Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

(VOV5) Tại phiên họp Quốc hội sáng 18/11, sau khi Trưởng ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ và hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các đại biểu Quốc hội sửa trực tiếp vào các điều khoản của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và thể hiện rõ ý kiến của mình vào phiếu xin ý kiến về một số điều của Dự thảo. Việc góp ý này sẽ tiến hành trong 2 ngày 19 và 20/11, trước khi các ý kiến được Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp tiếp thu lần cuối để hoàn chỉnh bản Dự thảo, trình Quốc hội thông qua.

 

Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 - ảnh 1
Các đại biểu trong một phiên thảo luận tại tổ về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992


Cũng trong sáng nay, phát biểu làm rõ thêm một số nội dung của bản giải trình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh Dự thảo Hiến pháp đã được chuẩn bị công phu và đã được triển khai, lấy ý kiến mọi tầng lớp nhân dân trong 2 năm qua. Tiếp đó tại các kỳ họp Trung ương, Bộ Chính trị đều đã đưa ra ý kiến và được tiếp thu đầy đủ. Với tinh thần khiêm tốn, cầu thị, Quốc hội cũng đã tiếp thu tinh hoa, trí tuệ từ nhân dân thông qua các đại biểu phản ánh ở nghị trường.Chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định:Ban dự thảo xin Quốc hội ý kiến để hoàn thiện thêm Dự thảo. Việc hoàn  thiện này dựa trên các định hướng cơ bản để chúng ta có một nguyên tắc, đi đến đồng thuận, biểu quyết được. Tôi cũng mong các đại biểu tiếp tục góp ý để có bản Dự thảo tốt nhất, đạt được sự thuận cao nhất.

 

Ngày mai, 19/11, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIII chính thức bắt đầu bước vào phần chất vấn các thành viên Chính phủ. Nội dung này dự kiến diễn ra trong 3 ngày. Danh sách chất vấn gồm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Nguyễn Bắc Son, Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình. Sau 4 Bộ trưởng, Trưởng ngành, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng sẽ trực tiếp trả lời những vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm. Về nội dung chất vấn, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Bộ trưởng Bộ thông tin và truyền thông nhận được nhiều câu hỏi của đại biểu xung quanh công tác quản lý nhà nước về báo chí, về thông tin, những tồn tại về quản lý báo mạng, an ninh mạng…Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hoà Bình sẽ trả lời về tình trạng án oan sai, nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ ngành Tòa án. Nội dung chất vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng rất rộng xoay quanh vấn đề kinh tế - xã hội

 

Ngoài những nội dung trên, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự quan tâm về hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ công chức, chính sách y tế, chính sách hỗ trợ cho nông dân. Bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hà Nội, cho biết: Tôi quan tâm đến vấn đề bộ máy, làm sao cho tinh giản nhất và hoạt động có hiệu quả nhất. Vậy Bộ trưởng Bộ nội vụ có giải pháp nào để giải quyết vấn đề trên. Yêu cầu ở đây là phải có giải pháp đột phá và hiệu quả. Thứ 2 là các giải pháp để tăng lương cho những người làm việc hiệu quả. Đó cũng là vấn đề Bộ nội vụ phải quan tâm. Thứ 3 là việc giao quyền tự chủ cho một số tổ chức, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học, công nghệ. Cần phân loại rõ những tổ chức nào mà Nhà nước cần đầu tư, còn lại là phải chuyển sang sự nghiệp có thu.”.

 

Theo chương trình, trước khi bước vào phần chất vấn, sáng mai, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ trình bày Báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, thứ 4 và thứ 5. Tiếp đó, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về Báo cáo này.  Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát sẽ đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

 

Toàn bộ 3 ngày chất vấn sẽ được phát thanh và truyền hình trực tiếp để cử tri theo dõi./.

 

 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác