Tiến sỹ Nguyễn Quốc Bình: “Chỉ người Việt Nam mới tạo ra những gì người Việt Nam cần“

(VOV5) - Tiến sỹ Nguyễn Quốc Bình, Việt kiều ở Canada là một trong những người đóng những viên gạch đầu tiên để xây dựng Trung tâm Công nghệ sinh học Thành phố Hồ Chí Minh. 

Được Ủy ban nhân dân Thành phố thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 11/2004, đến nay Trung tâm Công nghệ sinh học Thành phố Hồ Chí Minh đã có một cơ ngơi rộng 23ha, bao gồm các phân khu chức năng, trong đó quan trọng là khu nghiên cứu và sản xuất thử với 12 phòng thí nghiệm về công nghệ sinh học, khu sản xuất chế phẩm sinh học, khu nuôi động vật thử nghiệm, khu nhà kính, nhà lưới… Phóng viên VOV5 phỏng vấn Tiến sỹ Nguyễn Quốc Bình, Cố vấn khoa học của Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM về việc ứng dụng công nghệ trong phát triển nông nghiệp ở Việt Nam, cũng như tiềm năng phát triển của Trung tâm hướng tới trở thành một đơn vị nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học quy mô và tầm cỡ cả nước và khu vực. 

Tiến sỹ Nguyễn Quốc Bình: “Chỉ người Việt Nam mới tạo ra những gì người Việt Nam cần“ - ảnh 1

Tiến sỹ Nguyễn Quốc Bình (Ảnh: ubvk.hochiminhcity.gov.vn)

Nghe nội dung phỏng vấn tại đây:

PV: Thưa ông, Việt Nam là một nước nông nghiệp, và ông đánh giá như thế nào về vai trò của khoa học công nghệ để phát triển nông nghiệp Việt Nam trong giai đoạn hiện nay?

Tiến sỹ Nguyễn Quốc Bình: Từ xưa đến nay chúng ta đã và đang ứng dụng về kỹ thuật nuôi trồng, tạo phân bón, thuốc trừ sâu... Tuy nhiên, giá trị sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đang ở dạng thấp, không phải vì mình không có công nghệ mà vì chưa ứng dụng hết những quy trình tạo ra bởi công nghệ để giá trị đó được nhân lên tầm gấp rưỡi hoặc gấp đôi giá trị hiện tại mình đang có cho thị trường trong nước cũng như thị trường quốc tế. Ví dụ điển hình nhất là hai mặt hàng tôm và các tra là 2 mặt hàng thủy sản mà Việt Nam đang xuất khẩu với giá trị hơn 3 tỷ USD/năm, tuy nhiên giá trị đó theo tôi vẫn còn thấp và vẫn bị các nước mua đánh thuế vì giá trị bán quá thấp, mà họ gọi là bán phá giá. Vậy chúng ta cần phải làm gì để có thể nâng cao giá trị đó? Cần phải ứng dụng công nghệ  như công nghệ vacxin, công nghệ ứng dụng chuỗi nuôi trồng sạch, an toàn và chất lượng đảm bảo đến tay người tiêu dùng. Bây giờ chính là lúc công nghệ tham gia vào để nâng giá trị hiện tại đang có, thị trường đang có lên một mức cao và mang lại lợi nhuận thặng dư nhiều hơn cho nông dân cũng như cho đất nước.

Riêng trong lĩnh vực công nghệ sinh học, theo ông khả năng của Việt Nam so với thế giới như thế nào?

Tiến sỹ Nguyễn Quốc Bình: Công nghệ sinh học của thế giới đi khá xa so với Việt Nam nhưng không có nghĩa là Việt Nam không có hướng phát triển của mình. Công nghệ sinh học của Việt Nam nhằm giải quyết những vấn đề cần giải quyết của Việt Nam. Dù công nghệ của thế giới có cao đến đâu thì họ cũng không tham gia giải quyết một cách trực tiếp các vấn đề của Việt Nam được. Ví dụ hiện tại Việt Nam đang làm những vấn đề về cải tạo giống, nếu áp dụng công nghệ sinh học thì sẽ rút ngắn được thời gian rất nhiều, có thể chỉ 5 năm cho một giống mới thay vì phải là 10 năm; hoặc chúng ta ứng dụng phân bón, thuốc trừ sâu sinh học để giảm thiểu giảm chất lượng sau chế biến để bảo quản chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm. Chỉ có cây trồng Việt Nam, khí hậu của Việt Nam thì mới cần những công nghệ đó dó, chính vì vậy mình phải ứng dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật của thế giới vào những vấn đề trực tiếp của Việt Nam. Chính vì vậy chúng ta luôn có những vấn đề cần giải quyết và có thị trường để ứng dụng.

Trung tâm công nghệ sinh học của TPHCM có sự tham gia lớn của các trí thức kiều bào. Đến nay những hiệu quả hoạt động của Trung tâm được ghi nhận như thế nào trogn sự phát triển của TPHCM nói riêng cũng như trên toàn quốc, thưa ông?

Tiến sỹ Nguyễn Quốc Bình: Trung tâm công nghệ sinh học TPHCM là do ngân sách thành phố xây dựng, do vậy từ trước đến nay nó chỉ mang tầm của Thành phố và phục vụ trực tiếp cho phát triển thành phố. Tuy nhiên sau khi xây dựng xong thì đây sẽ trở thành một Trung tâm công nghệ sinh học quốc gia khu vực quốc gia phía Nam, cùng với Trung tâm công nghệ sinh học phía Bắc do Viện Công nghệ sinh học chủ trì trở thành 2 trung tâm công nghệ sinh học lớn nhất của Việt Nam. Đây là đơn vị hội tụ đầy đủ  trang thiết bị, con người, cũng như các đề tài nghiên cứu, hợp tác quốc tế… để có thể dẫn dắt, nghiên cứu các phòng thí nghiệm khác. Nó có thể tạo ra những cú hích cho nền kinh tế nông nghiệp, nền kinh tế chữa bệnh, nền kinh tế thủy sản… Những lĩnh vực có thể ứng dụng công nghệ sinh học là rất nhiều, ví dụ Trung tâm công nghệ sinh học đã tạo ra những giống hoa lan mới, những giống cá cảnh mới có khả năng phát sáng, hay dự án vacxin cho cá tra, phòng ngừa bệnh gan thận mủ hay bệnh phù đầu xuất huyết thường gặp, làm giảm tổn thất từ 20% xuống còn 10%. Đó là những dự án mà Trung tâm đang tham gia, và những cái đó chỉ có người Việt Nam làm thì mới thực chất, giải quyết đúng những nhu cầu mà Việt Nam đang cần.

Vâng, xin cảm ơn ông.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác