Nghĩa trọng nghề văn

(VOV5)- Thêm một việc ở Lễ kỉ niệm 60 năm Hội nhà văn Việt Nam có  ý nghĩa không nhỏ ở sự tri ân.


Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957-2017), Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam (Khóa IX) đã quyết định truy tặng Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (Đợt I) cho một số tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu lý luận phê bình và dịch giả văn học đã qua đời. 
                                     
Nghĩa trọng nghề văn - ảnh 1
Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi và các nhà văn, nhạc sĩ cùng thời với ông - Ảnh tư liệu

Tôi thuộc lứa trẻ được lớn lên trong sự giáo huấn nghiêm cẩn của lứa lớp giáo viên từ thời Tây ở lại với cách mạng. Tôi nhớ thầy dạy văn cấp II già nhỏ thó chùi nước mắt dạy văn giảng về Kiều của cụ Nguyễn Du. Nói về cái cuộc đời đầy trắc trờ bi thương của một người đàn bà, ông đọng trong tâm trí tôi lòng thương yêu con người.

Rồi cách mạng về, chúng tôi được đọc và học nhiều ở ngữ văn, tập làm văn... quanh quẩn là bồi dưỡng lòng yêu người, lòng yêu quê hương, đất nước. Những áng văn xưa của tiền nhân hừng hực khí thế tự tôn dân tộc, khắc hai chữ Sát thát trong cánh tay tôi và cả sâu thẳm ở trái tim tôi. Tôi học tự nhiên khá, rất mê môn lý và hình học không gian nhưng vô tình cái khí của văn cứ quẩn quanh lưu giữ ở tâm hồn tôi để cho một ngày 17 tuổi trai, tôi cầm súng quyết sống chết cho thủ đô Hà Nội được sống. 

Từng hầu chuyện Nguyễn Bản, nhà văn ở Ngọc Hà, cả đời dạy văn ông tâm sự: “Dạy văn phải khơi nguồn, vốn tiềm ẩn trong mỗi trò, để các em giữ gìn tình yêu con người, thêm yêu quê hương, đất nước; bên tri thức văn học, văn hóa phải dậy cả điều tín, nghĩa, trung thực và công bằng.”

Nghĩa trọng nghề văn - ảnh 2
Văn nghệ sĩ Đồng Tháp Mười năm 1950 - Ảnh (tư liệu gia đình thi sĩ Nguyễn Bính) - Báo Thanh niên


Có lẽ việc văn, dạy văn, viết văn... đều tự thân mang vác cái nghĩa trọng ấy mà Người Văn ở xã hội nào cũng nghèo, cũng thanh bạch mà vốn xưa nay vẫn được xã hội kính trọng.

Sự ngày nay xã hội văn hóa đạo đức tha hóa lắm. Nhưng dù thế nào thì thực sự những ai chân chính, không coi cái nghề văn là chỗ vinh thân, thì tự họ vẫn gìn giữ cái cao quý của sự văn, trong tình yêu con người vô tận.

Tôi nghe nhân kỉ niệm 60 năm Hội nhà văn kì này truy tặng nhiều nhà văn có tác phẩm hay mà chưa khi nào có giải Hội nhà văn hay có từng khi ở quá khứ bị dập vùi, thì hẳn là việc làm hết sức tử tế của Ban chấp hành Hội nhà văn đương nhiệm. Và tất nhiên thêm một việc ở Lễ kỉ niệm 60 năm Hội nhà văn Việt Nam có một ý nghĩa không nhỏ ở sự tri ân. Ừ thế chứ, tự ta phải sống tử tế ân tình vì trước khi cầm bút viết điều tử tế thì cần sống tử tế, ân nghĩa.

Những nhà văn được truy tặng tại Lễ kỷ niệm 60 năm Hội nhà văn là: Hà Minh Tuân, Nguyễn Thế Phương , Huy Phương , Đỗ Quang Tiến, Bùi Bình Thi, Siêu Hải, Xuân Sách, Võ Hồng, Nhật Tuấn, Nguyễn Văn Xuân;  nhà thơ Cầm Giang, Ngô Kha, Lê Văn Ngăn, Trần Quang Long, Xuân Miễn, Dương Kiều Minh, Nguyễn Lương Ngọc, nhà nghiên cứu văn học Vũ Đức Phúc, Trần Thanh Mại, Trần Thanh Đạm và các cố dịch giả Nam Trân, Nguyễn Thụy Ứng.

Đây là những tác giả, dịch giả, nhà nghiên cứu văn học đã có những tác phẩm, những công trình nghiên cứu và dịch thuật văn học có giá trị, để lại những dấu ấn trong tiến trình phát triển của văn học Việt Nam 60 năm qua, nhưng vì những lý do khác nhau, chưa được trao tặng những giải thưởng văn học tương xứng với những đóng góp của họ.Lễ xướng danh, tôn vinh các tác phẩm của các tác giả, dịch giả này được tổ chức trọng thể tại buổi Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Hội Nhà văn Việt Nam tại Hà Nội vào ngày 4-4-2017...


Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác