Ninh Thuận - Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt

(VOV5) - Ninh Thuận là điểm du lịch hấp dẫn với du khách, và cũng là điểm đầu tư tiềm năng của các nhà đầu tư quốc tế trong các lĩnh vực năng lượng, cảng biển, du lịch...

Ninh Thuận là một trong số ít những địa phương mà du khách khi đến đây có thể đi bằng cả đường không, đường bộ, đường sắt và đường biển. Với điều kiện thời tiết đặc thù nắng ấm quanh năm, sản phẩm nông nghiệp phong phú, đường bờ biển dài hơn 100km với nhiều bãi biển đẹp… Ninh Thuận là điểm du lịch hấp dẫn với du khách, và cũng là điểm đầu tư tiềm năng của các nhà đầu tư quốc tế trong các lĩnh vực năng lượng, cảng biển, du lịch...

Nghe âm thanh phóng sự tại đây: 
Với phương châm “đi trước đón đầu”, “phát triển nhanh và bền vững” và “tư duy phát triển mới”… năm 2009, Ninh Thuận, là địa phương đầu tiên ở Việt Nam thuê tập đoàn Monitor của Mỹ và Arup của Anh xây dựng chiến lược và lập quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, biến nắng gió từ chỗ bất lợi của vùng đất trở thành lợi thế cạnh tranh.
Từ quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Ninh Thuận phát triển dựa trên các nhóm ngành kinh tế trụ cột, gồm: năng lượng sạch, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất, chế biến, giáo dục đào tạo, kinh doanh bất động sản.
Ninh Thuận - Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt - ảnh 1Bãi biển Bình Sơn-Ninh Chữ (thành phố Phan Rang-Tháp Chàm). Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN

Từ đó, Ninh Thuận đã đón nhận được nhiều cơ hội mới, giá trị mới, công nghệ mới… trong quá trình hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa. Ông Trương Văn Tiến, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Ninh Thuận, cho biết: "Trước hết, Ninh Thuận tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Thứ hai, tỉnh cũng đã tập trung hoàn thiện cơ sở hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, đặc biệt nhất là hệ thống kết cấu hạ tầng về giao thông, thủy lợi, đường biển. Trọng tâm nhất là đến nay đã hoàn thành cảng giai đoạn 1, bến 1A đi Cảng quốc tế Cà Ná. Đồng thời, tỉnh vừa kiến nghị và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển Cảng hàng không quốc gia, trong đó có việc chuyển sân bay quân sự Thành Sơn thành sân bay dân dụng.

Ninh Thuận - Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt - ảnh 2Một góc Đầm Cà Ná được nhà đầu tư thực hiện san lấp mặt bằng để xây dựng dự án Khu đô thị mới Đầm Cà Ná ở Ninh Thuận. Ảnh: Báo Nhân Dân

Ngày 12/5 vừa qua, tỉnh Ninh Thuận thông qua Nghị quyết quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đưa Ninh Thuận phát triển toàn diện cân đối hài hòa, hiệu quả, bền vững. Theo đó, ngoài phát triển 5 lĩnh vực, là: năng lượng và năng lượng tái tạo; du lịch chất lượng cao; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng và kinh doanh bất động sản…

Ninh Thuận tập trung bốn khâu đột phá, gồm: nâng cao năng lực cạnh tranh; hoàn thiện hạ tầng khung; chuyển đổi số; ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý vào sản xuất; đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực; lấy kinh tế biển, kinh tế đô thị làm động lực, và lấy con người làm hạt nhân phát triển. Đây là những thế mạnh của Ninh Thuận phù hợp với bối cảnh định hướng phát triển của vùng, quốc gia và xu thế phát triển của thế giới.

Ông Trương Văn Tiến, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Ninh Thuận, cho biết thêm:"Để triển khai thực hiện nhiệm vụ này, tỉnh đang tập trung chỉ đạo triển khai rà soát tất cả các quy hoạch chung cũng như các quy hoạch phân khu, đặc biệt là quy hoạch phân khu các dải ven biển của tỉnh.

Qua đây, khai thác tốt lợi thế tiềm năng, lợi thế về phát triển kinh tế biển gắn với đô thị du lịch. Vừa qua, tỉnh quyết định chủ trương đầu tư cho 5 dự án, trong đó có 3 dự án đã tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, là: Dự án Khu đô thị mới đầm Cà Ná; Khu đô thị bờ Sông Dinh và Khu đô thị mới Phủ Hà… góp phần đồng bộ hạ tầng đô thị, cũng như đáp ứng tốt nhất nhu cầu nhà ở cho người dân và cho phát triển kinh tế xã hội chung của tỉnh."

Ninh Thuận sở hữu tuyến đường ven biển dài hơn 100 km từ Bình Tiên đến Cà Ná, nối liền Khánh Hòa với Ninh Thuận và Bình Thuận. Cùng với đó là Vườn quốc gia núi Chúa, Khu dự trữ sinh quyển thế giới được Tổ chức Khoa học, giáo dục và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận. Vườn Quốc gia này có hệ sinh thái rừng lùn khô hạn độc nhất Đông Nam Á, nơi có những công viên, bờ đá muôn hình độc đáo, khác lạ, và những bãi cát để rùa lên đẻ trứng hằng năm.

Đặc biệt, Ninh Thuận là nơi có những bãi biển đẹp nhất Việt Nam, là: Bình Tiên, Vĩnh Hy và Bình Sơn Ninh Chữ, là nơi có vùng nước trồi hiếm hoi trên thế giới. Ninh Thuận cùng là vùng đất hội tụ nền văn hóa đặc sắc lâu đời, với những cánh đồng nho quanh năm trĩu quả, khí hậu nắng ấm, trong lành quanh năm.

Trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận hiện có các khu Resort, tổ hợp nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế, như: Bình Tiên, Vĩnh Hy, Long Thuận Hoàn Mỹ, Sailing Bay Ninh Chữ… Nhiều khu đô thị mới được hình thành tạo không gian, diện mạo mới cho thành phố Phan Rang-Tháp Chàm của Ninh Thuận.

Với những tiềm năng, lợi thế mang giá trị khác biệt, Ninh Thuận là nơi có thể xây dựng các khu du lịch nghỉ dưỡng khác biệt, đẳng cấp, hấp dẫn, có tính cạnh tranh cao. Theo mục tiêu đề ra, Ninh Thuận sẽ xây dựng ít nhất 12 sản phẩm du lịch đặc thù và trở thành một trong ba đỉnh của Tam giác vàng du lịch Nha Trang (Khánh Hòa) - Đà Lạt (Lâm Đồng) - Phan Rang (Ninh Thuận), và trở thành một trong 7 vùng trọng điểm du lịch quốc gia. Đến năm 2030, du lịch Ninh Thuận hứa hẹn trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đón 6.000.000 lượt khách/năm.

Bà Phạm Thị Thanh Hường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận, cho biết: Với chương trình hành động đã đề ra, chúng tôi đã tham mưu để định hướng các doanh nghiệp du lịch, cũng như là các cấp phối hợp với địa phương, để thúc đẩy cũng như đồng bộ, hình thành các thị trường du lịch. Tỉnh đang ưu tiên phát triển các thị trường du lịch nội địa, các thị trường truyền thống. Trong đó, chúng tôi quan tâm đến việc xây dựng 4 nhóm sản phẩm đặc thù, 4 sản phẩm hỗ trợ và 4 sản phẩm khác biệt. Dựa vào những thế mạnh của từng vùng, từng địa phương, chúng tôi sẽ xây dựng các sản phẩm có sức cạnh tranh cao so với các địa phương khác."

Trong giai đoạn tới, Ninh Thuận tổ chức không gian phát triển mới, với các hành lang kinh tế, du lịch và các khu công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ cảng biển Logistic. Tới đây, du khách đến Ninh Thuận sẽ rất thuận lợi bởi các tuyến đường bộ, đường sắt của địa phương sẽ kết nối với tuyến cao tốc và tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam. Ninh Thuận, cửa ngõ giao thương quốc tế cho cả vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, cũng sẽ gần hơn với du khách, khi sân bay Thành Sơn được đưa vào vận hành. Với những lợi thế, tiềm năng khác biệt về du lịch, văn hóa, kinh tế… Ninh Thuận đã, đang và sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách và các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác