Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế:...chỉ vì quá yêu tiếng Việt

(VOV5) - "Phải chuyển tải vẻ đẹp nền văn hóa của mình cho chính người Việt mình. Tôi tham vọng điều ấy.  Để cho người Việt thấy rằng văn hóa Việt hay như thế nào, người Việt,  tiếng Việt hay như thế nào."

Tập truyện ngắn Một mùa hè dưới bóng cây của nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế là một trong ba tác phẩm vừa được trao Giải thưởng Văn xuôi của Hội nhà văn Việt Nam 2023.

Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế:...chỉ vì quá yêu tiếng Việt - ảnh 1

Nguyễn Tham Thiện Kế, cây bút miền trung du Phú Thọ, là một tên tuổi không xa lạ trên văn đàn Việt, đặc biệt ở thể loại ký, với một lối viết văn rất đượm thanh điệu tiếng Việt: cách ngắt câu, nhả chữ, cách chọn từ, dùng từ… có nhạc điệu, có âm thanh, có màu sắc, giàu hàm nghĩa.

Và cũng nên nhắc lại lời nhận xét của nhà văn Hà Phạm Phú về tác phẩm "Một mùa hè dưới bóng cây" của Nguyễn Tham Thiện Kế: hào hoa phong nhã, tinh tế giầu cảm xúc; kỹ thuật tổ chức truyện, xây dựng tính cách và phân tích tâm lý nhân vật ở trình độ bậc thầy.

Viết tiểu thuyết, truyện ngắn, tản văn, bút ký, du ký, Nguyễn Tham Thiện Kế đã luôn duy trì được phong cách riêng biệt, bởi vậy không ngạc nhiên khi tác phẩm, phong cách viết của ông trở thành đối tượng của nhiều luận văn nghiên cứu văn học.

Cuộc trò chuyện giữa VOV5 với nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế, về những lựa chọn sáng tác của người cầm bút. Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:

 
Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế:...chỉ vì quá yêu tiếng Việt - ảnh 2Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế.

PV: Vâng thưa ông, tôi có đọc giới thiệu về tập truyện ngắn Một mùa hè dưới bóng cây: 35 tác phẩm trong đó là những sáng tác trong gần hai mươi năm.

Giải thưởng lần này của Hội nhà văn Việt Nam trao cho Một mùa hè dưới bóng cây, như vậy, vô hình chung như là ghi nhận cho cả một hành trình truyện ngắn Nguyễn Tham Thiện Kế…

Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế: Tôi nghĩ rằng tôi viết văn là viết cho người Việt. Tôi viết cho một trăm triệu người Việt. Và tôn vinh văn hóa Việt.

Nếu như không có văn hóa Việt, không có văn hóa đồng bằng Bắc Bộ mà tôi đã thấm trải trong nó từ thơ bé thì chắc chắn không có dòng chảy văn chương của tôi hiện thời.

Tôi viết văn không phải để nhằm đạt giải thưởng hay làm bất cứ thứ gì cả, mà chỉ vì tiếng Việt. Tôi quá yêu tiếng Việt. Tiếng Việt của mình có rất nhiều nhạc điệu, rất nhiều cung bậc khác nhau. Mỗi câu văn viết lên, bao giờ tôi cũng chú ý: Không bao giờ thừa chữ, không bao giờ để chữ lặp lại, và chú ý đến nhạc điệu, tìm những hình ảnh mới, có thể những từ rất cũ nhưng phổ vào nó vào những giá trị mới, cảm xúc mới. Nên tập truyện ngắn này của tôi, viết trong vòng 15 năm,  thậm chí có những truyện ngắn hơn thế, nhưng không phải viết liền, mà tôi cứ kỳ khu viết. Tôi viết trong 1 năm có thể 1- 2 câu chuyện, vứt đấy, và sau vài ba năm thì lại quay lại sửa chữa nó.

Mỗi một truyện ngắn tôi đều nhằm tới một thông điệp nhất định. Và những thông điệp này không ngoài những thông điệp nhân sinh bình thường của con người, là cần phải sống tử tế với nhau, cần phải tôn trọng nhau. Ở bất cứ vùng miền nào của đất nước đều có những giá trị sâu đậm về văn hóa mà chúng ta cần phải tôn vinh, đặc biệt qua phong tục tập quán, qua con người, và chỉ có con người mới làm nên giá trị của những vùng đất ấy. Nhưng người Việt mình hay ở chỗ là, dù thế nào đi chăng nữa, trong bất cứ hoàn cảnh ngặt khó nào, họ vẫn cứ giữ sự trung tín, sự thủy chung trước sau như một, không những đối với anh em họ mạc, tình làng nghĩa xóm mà với cả người ngoài, với bất cứ ai đến với họ.

PV: Như ông nói: những giá trị sâu đậm về văn hóa, những gì mà tác giả đã thấm trải... Bối cảnh quê hương có ý nghĩa như thế nào trong các sáng tác của ông?

Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế: Ai cũng có một miền quê. Và miền quê ấy  phổ vào mình - cái người ta thường gọi chính là vốn sống, vốn văn hóa. Tử huyệt của văn chương Việt hiện bây giờ, đặc biệt ở lớp trẻ và cũng không ít những nhà văn cùng thế hệ tôi, là họ chỉ quan tâm đến câu chuyện, họ không quan tâm đến đời sống. Đời sống ở đây là phong tục tập quán, như là con người ứng xử với nhau qua ma chay cưới hỏi, giao thông, hay những ứng xử bình thường...

Mỗi vùng miền đều có một phong tục tập quán khác nhau, giá trị tinh thần khác nhau. Và nhà văn phải quan sát. Nếu như nhà văn thiếu sự quan sát, thiếu sự thấm đẫm vào đời sống hằng ngày thì sẽ không có văn chương. Tất nhiên cái văn chương ấy phải được soi rọi bởi ánh sáng của văn hóa nữa. Cần sự đọc, sự tìm tòi, sự đối chiếu so sánh của nhà văn. Vì đời sống rất nhiều, nhưng quan trọng chọn lọc đời sống như thế nào, nhìn đời sống như thế nào, đưa vào văn chương như thế nào thì đấy là câu chuyện bếp núc riêng của mỗi nhà văn.

PV: Nếu đọc Nguyễn Tham Thiện Kế từ xưa đến nay, có thể thấy trung du thấm đẫm trong các tản văn, tùy bút cũng như truyện ngắn của ông. Ở góc nhìn tổng thể của một người cầm bút, ông nhận thấy văn hóa trung du có gì khác biệt so với các vùng miền khác?

Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế: Tôi sống ở tỉnh Phú Thọ, đất Tổ Hùng Vương. Tôi đã từng có 10 năm làm công tác nghiên cứu văn hóa dân gian. Văn hóa Hùng Vương riêng ở tỉnh Phú Thọ này có hàng trăm, hàng nghìn di tích đền thờ lớn nhỏ. Nó phổ rộng ra mấy tỉnh xung quanh, liên quan đến Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Yên Bái rồi xuôi về cuối sông Hồng nữa, sang Hòa Bình. Văn hóa bản địa cực kỳ quan trọng. Nếu như không thông thuộc nó thì sẽ không có gì cả. Bởi vì mảnh đất trung du Phú Thọ về mặt địa văn hóa có núi, có sông, có đồng bằng; sản vật cây con cũng từ đó mà hình thành. Ví dụ những món ăn của Phú Thọ có ảnh hưởng của Hà Nội, của Thái Bình, của Yên Bái, Tuyên Quang...

Sự giao thoa vùng miền, mà trung du như bước đệm - bước một bước lên miền núi, xuống một bước nữa là Hà Nội, và cả một đồng bằng rộng lớn. Thành thử sự hợp lưu văn hóa này làm cho con người trung du, nhất là tầng lớp tri thức có sự lịch lãm từng trải của người thành phố, nhưng họ lại có sự thông tỏ, thông thuộc cái thiên chân, cái ngây thơ, tử tế của người miền núi. Điều đó nó cũng ánh xạ trong văn hóa, cũng ánh xạ trong mỗi trang viết của tôi.

PV: Vâng, là một người đọc thì tôi từng đọc Nguyễn Tham Thiện Kế trước đây qua những bài bút ký, những bài báo. Không chỉ ký, nhiều truyện ngắn của ông có lối viết như thơ, nhiều tên truyện ngắn cũng vậy, rất nổi thanh điệu, nhạc tính của tiếng Việt. Ông có sự phân định như thế nào khi viết những thể loại khác nhau?

Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế: Khi mà đã giỏi nghề thì mọi việc đều tường minh cả. Trong truyện ngắn của tôi, phổ về văn hóa có rộng hơn. Vì cùng một tác giả viết, cùng một  âm hưởng do phông nền văn hóa quy định, nên dù có viết tùy bút, hay truyện ngắn thì vẫn là những vật liệu ấy thôi, cũng là gạch ngói xi măng ấy, nhưng để anh xây nhà khác xây resort, đòi hỏi những kết cấu khác nhau. Nhưng chính vì nhờ những vật liệu văn hóa của vùng miền mà tôi thấm trải, giúp ích cho tôi có thể viết theo từng thể loại một cách thoải mái. 

PV: Có những nhà văn chọn cách viết trần thuật, khách quan. Có những nhà văn chọn cách viết đầy ắp cảm xúc. Còn trong truyện của Nguyễn Tham Thiện Kế tôi thấy dường như nhà văn không giấu sự xuất hiện của mình, phải không ạ? Dường như luôn có một người đang quan sát, lựa chọn điểm nhìn với nhân vật, với câu chuyện...

Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế: Đúng vậy. Cái khả năng tự quan sát mình, tự quan sát đời sống trở thành phản xạ có điều kiện ở trong tôi. Dù đôi lúc, những lúc cảm xúc trào lên, mình có thể tham gia vào trong câu chuyện cùng nhân vật bằng một vài lời bình, nhưng những lời bình ấy chưa bao giờ đi quá giới hạn của một người quan sát một cách khách quan cả.

Với “Một mùa hè dưới bóng cây” tôi tường trình rất nhiều kỹ thuật viết truyện ngắn khác nhau. Tôi đọc rất nhiều, rất thích văn học nước ngoài, nhưng tựu chung lại, tôi tổng kết: Bất cứ một nền văn học nào, muốn thành công, trước hết phải thành công ở trong nước đã, phải tôn vinh văn hóa của chính bản thân nó cho dân tộc của nó. Phải chuyển tải vẻ đẹp nền văn hóa của mình cho chính người Việt mình. Tôi tham vọng điều ấy.  Để cho người Việt thấy rằng văn hóa Việt hay như thế nào, người Việt,  tiếng Việt hay như thế nào. Nếu như người Việt mà không cảm thụ được, không tiếp thu được cái văn chương tôi đang thực thi, thì tôi làm sao có thể mon men ra nước ngoài? Như nói với chị từ ban đầu, tôi chỉ viết văn cho người Việt, phục vụ người Việt, tôn vinh văn hóa Việt. Tất cả những tác phẩm văn học để đời từ trước đến nay trên thế giới đều tải những thông điệp văn hóa của chính dân tộc họ.

PV: Đây thực sự là lợi thế hấp dẫn với độc giả hiểu sâu tiếng Việt, nhưng cũng lại là điểm yếu nếu muốn chuyển ngữ tác phẩm ra tiếng nước ngoài, bởi không dễ tìm người dịch hiểu được chiều sâu của những từ tiếng Việt đa nghĩa đến như vậy.

Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế: Chính xác. Hoàn toàn bất lợi. Nhưng vẫn phải chọn thôi. Vì mình vẫn là người Việt, có đi đâu mình vẫn không quên được.

PV: Ông có đọc những tác giả cùng được giải lần này không? Và những nhà văn Việt ở nước ngoài? Ông có những chia sẻ gì về họ?

Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế: Tôi có đọc sâu của anh Nguyễn Việt Hà và anh Nguyễn Một. Nguyễn Việt Hà là một người rất giỏi. Trong cách viết, anh Nguyễn Việt Hà cũng tương đối tương đồng với tôi về kỹ thuật - hai người đều phô diễn kỹ thuật cả. Anh Nguyễn Việt Hà phô diễn một kỹ thuật hoàn toàn hiện đại,  nhằm tới một giá trị như văn chương phương Tây: đầy lý tính nhưng đầy giễu nhại, pha một chút trinh thám nữa, tạo nên sự hấp dẫn.

Còn cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Một là cuốn tiểu thuyết đáng đọc. Tiểu thuyết viết về một cuộc chiến bằng bằng một cái nhìn khác, nhìn về phía những người bình thường ở phía bên kia. Cái nhìn đầy thông cảm, đầy khách quan. Tôi nghĩ cuốn của anh Nguyễn Một viết về chiến tranh khác biệt với những cuốn viết về chiến tranh mấy năm gần đây. 

Tất cả các nhà văn Việt ở nước ngoài, trừ các nhà văn trẻ mới thành công thì tôi đọc ít. Còn những lớp nhà văn cùng thế hệ tôi hoặc thế hệ trước, tôi đọc rất kỹ. Họ viết rất hay, viết rất tử tế.

Xin cảm ơn nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế đã chia sẻ với chúng tôi và thính giả Đài Tiếng nói Việt Nam. Rất mong đợi những sáng tác tiếp theo của ông.

Xin cảm ơn bạn và xin cho tôi gửi lời chào thính giả của Đài Tiếng nói Việt Nam yêu quý!

Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế (sinh 14/02/1961 tại Phú Thọ). Giải thưởng Hùng Vương của tỉnh Phú Thọ 2010; Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam 2023. Tác phẩm chính: Tập truyện Nơi con tàu không trở lại (1980), tập truyện Nhà của Mẹ (1985), tiểu thuyết Miền đời quên lãng (1989), tiểu thuyết Người cha ở trên trời (2003), tập truyện Khuôn mặt đẹp (2003), tạp truyện Tiếng kêu của ngôi nhà thủng mái (2007), tùy bút Dặm ngàn hương mẹ (2011), chân dung văn nghệ Miền lưu dấu Văn nhân (2013), du ký Đợi chị về tưới rượu bến sông (2017), tập truyện ngắn Một mùa hè dưới bóng cây (2023)
Tin liên quan

Phản hồi

Lê khắc Chân Như

Tôi đã đọc bài phỏng vấn trên và đã đọc "Một mùa hè dưới bóng cây". Là một bạn đọc rất thích văn chương nên tôi cũng có... Xem thêm

Đào Sỹ Quang

Thật tuyệt với. Chúc mừng nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế

Các tin/bài khác