Tiếp sức, hỗ trợ nông dân, phục hồi, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững

(VOV5) - Hội nghị tổ chức trực tuyến tại 62 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Sáng 29/05, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Sơn La, diễn ra Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2022 với chủ đề “Tiếp sức, hỗ trợ nông dân, phục hồi, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững”. 

Tiếp sức, hỗ trợ nông dân, phục hồi, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững - ảnh 1Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân tại Hội nghị. ảnh: VOV

Tại đây, có hơn 1.600 câu hỏi, đề xuất, kiến nghị của người nông dân đã được gửi đến Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan. Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đại dịch COVID-19 và tình hình thế giới diễn biến phức tạp thời gian qua đã tác động tới sản xuất kinh doanh và đời sống người dân, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn: "Các Bộ, ngành, các cấp phải phối hợp với nhau một cách chặt chẽ, hiệu quả hơn để cùng với ngành nông nghiệp, cùng người nông dân giải quyết những khó khăn của kinh tế xã hội nói chung, trong đó có phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Chúng ta phải tự chủ vươn lên, trong đó phải dựa vào nội lực là chính. Nội lực ở đây là con người là vốn quý nhất. Chúng ta cũng phải tiếp tục đổi mới công nghệ, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, kết nối chặt chẽ và hiệu quả giữa nông nghiệp và công nghiệp, kết nối các chuỗi giá trị, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, và đặc biệt là thích ứng biến đổi khí hậu".

Tiếp sức, hỗ trợ nông dân, phục hồi, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững - ảnh 2Thủ tướng hạm Minh Chính và lãnh đạo các Bộ, ngành tại Hội nghị

Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trả lời nhiều vấn đề mà nông dân, đại diện các hợp tác xã nông nghiệp, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học... cả nước quan tâm như khôi phục sản xuất nông nghiệp sau dịch COVID-19; thúc đẩy chuỗi liên kết giữa nhà nông - doanh nghiệp; vốn, tín dụng; môi trường nông thôn; đào tạo nghề cho lao động nông thôn... Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đóng góp của lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và của nông dân vào thành tựu chung của đất nước là rất quan trọng và to lớn. Do đó, cần phát huy sức mạnh, vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn; thực hiện thành công mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phải gắn liền với sự phát triển khu vực nông thôn và nâng cao trình độ của người nông dân. Mục tiêu là phát triển nông nghiệp sinh thái, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh: "Cần nâng nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ của người nông dân, nhất là trình độ theo hướng "tri thức hóa nông dân" để làm chủ công nghệ trong sản xuất, kinh doanh và có thể làm giàu từ nông nghiệp, tham gia vào đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và chuyển đổi số. Phát triển nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái; ứng dụng công nghệ cao, nâng cao năng suất chất lượng, xây dựng thương hiệu gắn với chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế. Xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa, phát triển công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tạo cơ hội bình đẳng tiếp cận các nguồn lực phát triển, các dịch vụ cơ bản. Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, cải cách hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân; tăng đầu tư của Nhà nước cho nông nghiệp, nông thôn; tín dụng ưu đãi; đa dạng hóa nguồn lực đầu tư nông thôn".

Thủ tướng cũng đề nghị cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh, khuyến khích khởi nghiệp trong nông dân, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khu vực nông thôn; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nhân lực, đổi mới đào tạo nghề; tăng cường ứng dụng thương mại điện tử trong tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm; nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên, môi trường.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác