Công nghiệp văn hóa: Phải lưu tâm giải quyết vấn đề bản quyền

(VOV5) - Nhà sản xuất và doanh nghiệp cần hợp tác thông qua các tổ chức, hiệp hội để kiến nghị thay đổi chính sách.

Gần đây, phim Lật mặt: Tấm vé định mệnh bị quay lén 60 phút và tung lên mạng. Vụ kiện Phimmoi.net (trang phim lậu) kéo dài 13 năm, phim “Cô Ba Sài Gòn” vừa ra rạp ngày đầu đã bị tung lên mạng… Đó là những sự việc xâm phạm bản quyền được nhắc đến tại hội thảo "Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo Việt Nam trong kỷ nguyên số" vừa tổ chức tại Hà Nội. Nếu không giải quyết triệt để vấn đề bản quyền thì sẽ không thể làm công nghiệp văn hóa, bởi vi phạm bản quyền chính là hủy hoại sự sáng tạo.

Công nghiệp văn hóa: Phải lưu tâm giải quyết vấn đề bản quyền  - ảnh 1Tạo hình phim Cô Ba Sài Gòn.
Nghe âm thanh bài tại đây:
Bà Ngô Bích Hạnh, đại diện công ty BHD cho biết: Tài sản trí tuệ là điều mà những ai tham gia làm công nghiệp văn hóa đau đáu nhất. Tuy vậy, nhìn vào các quy định luật pháp trong nước, “tài sản trí tuệ” dường như chưa có vị trí xứng đáng. Năm 2017 khi ra mắt phim điện ảnh “Cô Ba Sài Gòn”, một bạn trẻ đã quay phim và đưa video đó lên mạng chỉ ngay sau ngày đầu tiên ra mắt phim. Tuy vậy, khi bị phạt hành chính 3 triệu đồng, bạn trẻ ấy chỉ nói rằng đã không ý thức được đó là hành vi “ăn cắp bản quyền”. Do vậy, việc quan trọng nhất, cần thiết nhất hiện nay là phải coi sản phẩm của công nghiệp văn hóa là tài sản được định giá và có giá trị.

"Khi ăn trộm một cái xe máy thì người đó có thể bị đi tù. Nhưng ăn trộm một tài sản trí tuệ được đầu tư hàng triệu đô thì bị phạt hành chính 3 triệu đồng. Đấy là những thứ đang không tương xứng. Công nghiệp văn hóa cần đến con người, cần tài chính, cần máy móc thiết bị. Và khi chúng tôi mang tài sản trí tuệ đi thế chấp để vay tiền ngân hàng thì không thể vay được vì họ cho rằng không có tài sản thế chấp. Trong khi đó khi nhìn lại top 100 doanh nghiệp lớn nhất thế giới thì bao nhiêu phần trăm doanh nghiệp trong đó kinh doanh tài sản trí tuệ? Họ không có nhà máy, cũng không có cái gì cụ thể cả." - Bà Ngô Bích Hạnh khẳng định.

Ông Phan Vũ Tuấn - phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM, trưởng văn phòng luật Phan Law Việt Nam nêu ra một thực tế: vụ kiện Phimmoi.net tính đến nay đã mất 13 năm, trong đó riêng quá trình điều tra kéo dài 8 năm. Vụ kiện về quyền sở hữu trí tuệ bài thơ “Gánh mẹ” của tác giả Trương Minh Nhật đơn giản hơn nhưng cũng phải mất hơn bốn năm mới xử xong.

Ông Phan Vũ Tuấn cho rằng: Nhà sản xuất và doanh nghiệp cần hợp tác thông qua các tổ chức, hiệp hội để kiến nghị thay đổi chính sách: "Thực ra rất khó khăn nhưng các nhà sản xuất cần hợp tác với nhau thông qua các hiệp hội hoặc tổ chức chung để cùng kiến nghị thay đổi chính sách. Nếu như có một tòa án chuyên biệt về sở hữu trí tuệ thì việc này sẽ trở nên nhanh hơn. Ví dụ đợt này đang xây dựng Nghị định 17 về xử lý xâm phạm, sửa đổi Nghị định 131 thì hầu hết các chủ sở hữu không biết đến và cảm thấy xa vời. Tôi nghĩ rằng họ nên quan tâm nhiều hơn. Các bạn chỉ cần đề nghị là tăng mức phạt lên, yêu cầu đơn vị này, đơn vị kia chịu trách nhiệm. Thứ nữa là mỗi nghệ sĩ, mỗi người sáng tạo nên tham gia vào việc tuyên truyền các cộng đồng của mình hãy đừng xem phim lậu nghe nhạc lậu trên những trang như vậy nữa."

Theo nhạc sĩ Quốc Trung: thủ tục hành chính và quy trình quản lý của chúng ta chưa theo kịp sự phát triển của xã hội. Ông lấy ví dụ, trong bối cảnh thời đại số, khi tất cả các bài hát đều được phát hành trên mạng, được phổ biến trên các kênh phát thanh, truyền hình thì vẫn cần một hội đồng duyệt các bài hát, bản nhạc đó trước khi tổ chức biểu diễn. Do vậy, nếu như những thủ tục hành chính được giải quyết nhanh gọn, tự động hóa sẽ đơn giản hơn rất nhiều cho các công ty tổ chức sự kiện:

"Việc đầu tiên với những cơ quan quản lý và các doanh nghiệp cần xây dựng một mối quan hệ đồng nghiệp có sự tin tưởng ở đó, bằng chính những sản phẩm của mình, chứ không phải quan hệ theo những cách khác. Với các cơ quan quản lý cũng vậy, chúng ta cần trao cho những trách nhiệm và sự tin tưởng cho những doanh nghiệp thì mới hỗ trợ sự phát triển về công nghiệp văn hóa. Quản lý một cách rõ ràng sẽ giảm thiểu sự lãng phí vê mặt thời gian và sẽ mở rộng năng lực sáng tạo của nghệ sĩ." - Nhạc sĩ Quốc Trung nói.

Công nghiệp văn hóa luôn gắn với sự sáng tạo, quy trình sản xuất, quản lý, phát triển…Điều mà các nghệ sĩ, các nhà sản xuất phim mong đợi chính là việc được ủng hộ về mặt pháp lý, thủ tục hành chính, hỗ trợ sự sáng tạo, tái sản xuất.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác