó đều phải dựa trên nền tảng phát triển sâu rộng phong trào thể dục thể thao quần chúng. Việt Nam quyết tâm đăng cai thành công ASIAD 2019 và phấn đấu đạt thành tích cao ở các giải thể thao quốc tế sắp tới.

Đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội trong phiên họp chiều nay, Bộ trưởng Bộ lao động, thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền tập trung giải trình việc giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho lao động, đặc biệt là lao động ở nông thôn, miền núi; quản lý lao động tự do; chính sách đối với người có công.

Ngày chất vấn thứ 2 của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII - ảnh 2
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền tiếp nối phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội chiều 13/6 (Ảnh: nld.com)

Về hiệu quả đầu tư cho dạy nghề, Bộ trưởng cho biết vấn đề dạy nghề cho lao động nói chung và cho lao động nông thôn nói riêng là một trong những mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đã đề ra để đảm bảo nguồn nhân lực cho phát triển. Theo Bộ trưởng, trước đây, công tác dạy nghề đã được đầu tư nhưng kể từ sau khi có Chiến lược về nguồn nhân lực và do yêu cầu của nguồn nhân lực cho phát triển thì gần đây đầu tư cho cơ sở dạy nghề được tăng cường hơn. Vì vậy, số cơ sở dạy nghề đến nay là hơn 1 nghìn cơ sở. Tuy nhiên trên thực tế, hiện nay, nhiều địa phương đầu tư cho dạy nghề chưa đồng bộ và chương trình dạy nghề vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết:
 "Trách nhiệm của Bộ về vấn đề này rất lớn. Vì vậy tới đây chúng tôi sẽ đề xuất với Chính phủ 2 nội dung. Đào tạo nghề cho lao động nông  thôn sẽ có một Hội nghị sơ kết 3 năm triển khai thực hiện vấn đề này. Thứ hai là chỉ đạo các trường nghề phải gắn với thị trường lao động. Tất cả các trường ở địa phương phải, bám sát nhu cầu doanh nghiệp trên địa bàn mình. Một số cơ sở dạy nghề cần phải hình thành bộ phận tư vấn, tiếp thị”.

Về xã hội hoá dạy nghề, đến nay, trong tổng số hơn 1 nghìn cơ sở dạy nghề thì có đến trên 400 trường nghề của tư nhân. Cùng với đó để đáp ứng được nguồn nhân lực, Bộ còn liên kết với các tổ chức quốc tế để tổ chức các lớp dạy nghề.

Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cũng khẳng định suy thoái kinh tế đã ảnh hưởng đến đời sống người nghèo. Tuy nhiên, Đảng, Chính phủ và các đại phương đã rất quan tâm đến vấn đề này. Theo Bộ trưởng: "Đối với nhóm những người nghèo, Chính phủ đã có một chương trình hành động, trong đó có hỗ trợ cho người nghèo về chính sách chăm sóc sức khoẻ, hỗ trợ cấp đất, cấp nhà, hỗ trợ cho vay vốn, tạo việc làm. Vì vậy mà chũng tôi nhận định là đời sống người nghèo có khó khăn nhưng đã được hạn chế phần nào”.

Về quản lý lao động tự do, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết  trách nhiệm cơ quan quản lý Nhà nước là phải phối với chính quyền địa phương hai nước để quản lý số lao động này, giúp cuộc sống của họ được đảm bảo hơn.  Bộ trưởng cũng hy vọng tới đây sẽ phối hợp với các Bộ, ngành ban hành được quy định quản lý lao động vùng biên giới trên bộ của Việt Nam./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác