Mùa vải chín

(VOV5)- Vào những ngày đầu hè nắng  nóng căng thẳng  "cộng hưởng" với thiếu điện, thiếu mưa cùng những bức bối bực bội có nguyên cớ hoặc vô duyên cớ đều cực cao của con người, thấy người người kinh tế khá giả đổ xô về phía biển hoặc ngược khoang xanh khoang đỏ tìm chỗ nghỉ ngơi. Chúng tôi, mấy chú cháu đồng nghiệp rủ nhau đi công tác, qua Hải Dương xuôi Quảng Ninh!

Ai có dịp đi qua tỉnh Đông  ngày  xưa, nay thuộc Hải Dương, đều dễ thấy quán xá ven đường chất ngất những chùm vải chín đầu mùa, nửa phía đầu quả còn xanh xanh, nửa phía đuôi hồng sậm, cùng với dưa hấu "trên trời dưới . . .dưa", góp thêm một gam mầu ấm nóng cho mùa hè nhiệt đới đất Việt. Ai cũng biết giờ đây không chỉ "xứ  Đông" mới có vải thiều " tiến vua" Thanh Hà, không chỉ Hải Dương mới có mùa vải chín.

Mùa vải chín - ảnh 1


Hàng vài thập kỷ nay, cây vải quê gốc nơi đây đã "thiên di" lên vùng đồi Lục Ngạn, Yên Thế "xứ Bắc" trở thành hàng hóa nông sản chủ lực của đất anh hùng áo vải  Đề Thám xưa  nổi dậy chống thực dân "cần vương" cứu nước. Cây vải cũng đã trở thành " lộc thực chính" trong vườn cây ăn quả của hàng ngàn  gia đình các tỉnh trung du Bắc Bộ. Thế nhưng nói đến  loài cây ăn quả liên quan tới một vụ án oan lịch sử, vụ án Lệ Chi Viên (vườn vải) thời Hậu Lê, dẫn tới cái chết oan khốc, oan khuất của "khai quốc công thần " Nguyễn Trãi cùng người thiếp yêu Nguyễn Thị Lộ tri ái tri âm tri kỷ (tam tri!) của  danh thần, công thần triều Lê; thì người ta trước sau vẫn tôn vinh, vinh danh vải thiều Hải Dương !

Có thể trong suốt mấy mươi năm "hưởng lộc trần gian", người Hà Nội, người xứ Bắc mình "nếm" đến hàng dăm ba trăm hay. . .ngàn quả vải; song đột nhiên có ai đó cật vấn: vải thiều Hải Dương có gì đặc biệt, đặc trưng so với vải chín ở nhiều vùng đất khác?

Không phải ai cũng trả lời cặn kẽ được đâu trừ một vài chi tiết "cực dễ thấy" như vải "tiến vua" hạt nhỏ, ngọt sắc, đậm hương vân vân. . . À mà sao người mình lại gọi là vải thiều nhỉ ? Người viết "nho nhoe" chữ tượng hình Hán tự nhưng cứ thích . . . ."chơi với chữ",  tự hỏi có phải "thiều" ở đây là đẹp, tựa "thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi"-câu thơ Kiều nói về ánh sáng đẹp ngày xuân chăng? Là loại cây trái "thời trân tứ quý" tiến vua và triều cống  vua chúa phương Bắc thời bị trị như một lễ vật sản vật phương Nam, nên người viết suy đoán chữ "thiều" là vậy.

Trong câu chuyện phiếm với anh Hoàn, chánh văn phòng ủy ban tỉnh (chắc giờ  anh cũng  đã nghỉ hưu rồi),anh cung cấp thêm một vài chi tiết "đắt giá" hơn, là vải Hải Dương cùi không ướt, khi bóc vỏ quả thì các cô gái thanh lịch thủ đô "chẳng thơm cũng thể hoa nhài-dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An" không sợ ướt dính tèm lem những ngón tay búp măng. . .quý phái đẹp như . . . tay Kiều  Và miếng cùi thơm sát cuống, ăn không "hơi chát chát" như vải trồng trên thổ ngơi quê người, ngoài vùng đất xứ Đông. Chỉ có điều là thời nay, có năm vải trúng mùa, giá rẻ "bán như cho", trông thấy túm vải to tổ bố đã "nóng" cả người, chẳng mấy ai "thèm" ăn nữa thì quả là vải tiến vua, vải tổ cũng phải " xuống ngôi oan"thời kinh tế thị trường vàng thau lẫn lộn.

Lại thêm một câu chuyện phiếm nữa với anh Thiệu chánh văn phòng huyện ủy Chí Linh ngày ấy, về chuyện quả vải thiều rớt giá "xuống ngôi". Anh kể mấy năm trước, các đại gia về đây mua đất làm trang trại, giá đất thì rẻ như bèo mà giá vải chín thì cao ngất nghểu, có khi vài chục ngàn đồng một cân, dân buôn vào tận vườn "mua xô" cả cây, kiếm bộn tiền. Thời "thơ mộng" hoàng kim ấy không lâu. Anh Thiệu cho hay năm ngoái, đỉnh cao mùa vải chín rộ, có gia nhân đại gia X Y gọi người vào bán như . . .cho không, cũng không đắt khách. Khối đại gia đã lên tiếng kêu bán đất vì tự nhiên phải chi tiền nuôi không người trông nom trang trại mà lộc thực là cây ăn quả, là mùa vải chín mấy năm liền giá "rơi tự do" không ngờ, có lúc  chỉ khoảng hai ngàn đồng một cân "vải đẹp như Kiều" !

Chao ôi nhớ ngày còn nhỏ trông mẹ về chợ. Mùa vải chín trưa hè tu hú kêu thê thiết vọng về từ đồng bãi ven sông Đuống, mỗi anh em được chia túm vải dăm bẩy quả nhỏ như quả sung, đứa nào "háu ăn" hết phần  trước ,đành ngậm ngùi đứng "mút ngón tay" thèm thuồng.. Chả bù thời nay, mới vào vụ vải chín, vải đầu mùa mới trình làng lác đác trong quán chợ, ngoài gánh hàng rong ngồi lề  đường hay trong hai sọt lưng lưng anh chàng thồ vải nón cối gếch chân đứng bán bên cái  xe đạp tàng góc phố; tưởng vải đầu mùa quý lắm ! Ai ngờ túm vải đầu giờ sáng tôi mua mở hàng cho người ta trên đường qua Gia Lâm được tôi đặt trịnh trọng trên bàn "uống nước " sau lời mời các em các cháu, chiều đi cộng tác viên về vẫn thấy ế dệ quá nửa, lá héo rũ ,vỏ thâm se tái ngắt vì . . .điều hòa nhiệt độ làm  khô rang không khí.

Mùa vải chín - ảnh 2


Thế mới biết ở đời "quý hồ tinh bất quý hồ đa". Đến một loài cây trái ngày xưa "tiến vua" thì  thời nay thành cây trồng  đại trà , mùa rộ chín trên trời dưới vải thì cũng có thể rớt giá, xuống ngôi dài dài . . .Nghe nói thời Đường phong kiến phương bắc cai trị, vua Đừơng vì quá yêu chiều sủng ái " ái phi Dương Quý Phi" đã bắt dân bắt lính lựa vải tiến . . .thiên triều, tổ chức đôi binh "chạy ngựa trạm" đêm ngày không nghỉ về mang  tận cung vua, dâng tặng "người đẹp".

Vải chín ngày xưa "tiến vua" lưỡng quốc, nay cho trẻ , có khi trẻ ngoảnh mặt đi.

"Thời trân tứ quý" ở xứ này chả lẽ đến hồi không tìm đâu ra "thần tượng" nữa  hay sao ? ! . / .

Phản hồi

Các tin/bài khác