Đạo diễn Bùi Đình Hạc: Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguồn cảm hứng sáng tác vô tận

(VOV5)- Trong thể loại phim tài liệu của Điện ảnh Việt Nam về đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo diễn Bùi Đình Hạc luôn được nhắc đến khi ông cùng các đồng nghiệp đã làm nên 4 bộ phim: “Bài ca dâng Bác”, "Nguyễn Ái Quốc đến với Lê Nin", "Đường về Tổ Quốc" và "Hồ Chí Minh - Chân dung một con người".

Nghe nội dung chi tiết tại đây


Sinh năm 1934 ở làng Hiền Quan, huyện Tam Nông, Phú Thọ, và bắt đầu hoạt động điện ảnh từ năm 1953 cho đến nay, Nghệ sỹ nhân dân Bùi Đình Hạc từng vinh dự giành 10 giải nhất tại các Liên hoan phim quốc tế và Việt Nam, trong đó các tác phẩm đoạt giải thường gắn liền với những bộ phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đạo diễn Bùi Đình Hạc chia sẻ: Ngoài tình yêu ông dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, điều thôi thúc ông làm nên những bộ phim về Người còn đến từ sự cảm nhận, sự kính trọng, cảm phục và nhất là kỷ niệm đàng nhớ nhất là lần được vào tận Phủ Chủ tịch chiếu phim phục vụ và được gặp Người: “Hôm đó vào một buổi chiều, tôi đang ở xưởng phim chuyện thì nhận được tin Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắn đoàn làm phim mang bộ phim vừa sản xuất vào Phủ Chủ tịch để chiếu. Chúng tôi được chiếu phim cho Chủ tịch Hồ Chí Minh xem. Hôm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp các phi công đã bắn rơi máy bay Mỹ. Tôi ngồi cạnh Người trong suốt một tiếng rưỡi chiếu phim về Nguyễn Văn Trỗi. Tôi rất xúc động, bởi khi Chủ tịch Hồ Chí Minh xem đoạn nào hay, xúc động… tôi đều cảm nhận được ở Người điều đó.”   

Đạo diễn Bùi Đình Hạc: Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguồn cảm hứng sáng tác vô tận - ảnh 1
Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguồn cảm hứng sáng tác vô tận

Tác phẩm đầu tiên về Chủ tịch Hồ Chí Minh mà ông thực hiện là “Bài ca dâng Bác”. Bộ phim ra đời sau Đại hội Đảng lần thứ IV năm 1976, lấy cảm hứng từ những lời ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh của các đại biểu quốc tế. Đến năm 1980, vào đúng dịp kỷ niệm 90 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo diễn Bùi Đình Hạc hoàn thành bộ phim “Nguyễn Ái Quốc với Lênin” và “Đường về Tổ quốc”. Đạo diễn Bùi Đình Hạc chia sẻ: Với “Đường về Tổ quốc”, đoàn làm phim có dịp được đặt chân tới tất cả những miền đất đã làm nên cuộc hành trình đầy cam go, thử thách suốt gần hai thập kỷ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời nổi bật một người thanh niên trẻ tuổi, ý chỉ kiện định, đầy sáng tạo, một nhà lãnh đạo kiên quyết sát với phong trào và có khả năng nhìn xa trông rộng… Phim “Nguyễn Ái Quốc đến với Lênin” tập trung thể hiện một khoảng thời gian ngắn, từ mùa hè năm 1923 đến mùa thu năm 1924. Khi đó Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên đến đất nước Liên Xô và tham gia hoạt động Quốc tế Cộng sản. Đoàn làm phim khắc họa chân dung chàng thanh niên Nguyễn Ái Quốc ở tuổi 33 mà ngày từ thời đó đã định hình được rõ những nét nhất quán về con người Chủ tịch Hồ Chí Minh… Từ phong cách văn hóa, tình cảm nhân ái đến tư duy chính trị: “Khi làm những bộ phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi rất lo lắng vì đấy là một đề tài rất lớn. Vì vậy khi làm bộ phim này, việc đầu tiên là phải đi tìm những tư liệu, tìm những nhân chứng lịch sử. Về “Nguyễn Ái Quốc đến với Lênin”, việc đầu tiên chúng tôi phải làm là tìm cho bằng được các tư liệu phim ảnh, xác minh cho được ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên đến với đất nước Liên Xô. Vì điều này hết sức quan trọng, không những cho bộ phim mà còn cho cả việc viết lịch sử Cách mạng VN, về cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày đó cũng là mốc đầu tiên mở ra những quan hệ ngày càng bền chặt, đầy tình nghĩa giữa VN và Liên Xô mà bây giờ là Liên bang Nga.

Và cuối cùng, công sức của những người làm phim đã được đền bù xứng đáng. Họ đã tìm thấy tấm hộ chiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng để đến Liên bang Xô viết: “Cho đến một ngày, trong tập hồ sơ ngổn ngang, chúng tôi vô cùng xúc động khi tìm thấy tấm giấy thông hành khi dòng chữ đậm “Chen Vang”, tức là Trần Vương, là Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh. Điều quan trọng ở tờ thị thực nhập cảnh này có con dấu vuông của Đồn biên phong Petrograd xác nhận người được cấp giấy đã quan Đồn biên phòng này vào ngày 30/6/1923. Tôi cầm tờ giấy thông hành, ngắm nhìn tấm ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, với vầng trán cao rộng và đôi mắt sáng. Đó là những giờ phút không thể nào quên trong cuộc đời làm phim của chúng tôi.”

Đạo diễn Bùi Đình Hạc: Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguồn cảm hứng sáng tác vô tận - ảnh 2


Đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (năm 1990), đạo diễn Bùi Đình Hạc bắt tay vào thực hiện bộ phim “Hồ Chí Minh - Chân dung một con người”. Đạo diễn Bùi Đình Hạc cho biết: “Về phim “Hồ Chí Minh – Chân dung một con người”, chúng tôi không đi sâu vào miêu tả Lãnh tụ Hồ Chí Minh cùng những hoạt động chính trị của người như ở hai bộ phim trước mà chúng tôi đi sâu vào miêu tả chân dung một con người với những suy tư, trăn trở, vui buồn, tình cảm và tâm hồn và phong thái của Người… để đi tới một nhân cách, nhân cách Hồ Chí Minh, một con người Hồ Chí Minh.”

Để có một “Hồ Chí Minh – Chân dung một con người”, đạo diễn Bùi Đình Hạc cùng đồng nghiệp phải xem hàng vạn mét phim tư liệu để rồi phát hiện ra những hình ảnh quý giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Bùi Đình Hạc chia sẻ: Không như hai phim trước phải tuân thủ nghiêm ngặt theo trình tự thời gian, bộ phim này hoàn toàn do dòng cảm xúc dạt dào về Chủ tịch Hồ Chí Minh nói thành lời: “Khi làm những bộ phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi lần thấy một hình ảnh mới về Chủ tịch, với chúng tôi là như một ngày hội. Chúng tôi xúc động rất nhiều khi tìm được tấm ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tờ báo “Ngọn lửa nhỏ” của Nga, với bài viết của Nhà thơ Nga Man-dét-tan từ năm 1923: Từ Nguyễn Ái Quốc tỏa ra một nền văn hóa, không phải là văn hóa Châu Âu mà có lẽ là nền văn hóa của tương lai. Cử chỉ cao thượng, tiếng nói trầm lắng của Nguyễn Ái Quốc, tôi thấy được ngày mai, thấy được viễn cảnh trời yên, biển lặng của tình hữu ái toàn thế giới bao la như đại dương. Điều lo lắng nhất khi làm bộ phim “Chủ tịch Hồ Chí Minh – Chân dung một con người” là mình phải đi vào những cảnh đời thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh, liệu người xem có xúc động không.”

Đạo diễn Bùi Đình Hạc chia sẻ: Tôi vẫn vẫn suy tư, trăn trở những dự định làm phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh bởi dù cố gắng đến đâu cũng không thể miêu tả, phản ánh trọng vẹn được sự vĩ đại, lớn lao mà vô cùng bình dị, khiêm nhường của vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc. Đạo diễn Bùi Đình Hạc luôn tâm niệm: Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng và tấm gương của Người chính là nguồn đề tài vô tận cho ông và các đồng nghiệp./. 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác