Chiêng Jhô – Nét đặc sắc của người phụ nữ Êđê Bih

(VOV5)- Khi những cơn gió mùa thổi mạnh, đào, mai nở rực khắp núi rừng là lúc người Tây Nguyên bước vào mùa lễ hội, kéo dài suốt từ cuối năm cũ sang đầu năm mới, tiếng cồng chiêng rộn rã khắp các buôn làng. Đặc biệt ở cộng đồng dân tộc Êđê Bih, một nhánh của người Ê đê sinh sống tại buôn Trấp, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắc Lắc, toàn bộ hoạt động diễn tấu dàn chiêng Jhô đều do phụ nữ thực hiện.

Chiêng Jhô – Nét đặc sắc của người phụ nữ Êđê Bih - ảnh 1

Nghe nội dung chi tiết tại đây



Bà H’Ăng Niê (hay gọi là Aduôn Nhơ) đã đi qua hơn 70 mùa rẫy và hơn 2/3 quãng thời gian đó bà tham gia vào đội chiêng của buôn. Với bà, việc học đánh chiêng tự nhiên như hít thở khí trời, như ăn cơm, uống nước hàng ngày. Vốn được mẹ truyền dạy cho từ năm 10 tuổi nên bà không chỉ hiểu mà còn rất yêu các bài chiêng dân tộc mình, bà đặc biệt thích vai trò của trống Hơ gơ trong dàn chiêng.  Trống Hơ gơ dẫn dắt dàn chiêng thể hiện nhiều cung bậc tình cảm khác nhau. Dàn chiêng Jhô có 6 chiếc được phân ra thành 3 cặp: cặp chiêng mẹ, chiêng con và chiêng bố. Cùng với trống Hơ gơ bắt nhịp, 3 cặp chiêng tạo nên những hợp âm khác nhau. Chính vì thế khi tiếng chiêng vang lên như là tiếng lòng người phụ nữ nói với đất trời, tổ tiên và gia đình. Bà Aduôn Nhơ cho biết: Tôi rất vui vì được mẹ truyền dạy đánh chiêng từ bé. Tôi rất tự hào về truyền thống văn hóa độc đáo của riêng dân tộc Ê đê Bih. Trống Hơ gơ đóng vai trò quan trọng trong dàn chiêng này, bởi nó giữ nhịp cho tất cả 6 chiêng còn lại cùng hòa tấu nhịp nhàng. Hơn nữa âm vang của trống hòa cùng dàn chiêng sẽ làm cho âm điệu bài chiêng thêm lôi cuốn. Tôi bây giờ tuổi đã cao rồi, chỉ cầu mong sao cho có sức khỏe để tiếp tục được đi biểu diễn và truyền dạy cho con, cho cháu.

Chiêng Jhô – Nét đặc sắc của người phụ nữ Êđê Bih - ảnh 2
Truyền dạy chiêng Jhô cho thiếu nữ buôn Trấp (Krông Ana)

H’Lơm H’Mok mới 18 tuổi nhưng em cũng đã có hơn 10 năm chơi chiêng. H’Lơm cho biết, em làm quen với chiêng từ khi tham gia đội múa của thiếu nhi trong buôn. Rồi dần dần, âm điệu của nhịp chiêng, của tiếng trống trở nên thân thiết, quen thuộc tự lúc nào cũng không biết. Giờ H’Lơm H’Mok  chơi nhuần nhuyễn các loại nhạc trong dàn cồng chiêng và thường xuyên được đi biểu diễn ở khắp trong Nam, ngoài Bắc. Từ trải nghiệm của mình, H’lơm cho rằng, chiêng Ê-đê Bih sẽ chinh phục được các bạn trẻ và có vị thế riêng trong đời sống âm nhạc hiện nay: Ban đầu em học thì rất là khó, vì còn nhỏ quá, chưa hiểu được. Nhìn mẹ đánh thì thấy dễ nhưng khi cầm chiêng đánh thì rất khó. Nhiều lúc định từ bỏ nhưng nghĩ lại truyền thống của mình thì thấy cần cố gắng để sau này không mất bản sắc dân tộc. Với lại đánh cồng chiêng khi chưa hiểu thì nghe không hay, đến khi hiểu thì thấy rất hay.

Mỗi mùa xuân đi qua, ở thị trấn buôn Trấp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắc Lắc lại có thêm nhiều cô gái say mê dòng chiêng dòng chiêng nữ Êđê Bih. H’Mly H’Mok, thành viên đội chiêng trẻ bày tỏ cùng với việc khám phá cái hay ẩn sâu trong từng bài chiêng, H’Mly còn muốn giống như các mẹ, các chị trong buôn có cơ hội giới thiệu những đặc sắc này tới nhiều vùng miền trong cả nước: Em mong muốn được học thêm nhiều bài chiêng nữa, học thêm những bài chiêng khó hơn, rồi được đi biểu diễn nhiều nơi để giới thiệu văn hóa của bà con mình cho nhiều người biết cũng như lớp trẻ bọn em thêm yêu văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Chiêng Jhô – Nét đặc sắc của người phụ nữ Êđê Bih - ảnh 3
Bà H’riu trưởng nhóm chiêng Jhô ở buôn Trấp (thị trấn Buôn Trấp – Krông Ana) dạy thế hệ trẻ đánh chiêng với niềm tin tiếng chiêng của dân tộc mình được giữ gìn và sáng tạo.

Bà H’Riu H’Mok, đội trưởng đội chiêng của buôn Trấp cho biết lễ cúng lúa mới là lễ quan trọng và đặc sắc bậc nhất của bà con dân tộc Ê-đê nói chung và Ê-đê Bih nói riêng. Bài chiêng sử dụng trong lễ cúng này luôn được kết thúc bằng nghi lễ giao chiêng mang thông điệp về trách nhiệm trao truyền. Người dân ở đây quan niệm, khi cái chân người già đã mỏi, cái gối đã chùn, không đi làm được nữa, phải giao nương rẫy lại cho con cháu và việc cúng thần lúa cũng phải do con cháu đảm nhiệm. Nghi thức giao chiêng này như lời nhắc nhở về sự kế tục, thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước để duy trì bản sắc, phong tục của dân tộc.


Bây giờ, ở buôn Trấp đang có nhiều thế hệ cùng chơi chiêng. Những người già dù tay đã yếu, chân đã chậm nhưng mỗi khi có lễ hội vẫn tham gia dàn chiêng và vẫn lôi cuốn người nghe bằng những nhịp trống, nhịp chiêng dồn dập. Những người trẻ chơi bằng cả lòng nhiệt tình, nhiệt huyết của tuổi trẻ. Mong muốn của những nghệ nhân già là có người kế tục, ước vọng của lớp trẻ là học thêm nhiều cái hay, cái mới mà các em chưa khám phá hết. Những ước vọng ấy đang dần trở thành hiện thực khi ngày càng có thêm những cô gái Êđê kế thừa di sản của bà, của mẹ, hòa nhịp con tim cùng đôi tay đánh lên những nhịp chiêng  vang vọng núi rừng./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác