Thành quả kinh tế sau hai năm thực hiện Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận

(VOV5) - Tạo hướng đi khác biệt chính là điều mà Ninh Thuận đặt trọng tâm các nghị quyết để giành ưu thế cuộc đua thu hút đầu tư, nhằm xây dựng và phát triển địa phương.

Nghe âm thanh bài tại đây:

Trong những năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV (2020-2025), Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam (2021-2026), mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức bởi dịch của COVID-19, nhưng với sự quyết tâm, nỗ lực, tinh thần trách nhiệm cao của các cấp ủy, hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, tỉnh Ninh Thuận đã đạt nhiều thành tựu kinh tế to lớn. Năm 2021, tỉnh nằm trong top 5, và 6 tháng đầu năm nay, tỉnh nằm trong top 8 địa phương có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước.

Nhằm triển khai kịp thời, hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ XIV và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, nhằm sớm đưa các nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Ngay trong năm đầu nhiệm kỳ, tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc ban hành các Nghị quyết chuyên đề, chương trình hành động, để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh.

Thành quả kinh tế sau hai năm thực hiện Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận - ảnh 1Ông Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: ninhthuan.gov.vn

Ông Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, cho biết: “Mục tiêu mà chúng tôi đặt ra trong Nghị quyết Đại hội XIV là đến năm 2025, đưa Ninh Thuận trở thành một tỉnh phát triển khá và trở thành trung tâm năng lượng tái tạo. Trong chương trình hành động, các phương thức lãnh đạo của Tỉnh ủy của nhiệm kỳ này thay đổi ngay từ đầu kỳ và ngay từ năm thứ nhất. Năm thứ hai, tập trung chỉ đạo triển khai, ban hành đồng bộ tất cả các nghị quyết chuyên đề, để tập trung lãnh đạo những lĩnh vực là lợi thế, thế mạnh và những lĩnh vực nền tảng của tỉnh. Có như vậy mới có định hướng sớm, để tạo tính đồng bộ trong hệ thống chính trị, từ tỉnh xuống huyện và xuống xã. Tạo sự thống nhất hành động thì chúng ta mới có thể triển khai thực hiện được nghị quyết và đưa nghị quyết vào cuộc sống.”

Hơn 2 năm qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành hơn 20 Nghị quyết chuyên đề, Nghị quyết năm và nhiều chỉ thị, chương trình hành động đề án, kế hoạch quan trọng, như: Nghị quyết về đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; Nghị quyết về phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh Ninh Thuận đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030...

Ông Phạm Văn Hậu cho biết thêm: “Năm nay là năm đầu tiên chúng tôi gặt hái những thành công mà 2 năm đầu đã triển khai các nghị quyết. Hơn 2 năm triển khai thực hiện. Ninh Thuận đã duy trì được ổn định và có những bước phục hồi phát triển kinh tế. Tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người của Ninh Thuận trong 3 năm vừa qua rất ổn định. Ví dụ, như: năm 2021 là nằm trong top tăng trưởng đầu của cả nước. 6 tháng đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng của tỉnh nằm trong top 8 của cả nước.”

Tạo hướng đi khác biệt chính là điều mà Ninh Thuận đặt trọng tâm các nghị quyết để giành ưu thế cuộc đua thu hút đầu tư, nhằm xây dựng và phát triển địa phương. Tỉnh đã phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, tạo dựng cơ chế, chính sách, hoàn thiện hạ tầng giao thông, bố trí quỹ đất cho các dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; tăng cường kết nối với các kênh thu hút đầu tư trong và ngoài nước, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài vào 5 cụm ngành công nghiệp trên toàn tỉnh. Định hướng đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp so với năm 2010 đạt bình quân 18%/năm; tỷ trọng công nghiệp trong Tổng sản phẩm nội địa (GDP) đạt 40 %, thu hút đầu tư và đưa vào vận hành các nhà máy điện để đạt quy mô công suất 11.800 MW, đưa Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của Việt Nam.

Thành quả kinh tế sau hai năm thực hiện Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận - ảnh 2Ông Võ Đình Vinh, Giám đốc Sở Công thương Ninh Thuận. Ảnh: ninhthuan.gov.vn

Ông Võ Đình Vinh, Giám đốc Sở Công thương Ninh Thuận, cho biết: “Tỉnh đã trình Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã triển khai cho kế hoạch những năm tiếp theo. Ngày 15/5 vừa qua, Quy hoạch điện VIII của Chính phủ cũng đã tích hợp vào quy hoạch phát triển tế xã hội của tỉnh. Chúng tôi cũng tham mưu cho tỉnh triển khai trong thời gian tới, nhằm phát huy tốt tiềm năng của tỉnh trong thời gian qua và tạo ra một số giá trị cho công nghiệp và công nghiệp chế biến, chế tạo.”

Trong các nghị quyết của Tỉnh ủy Ninh Thuận lĩnh vực nông nghiệp, trong đó nông nghiệp công nghệ cao được định hướng thành mũi nhọn kinh tế. Tỉnh Ninh Thuận đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để hình thành các vùng, dự án có quy mô, và sản xuất ra các mặt hàng nông sản có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường. Phấn đấu đến năm 2025, Ninh Thuận có từ 3 đến 5 vùng nông nghiệp công nghệ cao, diện tích đạt 1.000 hecta, giá trị sản xuất đạt 700.000.000 đồng (khoảng 30.000 USD)/1 hecta; đưa sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, kinh tế nông thôn, phát triển theo hướng bền vững.

Ông Trương Khắc Trí, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, cho biết: “Thực hiện Nghị quyết 26 của Tỉnh ủy về tiếp tục phát triển nông nghiệp sử dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh, qua 2 năm thực hiện, nông nghiệp công nghệ cao đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Tốc độ tăng trưởng giá trị trong ngành sản xuất nông nghiệp năm ngoái đạt 4,81%, so với chỉ tiêu đề ra là 3-4%/năm. Trong đó, tốc độ tăng trưởng sản xuất ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao đạt 39,6%, so với mục tiêu đề ra là 30-40%/năm.”

Thời gian tới, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục đổi mới việc ban hành và tổ chức thực hiện Nghị quyết của Đảng; đẩy mạnh công tác dân vận nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, khối đại đoàn kết toàn dân; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động chỉ đạo, điều hành công việc, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận và Nghị quyết Đại hội Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2020-2025 của tỉnh Ninh Thuận... đưa Ninh thuận ngày càng phát triển bền vững.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác