Thông tin về nỗ lực xóa mù chữ, các lễ hội núi và biển, bảo tàng đá quý lớn nhất

(VOV5) - Tuần qua thính giả gửi lời chúc ngày thành lập Đài TNVN, thông tin các hoạt động của người Việt và yêu cầu được giải đáp một số nội dung quan tâm

Tuần qua, trong thư gửi về chương trình, thính giả gửi lời chúc tới Đài TNVN nhân 74 năm ngày thành lập; thông tin về hoạt động của người Việt ở các nước cùng yêu cầu giải đáp một số nội dung thính giả quan tâm.

Nghe âm thanh tại đây:

Chào quý vị, chào các bạn,

Những lá thư tuần qua của thính giả gửi về vẫn tiếp tục là những lời chúc kỷ niệm 74 năm ngày thành lập Đài TNVN.

Các thính giả hy vọng Đài TNVN và Ban đối ngoại ngày càng có nhiều chương trình hay và thú vị.  Chúc mừng 74 năm thành lập Ban đối ngoại là những lá thư từ thính giả Francisco Llerena Vega, ở Peru; Jorge Garzón Gutiérrez, từ Tây Ban Nha; Thính giả người Argentina Hugo Longhi; thính giả Yutaka Takahashi, ở Nhật Bản. Nhiều thính giả từ Mỹ, Ấn Độ cho biết: các bài viết trong các chuyên mục đã giúp cho bạn bè quốc tế hiểu về đất nước và con người Việt Nam.

Chương trình cũng nhận được tin, bài ảnh về cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc, Sec, Australia, Đức, Đài Loan (Trung Quốc)…tổ chức Tết Trung Thu hay người Việt tại Lào, Pháp,  Nhật Bản chung tay hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai; khai giảng lớp tiếng Việt tại một số nước và nhiều hoạt động văn hóa khác. Chương trình cũng nhận được thư của các thính giả quen thuộc từ Pháp, Nga, Anh… thông tin về các hoạt động của kiều bào tại các nước.

Quý thính giả thân mến,

Trả lời thư của thính giả Shyamal Kumar, ở Ấn Độ, hỏi về những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc xóa mù chữ, chương trình thông tin như sau:

Đến thời điểm này, tỷ lệ người biết chữ độ tuổi từ 15 đến 60 là 97,65%, cơ bản đạt được mục tiêu Đề án xóa mù chữ đến năm 2020 của Chính phủ đạt 98%. Theo đề án, nhiều địa phương đã thực hiện những giải pháp vận động người lớn đi học các lớp xóa mù chữ, với sự phối hợp của nhiều lực lượng xã hội. Hằng năm, có khoảng 18 triệu lượt người tham gia các lớp chuyên đề bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng trong các trung tâm học tập cộng đồng nhằm duy trì, củng cố kết quả  xóa mù chữ. Đặc biệt,  việc dạy tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số tiếp tục được quan tâm. Hiện Việt Nam đang triển khai dạy và học 8 thứ tiếng dân tộc thiểu số ở những vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Thính giả Sok Dani, sinh viên Campuchia, muốn nghe giới thiệu về Bảo tàng đá quý lớn nhất Việt Nam. PTV Sơn Tùng .sẽ giúp quý thính giả trả lời câu hỏi này:

 Bảo tàng đá quý lớn nhất Việt Nam tại Hà Nội  vừa đi vào hoạt động, trưng bày hàng trăm các mẫu đá quý vô cùng quý hiếm của Việt Nam và thế giới. Ấn tượng khi  khách tới đây là 4 bức tranh được ghép bằng các viên đá màu đa sắc làm nên 4 bông hoa cỡ lớn có tên Hồng Ngọc, Lam Ngọc, Lục Ngọc và Kim Cương được chế tác bằng tay. Bảo tàng được đặt tại Tòa nhà DOJI Tower ở số 5 Lê Duẩn, Hà Nội trước đây từng là Bách hóa số 5 Nam Bộ gắn bó với người Hà Nội. Đây cũng là trung tâm Trang sức lớn nhất Việt Nam với diện tích trên 19.000m2 với 16 tầng nổi và 3 tầng chìm với không gian kiến trúc độc đáo, tạo hình viên kim cương khổng lồ.

Thính giả Paul Jamet, ở Pháp, hỏi ở Việt Nam có sự kiện “Mùa văn học” như ở Pháp không?Sau đây là thông tin chúng tôi chuyển tới quý thính giả:

Có sự khác biệt giữa sự kiện mùa văn học của 2 nước. Hàng năm, mùa văn học ở Pháp diễn ra hầu như cùng lúc với mùa tựu trường. Đó là khi hầu hết các tựa sách mới có khả năng được tuyển chọn để tranh các giải văn học đều được cho ra mắt độc giả vào đầu mùa thu, sau khi kết thúc hai tháng hè. Còn ở Việt Nam,  có người cho rằng, ở Hà Nội, có đến những 5 mùa trong một năm. Sau 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông của Tạo Hóa, là đến mùa thứ 5, một mùa rất đặc biệt: Mùa Trao giải thưởng và Kết nạp Hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam. Đó là mùa văn học Việt khi tổng kết và đánh giá lại những thành tựu văn học trong 1 năm.

Việt Nam cũng có những ngày lễ, lễ hội liên quan tới Núi và Biển không?. Chương trình xin được giới thiệu 2 lễ hội là Lễ hội vía bà đen Tây Ninh và lễ hội Cầu Ngư:

Du khách đi lễ hội vía Bà Đen Tây Ninh phải dùng chính sức mình chinh phục ngọn núi. Du khách có thể ghé đền Linh Sơn Thánh Mẫu. Gần đỉnh núi còn có ngôi miếu Sơn Thần. Đến đây du khách như lạc vào chốn thần tiên. Những người hành hương lên núi Bà thường thích xin những gói giấy đỏ trong đựng 1 nhúm gạo hoặc tiền lẻ như nhần lộc Bà đầu năm. Đây là lễ hội mùa xuân lớn nhất ở miền Nam Việt Nam.

Từ bao đời nay, Lễ hội Cầu ngư là một sản phẩm văn hóa đặc trưng của cộng đồng cư dân vùng biển Trung Bộ và Nam Bộ Việt Nam, gắn với tín ngưỡng thờ cúng cá Ông. Đối với đời sống cộng đồng cư dân biển, Lễ hội Cầu ngư là lễ trọng lớn nhất trong năm, vì đây là lễ hội cầu mùa-cầu ngư hay lễ tế ngư thần và cầu xin thần ban cho một năm “trời yên biển lặng, tôm cá đầy khoang”. Khánh Hòa cũng là địa phương tổ chức lễ hội Cầu Ngư hàng năm. Ông Nguyễn Tấn Tuân, Phó Bí thư thường trực tỉnh Khánh Hòa cho biết:Lễ hội thể hiện bản sắc , nét sinh hoạt văn hóa. Qua lễ hội ngư dân cầu mưa thuận gió hòa, vươn ra biển và phấn đấu làm giàu từ biển. Hoạt động được bà con Khánh Hòa tổ chức tạo cho thu hoạch nhiều cá hơn và giúp bà con an tâm bám biển sản xuất vươn ra ngư trường phía xa

Nếu tới Việt Nam, các bạn hãy dành thời gian để trải nghiệm về sự đa dạng của lễ hội Cầu Ngư ở các vùng miền, để thấy được tình yêu biển đảo của người Việt.

Cám ơn quý vị thính giả đã đón nghe chương trình và gửi thư, bài vở cho  chúng tôi theo địa chỉ: Chương trình phát thanh Dành cho đồng bào VN ở xa Tổ quốc, Ban Đối ngoại, Đài TNVN, 45 Bà Triệu, Hà Nội.

Điện thoại: 84. 243. 8 252 070.

Hộp thư điện tử: vietkieuvov@gmail.com      vovworld@vov.org.vn

Chương trình cũng được phát trực tuyến qua trang web www.vovworld.vn vào lúc: 0h-1h (giờ Hà Nội) tức từ 17h đến 18h (giờ quốc tế). Để tiện theo dõi các chương trình của chúng tôi từ điện thoại di động, quý thính giả có thể tải ứng dụng vov media xuống điện thoại di động; sử dụng hệ điều hành android hoặc IOS và chọn nghe VOV5. Hẹn gặp lại quý vị và các bạn trong những cánh thư sau.          

Phản hồi

Các tin/bài khác