Ông Misao Ishigaki – người gửi bức thông điệp của Việt Nam ra toàn thế giới

(VOV5) - Ngày 9/9/1969, hàng chục nghìn người không nén nổi niềm tiếc thương trong lễ quốc tang Chủ tịch Hồ Chí Minh tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Trong giờ phút lịch sử, thiêng liêng ấy, nhà quay phim người Nhật Bản Misao Ishigaki, đại diện Hãng truyền hình Nihon Denpa News (NDN) của Nhật Bản tại Việt Nam, đã ghi lại những thước phim màu dài gần 10 phút thật quý giá đối với dân tộc Việt Nam. Tháng 9/2014, ông Misao Ishigaki trở lại Việt Nam, thăm lại Quảng trường Ba Đình và kể lại nhiều kỉ niệm vào ngày 9/9 tròn 45 năm trước.


Ông Misao Ishigaki – người gửi bức thông điệp của Việt Nam ra toàn thế giới - ảnh 1
Ông Misao Ishigaki trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh


Nghe nội dung chi tiết tại đây:



Ít người nghĩ, một phóng viên nước ngoài thường trú tại Việt Nam lại hiểu được tâm tư, nguyện vọng chưa thực hiện được của chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển tải trong hình ảnh đàn chim bay qua lễ quốc tang với những lời lẽ thiết tha đến như vậy. Càng cảm phục hơn tình cảm đó thông qua những giá trị lao động nghệ thuật vượt lên tính thông tấn báo chí là của một nhà quay phim vừa sang Việt Nam chưa tròn 1 tháng và những thước phim về lễ quốc tang gây xúc động lại là sản phẩm đầu tiên của ông tại Việt Nam. Ông Misao Ishigaki cho biết:
 "Tôi sang Việt Nam để nhận chức phân xã trưởng ở Hà Nội. 3 tuần sau, một buổi sáng khi tôi thức dậy, tôi nghe thấy tiếng nhạc Hồn tử sĩ, nhạc rất là trầm buồn. Tôi nhìn ra đường thấy người dân rất là buồn, rất nhiều người đeo băng tang đen trên ngực áo hay cánh tay của mình. Tôi không hiểu điều gì đang xẩy ra ở thành phố này vì tôi không biết tiếng Việt. Tôi không hiểu nhưng mà phán đoán có một sự kiện rất là lớn. Sau đó tôi nhận được cái tin ở Tokyo gửi sang điện báo sang".


Ông Misao Ishigaki – người gửi bức thông điệp của Việt Nam ra toàn thế giới - ảnh 2
Ông Misao Ishigaki đang kể cho bà Hiroko Yoshida cùng người đại diện của NDN tại VN về Lễ quốc tang Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây 45 năm


 Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần cũng làm lỡ mong mỏi của chính ông Misao Ishigaki là được diện kiến Người khi tới Hà Nội làm phân xã trưởng của NDN. Tự quay phim, tự viết kịch bản và đọc lời bình, ông kể rằng hôm ấy, bầu trời cao trong xanh nhưng mà nắng nóng. Hàng vạn người ở quảng trường Ba Đình lúc này cùng khóc. Âm thanh tiếng khóc đó như vang dậy đến tận trời xanh.


Ông Misao Ishigaki còn nhớ rất rõ cảnh tượng lễ quốc tang 45 năm trước tại Quảng trường Ba Đình, lúc đó các đại biểu, quan khách đứng ở trên khán đài còn phía dưới quảng trường là cả một biển người. Ông được các đồng nghiệp Việt Nam giúp đỡ có được chỗ tác nghiệp thuận lợi nên góc quay trong bộ phim lịch sử về lễ quốc tang Chủ tịch Hồ Chí Minh rất rộng. Nhưng ông và đồng nghiệp vẫn cận cảnh được niềm tôn kính với lãnh tụ ngưng đọng trên từng khóe mắt tất cả mọi người từ vị lãnh đạo cấp cao của nhà nước cho tới người dân bình thường. "
Tôi quay cận cảnh các gương mặt đang nhòe nước mắt. Có một người không khóc đó là đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi cũng hiểu được tại sao Đại tướng không khóc vì ông là một quân nhân, ông không muốn cho mọi người thấy rằng ông đang khóc cho nên ghìm nén nuốt nỗi đau thương của ông đối với Bác Hồ vào bên trong".


Hình ảnh ấn tượng nhất mà ông Misao Ishigaki ghi nhớ chính là việc sau khi Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng CSVN Lê Duẩn đọc xong điếu văn, tất cả các nhà lãnh đạo của Việt Nam đều xuống phía bên dưới quảng trường cùng chia sẻ nỗi đau với người dân. Ông Misao Ishigaki hiểu rằng tiếng nấc nghẹn của hàng vạn người hôm đó đã kết thành sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam.
 "Tôi quay được hình Thủ tướng Phạm Văn Đồng ôm các cháu thiếu nhi mà các cháu lúc này đang khóc kiểu như trẻ con nó bắt đền trả Bác Hồ cho chúng cháu đây. Ông Phạm Văn Đồng đứng giữa một biển người là các cháu thiếu nhi vây quanh ôm nhau khóc. Đấy là hình ảnh tôi rất ấn tượng cho đến bây giờ" - ông nhớ lại.


Những thước phim của ông Misao Ishigaki  gây xúc động đối với người biên tập phụ trách hậu kỳ cho phim ở Nhật Bản. Bà Hiroko Yoshida, biên tập viên của hãng NDN ở Nhật Bản, ngay khi nhận được thước phim về lễ quốc tang chủ tịch Hồ Chí Minh do ông Misao Ishigaki từ Việt Nam gửi về, làm thành những bản tin nhỏ phát trên truyền hình, rồi sau đó dựng thành tập phim dài. Bà Hiroko kể: "
Chúng tôi nhanh chóng biên tập, lồng tiếng lồng nhạc, phát hành để mọi người chứng kiến biến được thông tin đó. Thời kỳ đó chúng tôi rất lo vì cuộc kháng chiến của Việt Nam đang trong giai đoạn ác liệt mà người chỉ huy là Hồ Chí Minh mất đi không biết như thế nào đây".


Phim về lễ quốc tang Chủ tịch Hồ Chí Minh được nhanh chóng phổ biến trên các đài truyền hình của Nhật Bản, đồng thời chiếu trên các đài của Hoa Kỳ và các nước Phương tây ngay sau đó. Đó cũng là bức thông điệp gìn giữ hòa bình, đấu tranh giành độc lập, quý trọng lãnh tụ Hồ Chí Minh của nhân dân Việt Nam được gửi ra khắp thế giới, đặc biệt cho nhân dân Mỹ. Giá trị lớn nhất mà nhà quay phim Misao Ishigaki dành tặng Việt Nam chính là 10 phút phim lịch sử quý giá này./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác