Mang sân chơi đến với trẻ em buôn làng vùng sâu

(VOV5) -  Tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng được gần 200 sân chơi cho thiếu nhi, với tổng giá trị gần 10 tỷ đồng.

Những sân chơi được trang trí nhiều màu sắc với các trò chơi vận động liên hoàn  đặt ngay trước sân trường hay khu vực trung tâm của nhiều buôn làng vùng sâu đang dần trở thành hình ảnh khá quen thuộc ở tỉnh Đắk Lắk. Nơi đây các em nhỏ có thể vui chơi, vận động thể chất và phát huy tính sáng tạo của từng cá nhân, góp phần là động lực để các em tới trường.  

Mang sân chơi đến với trẻ em buôn làng vùng sâu - ảnh 1Các em thỏa sức chơi xích đu. Ảnh: VOV

Những ngày nghỉ tết nguyên đán vừa qua, dù giữa trời nắng chang chang, các em nhỏ ở buôn Krũe, xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk vẫn tập trung phía trước sân điểm trường tiểu học Phan Bội Châu để chơi ở khu vui chơi mới với nhiều trò chơi vận động như cầu trượt, xích đu, đi cầu khỉ zích zắc.

Các em rất thích thú, nối đuôi nhau tham gia. Em Lê Trần Linh Chi, dân tộc Tày, nhà ở gần khu vui chơi, thích thú chia sẻ: “Trước chưa có sân chơi, giờ con rất cảm ơn các cô chú đã làm sân chơi, sân bóng, cầu trượt cho chúng con, chúng con rất vui, rất cảm ơn. Con thường xuyên sẽ rủ các bạn ra đây.”

Cũng thích thú với các trò chơi mới, em Vi Y Quyền, dân tộc Ê Đê, học sinh lớp 5B, trường Tiểu học Phan Bội Châu, kể nhà cách trường gần 1km, nhưng từ khi có khu vui chơi mới được đặt ở trường, dù đang được nghỉ Tết nhưng hầu như ngày nào em cũng ra đây chơi với các bạn: “Con rất vui, Trước đây chưa bao giờ được chơi như thế này nên giờ con vui lắm. Được các cô chú và thầy cô giáo đem đến những món quà ý nghĩa như thế này, con xin hứa sẽ gắng học tập thật tốt.”

Theo thầy giáo Trần Hải Đường, Hiệu trưởng trường Tiểu học Phan Bội Châu, điểm trường buôn Krũe hiện có 5 lớp với 100 học sinh, tất cả đều là người dân tộc thiểu số. Đây là một trong những trường khó khăn nhất của xã Vụ Bổn. Trước kia, ngoài giờ học thì học sinh ở đây chủ yếu theo cha mẹ đi làm nương rẫy, chăn bò, bắn chim hoặc tập chung đá bóng trên đồng cỏ. Từ khi sân chơi được lắp đặt tại điểm trường, các em học sinh và thiếu nhi quanh khu vực này thường xuyên đến đây vui chơi.

Mang sân chơi đến với trẻ em buôn làng vùng sâu - ảnh 2

Thầy Đường bảo: “Có khu vui chơi như thế này thì trước hết các em sẽ thường xuyên đến trường hơn, thứ 2 là tăng cường công tác học thể dục thể thao, nâng cao thể lực cho các em. Sau khi nhận công trình này bàn giao xong thì ban giám hiệu nhà trường cùng với đoàn thanh niên nhà trường và đoàn thanh niên thôn sẽ họp lại để làm sao bảo quản tốt nhất để có hiệu quả nhất cho các em.”

Sân chơi tại buôn Krũe là công trình thứ 3 thuộc dự án “Sân chơi cho em” do nhóm thiện nguyện Kết nối yêu thương BMT vận động nguồn lực xã hội hóa xây dựng, với kinh phí khoảng 30 triệu đồng. Chị Lê Như Huyền Trâm, trưởng nhóm thiện nguyện Kết nối yêu thương BMT, chia sẻ trong quá trình đi khảo sát thực tế tại các địa bàn khó khăn, các buôn làng vùng sâu, chị nhận thấy các em thiếu nhi ở đây đều rất khó khăn, sinh sống ở vùng xa trung tâm, không có điều kiện tiếp cận các khu vui chơi. Ngoài giờ học, các em thường rủ nhau đi bắn chim, ra ao, hồ, sông, suối để chơi nên dễ dẫn đến nguy cơ đuối nước. Trước thực tế này, nhóm đã phối hợp với địa phương, huy động các nguồn lực để hỗ trợ xây dựng sân chơi cho các em. Cùng với đó, tại các điểm sân chơi được xây dựng, các đơn vị đồng hành cũng kết nối thêm các nguồn lực để hỗ trợ quà, nhu yếu phẩm cho người dân hay quần áo ấm, đồ dùng học tập cho thiếu nhi khó khăn. Đây là dự án dài hơi và sẽ được tiếp tục triển khai trong thời gian tới.

Chị Lê Như Huyền Trâm cho biết: “Trong năm 2022 sẽ có 10 dự án Sân chơi cho các huyện xã nghèo chưa có sân chơi trong tỉnh Đắk Lắk. Câu lạc bộ sẽ kêu gọi các nhà hảo tâm, nếu mà kinh phí không đủ thì các thành viên sẽ ủng hộ thêm để tiếp tục chương trình sân chơi cho các em.”

Với sự chung tay của các đơn vị đồng hành, tài trợ, trong 5 năm qua, thông qua các kênh của tổ chức Đoàn thanh niên, tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng được gần 200 sân chơi cho thiếu nhi, với tổng giá trị gần 10 tỷ đồng. Mỗi sân chơi được hoàn thành và bàn giao đều được các đơn vị thụ hưởng tiếp nhận và bảo quản, tạo điều kiện để các em nhỏ được sử dụng, vui chơi. Qua đó, giúp cho các em có thêm nơi vui chơi, tạo sự vui tươi, hứng khởi mỗi khi đến trường.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác