Làng Dơk Rơng, Gia Lai, đoàn kết xây dựng nông thôn mới

(VOV5) - Với suy nghĩ, muốn buôn làng giàu đẹp thì trước tiên phải phát triển kinh tế gia đình, bà con làng Dơk Rơng luôn nhắc nhở nhau đoàn kết, chăm chỉ làm ăn. 

Với gần 100% hộ đồng bào dân tộc Bahnar sinh sống từ nhiều năm nay, làng Dơk Rơng, xã Glar, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai, là một trong những ngôi làng tiêu biểu trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Cùng với chính quyền địa phương, người dân trong làng cũng chung tay vận động mọi người tham gia hưởng ứng làm thay đổi diện mạo quê hương. Nhờ vậy, làng ngày càng khang trang, sạch đẹp. góp phần đưa Glar trở thành một trong các xã đạt chuẩn nông thôn mới của huyện Đak Đoa.
Làng Dơk Rơng, Gia Lai, đoàn kết xây dựng nông thôn mới - ảnh 1Nhà sinh hoạt cộng đồng được xây dựng từ nguồn quỹ lao động sản xuất của người dân. Ảnh: VOV

Con đường vào làng được bê tông hóa sạch sẽ dẫn lối tới những căn nhà khang trang, rộng rãi, với khoảng sân bê tông rộng để phơi cà phê không còn là hình ảnh hiếm gặp khi đến với làng Dơk Rơng, xã Glar, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai, trong vài năm trở lại đây. Để có được sự phát triển này, nhiều năm qua, người dân làng đã mạnh dạn áp dụng khoa học, kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, đầu tư máy móc, phương tiện để phục vụ sản xuất. Từ đó, số hộ có thu nhập cao ngày một nhiều: “Trước đây cuộc sống khó khăn lắm. Từ khi xây dựng nông thôn mới mình được tiếp cận cách thức trồng cà phê đem lại hiệu quả kinh tế. Bây giờ, hàng năm, trừ chi phí, gia đình có nguồn thu khoảng 200 triệu từ trồng cà phê. Mấy năm trước tôi cũng mạnh dạn xây mới căn nhà mái thái trị giá 700 triệu.”

Ngoài trồng cà phê, bà con ở thôn Đơk Rơng còn có hơn 50 ha lúa nước, 1 năm cho thu hoạch 2 vụ. Những năm trước, việc thu hoạch lúa vất vả vì không có đường vào ruộng. Người dân phải vác những bao lúa từ ruộng chất lên xe máy đưa về nhà nên rất vất vả. Từ năm 2019, khi có đường đến tận đồng ruộng, bà con có thể đưa xe máy cày vào tận nơi. Anh Uê, ở làng Dơk Rơng, người hiến gần 100m2 đất để làm đường, chia sẻ: “Đường trước đây nhỏ, đi lại khó khăn. Khi thôn với xã có chủ trương mở rộng đường thì gia đình cũng sẵn sàng hiến để mở rộng đường. Tôi cùng bà bà con họp lại và thống nhất mỗi nhà hiến một ít đất để mở rộng đường, thuận tiện cho bà con vận chuyển nông sản mà mùa thu hoạch cũng thuận lợi hơn. Nhà tôi có 4 sào lúa, từ ngày đường rộng, việc vận chuyển lúa từ ngoài đồng về dễ dàng hơn nhiều.”

Ông A Miên, Trưởng thôn Dơk Rơng kể lại, vào năm 2013, dân làng đã lên ý tưởng sử dụng quỹ đất chung của làng rộng 1,6 ha để sản xuất cà phê, phân công cho 10 tổ phụ trách chăm sóc. Hàng năm, sau vụ thu hoạch đã mang lại nguồn thu trên 200 triệu đồng đóng góp vào nguồn quỹ xây dựng Nông thôn mới của làng cũng như phục vụ những việc chung. Nhiều công trình đã đượ xây dựng từ nguồn quỹ này, trong đó, điển hình là Nhà sinh hoạt cộng đồng của làng, với kinh phí hơn 300 triệu đồng. Ngoài nguồn quỹ chung, người dân còn tự nguyện đóng góp hơn 60 triệu đồng xây dựng tường rào, cổng ngõ cho phân hiệu trường tiểu học trong làng.

Làng Dơk Rơng, Gia Lai, đoàn kết xây dựng nông thôn mới - ảnh 2Người dân ở làng Đơk Rơng trở nên giàu có nhờ cần cù lao động. Ảnh: VOV

Ông A Miên cho biết thôn có 230 hộ, chỉ còn 10 hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người năm vừa rồi đạt 41 triệu đồng. “Để có được thành quả như ngày hôm nay cuộc sống đầy đủ, và ấm no hơn thì bà con đã chịu khó làm ăn, đoàn kết với nhau. Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên bà con càng phải cố gắng hơn. Từ việc hiến đất làm đường, đường xá khang trang, cuộc sống từng ngày phát triển thì bà con càng đoàn kết với nhau hơn.”

Với suy nghĩ, muốn buôn làng giàu đẹp thì trước tiên phải phát triển kinh tế gia đình, bà con làng Dơk Rơng luôn nhắc nhở nhau đoàn kết, chăm chỉ làm ăn. Trong làng hình thành các tổ, nhóm đổi công để hỗ trợ nhau về vốn, kỹ thuật, ngày công phát triển sản sản xuất. Đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được nâng cao, ai nấy đều sẵn sàng hiến tiền của, ngày công để xây dựng nông thôn mới. Ông Bùi Quang Thoại, Phó chủ tịch UBND xã Glar, cho biết:Thôn Đơk Rơng đã được UBND huyện công nhận là thôn đạt chuẩn nông thôn mới. Người dân đã nhận thức được tầm quan trọng trong việc xây dựng nông thôn mới, làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống nhân dân ngày một phát triển hơn.”

Khi đời sống vật chất ngày càng ổn định thì đời sống tinh thần của bà con cũng được nâng cao, từ đó, các giá trị văn hóa và nét đẹp truyền thống được khơi dậy, phát huy. Đây là thành quả xứng đáng cho những người nông dân dám nghĩ, dám làm, từ đó, họ có thêm động lực để tiếp tục vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no trên chính mảnh đất quê hương.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác