Chế độ mẫu hệ của dân tộc Êđê

(VOV5) - Đặc trưng chế độ mẫu hệ trong xã hội truyền thống của người dân tộc Êđê thế hiện ở nhiều khía cạnh trong cuộc sống, từ quan hệ gia đình, xã hội đến cả các kiến trúc nhà ở, nhạc cụ cồng chiêng... Trong đó, nét đặc trưng nhất là chế độ mẫu hệ thể hiện trong cuộc sống hôn nhân gia đình người Êđê.

 
Nghe nội dung chi tiết tại đây:


Theo truyền thống từ xa xưa, người có quyền lực cao nhất trong gia đình người Êđê là phụ nữ. Theo Tiến sĩ Nguyễn Duy Thiệu, Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, xã hội mẫu hệ của người Êđê là xã hội do người phụ nữ làm chủ. Con cái sinh ra mang họ mẹ chứ không mang họ bố. Tiến sĩ Nguyễn Duy Thiệu ncho biết: Người phụ nữ làm chủ trong hôn nhân. Họ thích ai, yêu ai thì sẽ báo cáo với mẹ, gia đình để cưới người họ yêu. Người được cưới ấy cư trú bên nhà vợ. Khi sinh con đẻ cái thì mang họ vợ. Chẳng may, cô vợ anh ta bị mất thì nhà vợ hoặc dòng họ nhà vợ thì tìm 1 người phụ nữ khác để kết hôn với anh ta. Người Kinh gọi là tục nối dây. Người Êđê gọi là tục chuê nuê.

 

Chế độ mẫu hệ của dân tộc Êđê - ảnh 1


Tục nối dây của người Êđê xét ở một khía cạnh nào đó có tính nhân văn. Nhưng thực tế có thể kéo theo nhiều hệ lụy không đáng có, không đảm bảo quyền tự do yêu đương, quyền lựa chọn hạnh phúc của con người, nhất là nam giới. Trong gia đình, tuy phụ nữ là chủ gia đình nhưng người đàn ông cũng đóng một vai trò nhất định trong gia đình. Ông Thiệu cho hay: Đúng là phụ nữ quyết định, nhưng quyết định qua vị thế của người đàn ông. Ví dụ như trong sử thi Đam San chẳng hạn. Khi Đam San làm tù trưởng nhân dân, vợ đã thể hiện quyền lực ra bên ngoài, bởi vì vợ là dòng tù trưởng. Điều khiển cuộc chiến tranh, điều khiển ngoài cộng đồng thì người đàn ông đứng ra điều khiển, chứ không phải người phụ nữ. Người phụ nữ chỉ điều khiển ở phía sau.

 

Chế độ mẫu hệ của dân tộc Êđê - ảnh 2


Nếu đến thăm một gia đình người Êđê, người thay mặt cho gia đình ra tiếp khách bao giờ cũng là nam giới, thường là con trai hoặc người chồng của bà chủ nhà. Nam giới Êđê là người đại diện cho gia đình và dòng họ mẹ mình trong đối ngoại và xử lý công việc khi có việc xảy ra trong dòng họ mẹ mình như ma chay, cưới hỏi...  Xã hội mẫu hệ Êđê còn in đậm dấu ấn trên ngôi nhà dài đặc trưng. Đó là kiểu nhà sàn, làm bằng gỗ hoặc tre nứa, đủ chỗ cho cả đại gia đình lên tới hàng chục người. Bà H’rôl ở buôn Ki, phường Thành Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc, kể về sự sắp xếp trong những ngôi nhà dài của người Êđê: Nhà dài được chia làm 2 phần. Phần Gah, người ta gọi là phòng khách. Ở đó có phần gọi là Tul Gah, tức là phòng dành cho thanh nam, tức là chưa lấy vợ. Phần Ok là riêng cho các cặp vợ chồng, dành 1 phần Tul Ok là cho những người chưa lấy chồng, hoặc có khách là nữ thì sẽ trải chiếu ngủ ở đó. Còn nam thì ở phần Gah rồi. Gah là phần gần cầu thang đi vào.

 

Chế độ mẫu hệ của dân tộc Êđê - ảnh 3


Chế độ mẫu hệ của người Êđê in đậm trong kiến trúc và trang trí nghệ thuật trong ngôi nhà dài. Khi đặt chân lên chiếc cầu thang ván vào nhà, ta thấy ngay đôi bầu sữa và hình vành trăng khuyết, những biểu tượng sống động của tính nữ. Nhà dài người Êđê có 2 cầu thang, đó là cầu thang đực và cầu thang cái. Cầu thang cái đặt ở phía trước nhà, dành cho khách và đàn ông, con trai. Cầu thang đực nằm khuất sau nhà, dành cho đàn bà, con gái trong nhà. Người phụ nữ Êđê không chỉ là chủ gia đình, mà còn là chủ làng, người Êđê gọi là “pô lăn”. Pô lăn là người đại diện cho việc quản lý đất đai của dòng họ, buôn làng, là người đứng ra giải quyết các mâu thuẫn trong nội bộ buôn làng và với các buôn làng khác. Tiến sĩ Nguyễn Duy Thiệu cho biết chủ làng thường là người “thông thạo việc thần”, “thành thạo việc buôn”, được dân làng tín nhiệm, tôn sùng: Vai trò của chủ làng thuộc về phụ nữ, người ấy là chủ đất. Hàng năm họ dẫn tùy tùng đi để thu tô và kiểm tra cộng đồng ứng xử với đất đai thế nào, để về làm nghi lễ cúng bái. Còn trong cơ chế xã hội mới, các thôn ấp, về cơ chế hành chính do dân bầu, có thể là đàn ông, có thể là phụ nữ. Nhưng thủ lĩnh về truyền thống, có tính chất trong cuộc sống tự quản, trong tập tục của dòng họ thì người phụ nữ vẫn làm chủ.

 

Xã hội mẫu hệ Êđê mặc dù vẫn được đánh giá là xã hội mẫu hệ khá điển hình ở Việt Nam. Theo sự phát triển của cuộc sống xã hội, chế độ mẫu hệ Êđê cũng đang có những biến đổi khá sâu sắc do giao lưu và tiếp biến văn hoá khi mà các cộng đồng dân tộc sống đan xen, khi mà giao thương phát triến mạnh mẽ giữa các vùng miền./.

Phản hồi

Đinh Thị Lệ Thu

Xin cho mình hỏi là nguyên nhân nào xuất hiện chế độ mẫu hệ ở dân tộc Ê Đê

Các tin/bài khác