Phong tục cưới hỏi của người Cao Lan ở tỉnh Bắc Giang

(VOV5) - Ngày nay, đám cưới của người Cao Lan ở Bắc Giang đã lược bỏ phần nào những thủ tục rườm rà. Song, bên cạnh đó, những nét văn hóa tín ngưỡng độc đáo như hát sình ca, nghi thức chặn đường vẫn còn giữ lại.

Trong nghi lễ vòng đời, đám cưới là thời khắc quan trọng, đánh dấu bước trưởng thành, bước ngoặt lớn trong cuộc đời mỗi con người. Với người Cao Lan ở Bắc Giang cũng vậy, đám cưới là kết quả của việc các chàng trai cô gái bén duyên qua những điệu sình ca, thương nhau qua những buổi hẹn hò giữa đêm trăng sáng để rồi tiến tới hôn nhân. Đám cưới của người Cao Lan xưa cũng khá giản dị, nhưng không thể thiếu những thủ tục mang những nét văn hóa riêng.

Phong tục cưới hỏi của người Cao Lan ở tỉnh Bắc Giang - ảnh 1

Chuẩn bị lễ vật đi đón dâu - Ảnh: vanhoasondong

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Người Cao Lan ở Yên Thế, tỉnh Bắc Giang khi tổ chức lễ cưới, thì việc đầu tiên là tìm một ông mối. Ông mối ấy sau này cô dâu, chú rể sẽ gọi là bố mối và “sống được tết, chết để tang”. Chính vì thế ngay khi chuẩn bị tiến hành các nghi thức cưới thì việc chọn ông mối là phần quan trọng nhất. Đây sẽ là người quán xuyến mọi việc, từ khi hỏi cho đến khi đón được dâu về với gia đình nhà trai.

Theo lời ông Trần Văn Ngọ, bản Thượng Đồng, xã Xuân Lương, Yên Thế, tỉnh Bắc Giang thì ông mối phải là người đức độ, am hiểu văn hóa dân tộc và có tài giao tiếp.Và một điều kiện nữa với ông mối là phải còn cả vợ, cả chồng, con cái đuề huề. "Chọn ông mối là gia đình nhà trai người ta đi chọn. Thường người ta chọn ông mối là đôi vợ chồng, còn chung sống với nhau. Các cụ bảo làm mối phải đầy đủ, có ông có bà cơ, nếu lệch một người thì không chọn đâu. Tuổi thì tùy theo từ 30-40 tuổi trở lên thì làm được" - ông Thọ nói.

Ngày xưa thủ tục tìm ông mối cũng đơn giản thôi, nhưng không phải nhà trai muốn chọn ai làm mối cũng được, bởi nếu ông mối thích ông ấy sẽ nhận hoặc sẽ có đủ lý do để từ chối. Ông Ninh Quảng Nghiệp, xã Xuân Lương cho biết: "Trước mắt thì hỏi dò xem người ta có nhận làm mối không, nếu nhận làm mối rồi thì thủ tục ban đầu là phải có một con gà, chai rượu, nếu đồng ý thì người ta nhận con gà đó, chai rượu đó, còn không nhận thì không nhận lễ vật. Lý do có thể người ta không thích, người ta cũng làm hơi nhiều rồi hoặc anh em rất gần rồi thì không thích, nếu gần quá sau này đứng trung gian nó không khách quan cho nên người ta từ chối".

Phong tục cưới hỏi của người Cao Lan ở tỉnh Bắc Giang - ảnh 2

Đi đầu đoàn đón dâu là ông cậu chú rể, có trách nhiệm dẫn đường, đi sau là một chàng trai phù rể (tạ pu) có trách nhiệm gánh lễ mà nhà gái đã thách cưới, và chíp mâu, em gái chú rể, là người theo sát cô dâu từ nhà gái đến khi rước dâu về nhà - Ảnh: vanhoasondong

Việc chọn ông mối xong xuôi lại cần một người đưa đường. Người này sẽ có trách nhiệm cùng ông mối đón dâu và thực hiện cả phần ngoại giao, ứng đối nếu như nhà gái yêu cầu.

Một nét văn hóa khá độc đáo trong đám cưới của người Cao Lan là nghi thức “chặn đường”. Nhà gái sẽ dùng những cây tre hoặc tấm vải chắn đường đoàn nhà trai khi tới gần trước cổng nhà cô dâu. Và chính ở nơi này, nhiều trò vui sẽ được diễn ra, đặc biệt nhất là màn đối đáp giữa nhà trai và nhà gái, thể hiện sự ứng phó, tài giỏi giữa đôi bên. Chỉ khi nào trả lời hoặc giải đáp thỏa đáng, nhà trai mới được nhà gái “cho qua”. Ông Ninh Quảng Nghiệp cho hay: "Trước ngày mình đi đón đâu người ta dấp đường hoặc chăng dây giữa đường không cho ông mối  và chủ rể đi đón, thì mình phải hỏi, phải trả lễ, trả lời thích đáng thì người ta sẽ dỡ rào cản cho mình đi. Ngày xưa, các ông bà già sẽ ra những câu đối, câu đố họ nhà trai trả lời được thì họ vui vẻ cho đi. Nếu không người ta cứ giữ gần đến giờ mà đến nhà gái thì mới cho đi. Tức là người ta xem sự am hiểu của bên nhà trai như thế nào và có gìn giữ được phong tục tập quán hay không".

Người quan trọng nhất trong lễ chặn đường này chính là ông dẫn đường. Người này thường là ông cậu hoặc ông chú trong gia đình nhà trai. Đây cũng là những người rất am hiểu văn hóa truyền thống, bởi nếu không đối đáp được sẽ bị nhà gái phạt rượu và phải chờ cho đến khi gần đến giờ rước dâu mới được phép vào nhà. Theo ông Ninh Quảng Nghiệp thì việc chặn đường đoàn nhà trai là một nghi thức đẹp đã có từ lâu đời. Đó là nét văn hóa tín ngưỡng mà ngày nay vẫn còn lưu giữ với những mục đích cụ thể.

Sau khi đã chọn được ông mối và người đưa đường thì trước khi tiến hành đám cưới, nhà trai cũng sẽ tiến hành các nghi thức dạm ngõ, ăn hỏi. Lúc này, ông mối đóng vai trò chủ đạo từ lúc ăn hỏi cho đến khi rước dâu. Ông mối thay mặt gia đình nhà trai sang nhà gái thưa chuyện và tiến hành trao đổi việc thách cưới, thống nhất ngày tổ chức hôn lễ. Việc đầu tiên là nghi lễ “đặt trầu”. ông Ninh Quảng Nghiệp cho biết: "Lễ đặt trầu như dạm ngõ ấy, lễ ấy thì đơn giản hai con gà sống thiến, với hai đấu gạo, hai chai rượu và một số trầu cau. Nếu hai bên bố mẹ của cô dâu mời đủ các anh chị, cô bác làm vài mâm để thống nhất. Nếu có mối thì ông mối đứng ra sẽ thông báo cho họ nhà gái ý định ngày cưới rồi ngày đón dâu, giờ giấc và liên quan đến việc thách cưới".

Có một điều đặc biệt trong đám cưới của người Cao Lan là việc chuẩn bị mâm cỗ để tiếp khách. Toàn bộ lợn, gà, rượu đều do nhà trai đứng ra gánh vác. Và trong đám cưới không có chuyện đưa tiền mừng cho cô dâu chú rể.

Thường thì khi đón dâu, nhà trai sẽ ngủ lại, nói là ngủ lại nhưng thực ra đêm đó sẽ là đêm không ngủ và vui nhất bởi hai bên nhà trai, nhà gái sẽ hát đối đáp sình ca, chúc tụng cho đôi trẻ. Ngày hôm sau, khi về đến nhà trai, cô dâu sẽ được thầy cúng làm phép để xua đuổi tà ma để ma nhà  gái không vào nhà trai, tránh những điềm xấu xảy ra. Sau đó, ông mối sẽ làm lễ kết dây tơ hồng cho đôi vợ chồng trẻ, với mong muốn chúc phúc cho đôi bạn trẻ sống hạnh phúc bên nhau trọn đời.

Đám cưới xong xuôi, cô dâu sẽ ở lại nhà trai một vài ngày, sau đó cả hai vợ chồng quay trở lại nhà bố mẹ đẻ của cô dâu, sinh sống tới khi có con.

Ngày nay, đám cưới của người Cao Lan ở Bắc Giang đã lược bỏ phần nào những thủ tục rườm rà. Song, bên cạnh đó, những nét văn hóa tín ngưỡng độc đáo như hát sình ca, nghi thức chặn đường vẫn còn giữ lại được để nhắc nhở con cháu gìn giữ bản sắc đã có từ lâu đời.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác