Quốc hội nghe tờ trình về Luật bầu cử và thảo luận về Luật dạy nghề

(VOV5)- Hôm nay, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dạy nghề.

Quốc hội nghe tờ trình về Luật bầu cử và thảo luận về Luật dạy nghề - ảnh 1
Toàn cảnh Kỳ họp thứ Tám của Quốc hội khóa XIII.

Tờ trình về dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, do Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày nêu rõ: Luật bầu cử là đạo luật quan trọng quy định về quyền bầu cử, ứng cử, là một trong các quyền chính trị cơ bản của công dân đã được quy định trong Hiến pháp. Vì vậy, việc xây dựng dự án Luật này phải bảo đảm phát huy dân chủ, hoàn thiện cơ chế bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp và bảo đảm sự phù hợp với Hiến pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật để công dân thực hiện đầy đủ quyền bầu cử, ứng cử của mình.

Trong khi đó, một trong những vấn đề của Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật dạy nghề, được nhiều đại biểu tập trung thảo luận là mục tiêu giáo dục nghề nghiệp. Các đại biểu đề nghị: Luật cần cấu trúc lại và cụ thể hóa hơn quy định về mục tiêu đào tạo nghề nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu cân bằng và chuyển dịch cơ cấu lao động cũng như để phù hợp với việc xây dựng khung trình độ quốc gia. Từ đó, quy định những yêu cầu, chuẩn năng lực cơ bản của từng trình độ giáo dục nghề nghiệp, làm căn cứ cho Chính phủ thiết kế và ban hành khung trình độ nghề nghiệp quốc gia cho phù hợp khi hướng dẫn thi hành Luật.

Bà Phạm Thị Hải, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh: Về mục tiêu dạy nghề ở tất cả các trình độ sơ cấp, trung cấp cao đẳng trong Dự thảo luật nên bổ sung phần có tinh thần yêu nước ý thức chính trị đạo đức trách nhiệm nghề nghiệp. Bởi vì qua sự kiện tháng 5/2014 tại một số địa phương vừa qua cho thấy ý thức chính trị, tinh thần yêu nước của công nhân còn chưa phù hợp dễ bị bọn xấu lợi dụng tạo ảnh hưởng không tốt cho môi trường đầu tư sản xuất kinh doanh của Việt Nam. Do đó nhất thiết phải bắt buộc có phần giáo dục về ý thức chính trị.

Cũng trong phiên họp sáng nay, các đại biểu Quốc hội cho ý kiến về tổ chức và hoạt động của cơ sở dạy nghề, việc thay đổi cơ chế phân bổ ngân sách cho giáo dục nghề nghiệp chính sách phân luồng học sinh theo học nghề nghiệp, việc miễn, giảm học phí và hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề nghiệp/.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác