Đầu tư cho điện ảnh phải đúng người, đúng việc và phải có tiêu chí cụ thể

(VOV5) -  Có nhiều bộ phim của các đạo diễn trong nước đã đến được với nhiều liên hoan phim quốc tế, nhưng hầu hết trong số đó là sự tự thân. 

Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Sơn Tùng:

 “Trong một nền công nghiệp điện ảnh, các nhà làm phim cần được hỗ trợ quá trình sáng tạo và sự ủng hộ của xã hội”- đó là vấn đề được nhiều diễn giả, khách mời tham gia hội thảo quốc tế “Chính sách và giải pháp phát triển ngành công nghiệp điện ảnh tại Việt Nam và Đông Nam Á” vừa diễn ra tại Hà Nội, quan tâm. Để nhận diện điện ảnh Việt, không chỉ là những tác phẩm điện ảnh xuất hiện ở các liên hoan phim lớn mà còn là sự đầu tư cho điện ảnh theo hướng quốc tế hóa.

Có một thực tế là có nhiều bộ phim của các đạo diễn trong nước đã đến được với nhiều liên hoan phim quốc tế, nhưng hầu hết trong số đó là sự tự thân. Nhà nước vẫn đầu tư tiền để sản xuất những bộ phim đặt hàng. Tuy vậy, trong khoảng 15 năm trở lại đây, những bộ phim ấy lại không có cơ hội hoặc không đến được các liên hoan phim quốc tế.

Đầu tư cho điện ảnh phải đúng người, đúng việc và phải có tiêu chí cụ thể  - ảnh 1Phim “Lật mặt: 48H” của đạo diễn Lý Hải đã chiếu tại Mỹ sau khi chiếu tại rạp Việt. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)

Đạo diễn Phan Đăng Di, nhà sáng lập, chủ tịch Gặp gỡ mùa thu - sự kiện thường niên dành cho những người yêu điện ảnh học hỏi và kết nối với các nhà làm phim nước ngoài cho biết: nguyên nhân của vấn đề này chính là do chúng ta chưa xác định rõ mục tiêu đầu tư cho điện ảnh: "Nếu chúng ta đầu tư cho điện ảnh theo hướng quyết tâm để cho nền điện ảnh được nhận diện thì phạm vi đầu tư cần mở rộng và chọn đúng người.

Chúng ta cũng phải can đảm hiểu rằng: nhiệm vụ chính trị không chỉ ở trong phạm vi hẹp cho những phim tuyên truyền mà phải nằm ở chỗ Việt Nam được biết tới, Việt Nam được nhận diện và Việt Nam trở thành một phần của văn hóa thế giới là một nhiệm vụ chính trị. Trên quan điểm đó chúng ta đừng ngại ngần đầu tư cho tài năng sáng tạo có tính phá cách, có cơ hội đi ra quốc tế. Chúng ta phải có sự ưu tiên và chiến lược bài bản cho những bộ phim như vậy, cho những đạo diễn như vậy."

Đầu tư cho điện ảnh phải đúng người, đúng việc và phải có tiêu chí cụ thể  - ảnh 2(từ trái qua): nhà sản xuất phim Trần Thị Bích Ngọc, tiến sĩ Đào Lê Nam tại Hội thảo Chính sách và giải pháp phát triển ngành công nghiệp điện ảnh tại Việt nam và Đông Nam Á. - Ảnh: Fp UNESCO

Nguồn ngân sách Nhà nước cần đầu tư hiệu quả, đúng người, đúng việc hơn và chúng ta có thể thay đổi điều đó bằng cách đặt ra những tiêu chí lựa chọn dự án phim, chủ động đi tìm những tài năng để trao tiền và trao cơ hội cho họ.

TS Đào Lê Na, Trưởng bộ môn Sáng tác, phê bình Sân khấu- Điện ảnh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, Đại học Quốc gia TP HCM nhận định: các nhà làm phim trẻ không nên quá trông cậy vào các quỹ điện ảnh quốc tế bởi mỗi quỹ điện ảnh đều có tiêu chí riêng và những người làm phim phải thỏa mãn những tiêu chí đó. Muốn điện ảnh trong nước thực sự phát triển thì chúng ta phải xây dựng Quỹ điện ảnh trong nước, kể câu chuyện của Việt Nam, dành cho người Việt trước khi nghĩ đến việc đưa phim ra thế giới.

"Chúng ta đã có Luật Điện ảnh và đề cập đến quỹ điện ảnh từ năm 2006. Đến năm 2022 vấn đề lại tiếp tục được nhắc đến. Thế nhưng chúng ta chưa có một quỹ điện ảnh. Có lẽ mọi người chưa nhận ra được tầm quan trọng của ngành công nghiệp điện ảnh trong việc quảng bá hình ảnh đất nước. Thứ hai là chưa thấy được sự phức tạp của các quỹ điện ảnh quốc tế. Và để tránh những sự phức tạp đó cần xây dựng quỹ điện ảnh để các nhà làm phim Việt Nam phản ánh được xã hội VN đương đại cho chính người Việt Nam. Có lẽ họ chưa nhận thấy sự cấp thiết, tầm quan trọng của các quỹ điện ảnh." - Tiến sĩ Đào Lê Na khẳng định.

Đầu tư cho điện ảnh phải đúng người, đúng việc và phải có tiêu chí cụ thể  - ảnh 3Cảnh trong phim Một thành phố khác của đạo diễn Phạm Ngọc Lân

Ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: hợp tác công tư, kết hợp nguồn xã hội hóa và nguồn ngân sách nhà nước sẽ tạo ra nhiều hướng đầu tư cũng như quảng bá điện ảnh nước nhà. Bên cạnh đó, Bộ cũng đang kiến nghị đưa ra cơ chế đặc thù, ưu đãi thuế cho điện ảnh, tạo điều kiện cho các đoàn làm phim trong nước cũng như quốc tế ghi hình tại các tỉnh, địa phương.

"Thành phố Hồ Chí Minh là một thành phố tập trung 90% cơ sở nguồn lực và nhân lực, vật lực vê phim. Với những lợi thế như vậy thì cần thúc đẩy TP HCM thấy được lợi thế phát triển điện ảnh, tạo ra nguồn thu từ điện ảnh. Quảng Ninh cũng như vậy, với địa thế phù hợp để các nhà làm phim nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Tháng 5 này, chúng tôi cũng làm việc với tỉnh Khánh Hòa, để có những chính sách đặc thù hỗ trợ các đoàn làm phim. Có thể những bước đầu tiên này không lớn nhưng cũng giúp cho chúng ta khơi thông nguồn lực, tạo điều kiện các đoàn làm phim quốc tế về Việt Nam." - Ông Tạ Quang Đông nhấn mạnh.

Tại Hàn Quốc, có tới 48 quỹ hỗ trợ điện ảnh lớn nhỏ khác nhau; chỉ riêng năm 2022, nhà nước đã chi 170 triệu USD để hỗ trợ điện ảnh, nhằm đưa tiếng nói điện ảnh của họ ra thế giới. Nhìn người lại ngẫm đến ta, sự hỗ trợ của nhà nước sẽ là một dấu hiệu tốt, thu hút thêm các tài trợ mới. Đương nhiên, sự hỗ trợ ấy rất đáng quý nhưng không thể chỉ bằng cách trích tiền làm phim đặt hàng. Đó còn là trách nhiệm tìm đúng người, đúng việc để đầu tư sao cho hiệu quả.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác