Pờ Sảo Mìn: dành cả đời hát bài ca ngợi ca xứ sở núi đá

(VOV5)- Cảm hứng về quê hương, về nguồn cội là cảm hứng xuyên suốt trong nhiều sáng tác của những nhà văn, nhà thơ Việt nổi tiếng. Tộc người Pa dí sống ở vùng núi cao biên giới phía Bắc, tại Mường Khương, tỉnh Lào Cai, hiện giờ chỉ khoảng 3 ngàn người, có một nhà thơ. Pờ Sảo Mìn, con trai của người Pa Dí là một trong những nhà thơ dân tộc thiểu số nổi tiếng nhất trong làng thơ Việt. Và nhà thơ ấy không chỉ nổi tiếng riêng mình, mà từ ông, nhiều người Việt cả trong nước lẫn người xa xứ biết tới dân tộc Pa dí “Dân tôi chỉ có hai ngàn người, như cái cây hai ngàn chiếc lá” – Những chiếc lá vẫn bám trụ cội rễ quê hương, giữ gìn một vùng biên cương phên giậu của tổ quốc Việt Nam. Lê Bích Phượng có cuộc trò chuyện với nhà thơ Pờ Sảo Mìn.

Pờ Sảo Mìn: dành cả đời hát bài ca ngợi ca xứ sở núi đá - ảnh 1
Nhà thơ Pờ Sảo Mìn - Ảnh: H.Lộc/phapluattp.vn

Nhấn vào đây để nghe âm thanh:



Bích Phượng (BP): Thưa quý vị! Khi lên thị trấn Mường Khương để gặp nhà thơ Pờ Sảo Mìn, không hiểu sao, tôi lại nhớ đến “Đa-ghet-xtan của tôi” của nhà thơ Ra-xun Gam-da-tốp, nhà thơ nổi tiếng nhất của vùng Đa-ghet-xtan, xứ sở miền núi Kap-ka-dơ thuộc Nga. “Đa-ghet-xtan của tôi” là bài ca đẹp nhất tôi từng đọc về tình yêu của một người với quê hương mình. Tôi không so sánh về độ tài năng và sự nổi tiếng giữa hai nhà thơ, chỉ là bất giác tôi  nghĩ đến “Đa-ghet-xtan của tôi” khi chạm mặt một vùng trùng điệp núi, mây chậm rãi trôi trong thung lũng, ruộng bậc thang lấp loáng nước mùa gặt, những nương ngô chớm vàng bẹ ngút từ chân đường tới đỉnh núi... Ở vùng núi này, cũng có một nhà thơ cất lời ca ngợi quê hương và tộc người nhỏ bé của mình.

Pờ Sảo Mìn (PSM) đọc thơ: “Dân tôi chỉ có hai ngàn người, như cái cây hai ngàn chiếc lá"

BP: Tôi ấn tượng với một hình ảnh về người Pa dí: con trai người Pa dí, đã đến là ở, đã ở là ở rất lâu, đã yêu là yêu nhiều yêu maĩ...

PSM: Chị chưa và một số người chắc chưa đọc tiếp một câu tiếp của yêu nhiều yêu mãi, đến mức “yêu cho đến tận cùng man dại”. Đó là trong bài thơ “Con trai người Pa dí”

BP: Đấy chỉ đơn thuần là tình yêu nam nữ hay còn là tình yêu với dân tộc mình?

PSM
: Thực ra tình yêu ở đây là một khái niệm thôi. Một khái niệm cũng hơi, gọi là cụ thể cũng được, mông lung cũng được, gọi là tình yêu lứa đôi cũng được, hay là tình yêu dân tộc cũng đúng.

BP: Ngay từ thời còn bé, tôi đã được nghe hai câu thơ rất nổi tiếng gắn với tên tuổi nhà thơ Pờ Sảo Mìn: “dân tôi chỉ có hai nghìn người, như cái cây hai nghìn chiếc lá”. Có lẽ ám ảnh với nhà thơ chính là dân tộc mình?

PSM: Đúng là như thế. Riêng người Pa dí sống trên dải đất Mường Khương của Việt Nam này có lẽ chỉ có 2 nghìn người, đó là thập kỷ 60-70 của thế kỷ 20 và cho đến bây giờ cái dân số ấy chắc không có nhiều thay đổi lắm.

BP: Trong văn hóa của người Pa dí thì điều gì để ông đi xa, ông đi rất nhiều nơi, nhưng ông vẫn đau đáu nhớ về?

PSM: Thực ra không cứ gì người Pa dí, dân tộc nào cũng thế thôi, sống ở trên dải đất này trên đất nước này thì tôi nghĩ rằng đi đâu cũng nhớ về cội nguồn, nhớ về dân tộc, nhớ về sắc màu, nhớ về nơi mà tổ tiên đã sinh thành ra mình. Điều ấy, nếu lý giải cụ thể ra thì cũng rất là khó và cũng rất là dễ. Con người dù đi đâu về đâu vẫn nhớ về bản gốc của mình, không cứ gì dân tộc 2 ngàn người đâu. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra có những dân tộc chỉ có vài trăm người thôi.

BP: Nhưng mà những dân tộc chỉ có vài trăm người đấy họ không có một nhà thơ để nói lên tiếng nói của dân tộc mình!

PSM: Theo tôi đó là một điều bất hạnh. Một dân tộc dù lớn hay nhỏ tôi cho rằng có một người đại diện cho văn hóa cho tiếng nói thì dân tộc ấy may mắn có một nhà thơ. Có thể nhà thơ ấy không làm được cái gì cả, chỉ đơn giản là một nhà văn một nhà thơ họ đại diện cho một nền văn hóa để họ phát ngôn, họ nói lên nguyện vọng của dân tộc ấy. Không cứ gì dân tộc ấy phải sinh ra những nhà kinh tế, những nhà lãnh đạo giỏi, nhưng sinh ra được một nhà thơ, tôi thấy dân tộc ấy là một dân tộc huyền diệu.

Bích Phượng: Thưa quý vị, Nhà thơ Pờ Sảo Mìn đã gần chạm tuổi 70. Ông từng đi học cơ khí ở Tiệp Khắc 7 năm. Nhưng về nước, ông lại chọn thơ ca làm nghiệp, đi học trường viết văn Nguyễn Du, và nghiệp thơ dính chặt vào đời ông suốt 40 năm nay. Thời tuổi trẻ của Pờ Sảo Mìn là những ngày tháng ở nơi phố phường đô hội, là “trời Tây”, là Hà Nội, là thị xã Lào Cai... Xế chiều, ông lại về Mường Khương, mảnh đất cho ông nguồn thơ, cho ông tên tuổi, và cả nỗi mang mang... 

                                      

Pờ Sảo Mìn: dành cả đời hát bài ca ngợi ca xứ sở núi đá - ảnh 2
Làng định cư  gần biên giới Pha Long - Mường Khương - Ảnh: Dân trí


BP: Khi mà tôi đọc mấy câu thơ lúc nãy, tôi không hình dung đấy là tình yêu nam nữ đâu, nó chỉ là một phần nhỏ thôi. Đọc những lời của nhà văn Y Phương viết về nhà thơ Pờ Sảo Mìn thì tôi hình dung đó là tình yêu với mảnh đất đã sinh ra ông và tình yêu đấy thấm trong từng câu thơ mà ông viết.

PSM: Nhà thơ Y Phương có tâm sự với tôi và có nhận xét tôi với mảnh đất biên cương này. Trong sâu thẳm tôi cũng nghĩ thế này, để rời xa quê mình ở thành phố tỉnh hay ở thủ đô thì trong một khoảng thời gian dài như thế thì cũng có thể được. Nhưng tôi cảm thấy về với đất biên cương, với đất Mường Khương thì gần như đó là  một bổn phận, nó là một số mệnh, mình phải gắn liền với mảnh đất mà cha mẹ đã sinh ra mình và dân tộc đã sinh ra mình.

Mẹ sinh ra tôi trên đỉnh đá tai mèo

Uống nước nguồn trong veo

Con trai người Pa Dí

Mắt một mí, tóc đen, mũi tẹt, da vàng

Dáng có vẻ ngang tàng như quẫy đạp trần gian

Con trai người Pa Dí...

Đã đi là đến

Đã đến là ở

Đã ở là ở rất lâu

Đã yêu là yêu nhiều, yêu mãi

Yêu cho hết tận cùng man dại

Con trai người Pa Dí

Không hận thù ghét bỏ cùng ai

Đi chín phương là chín phương bè bạn

Đến mười phương là mười miền thương nhớ

Bạn ơi...!

BP: Pờ Sảo Mìn có đến bốn giải thưởng văn học với bốn tập thơ “Biển Chàm  trên núi”, “Lời của dân tộc tôi”, “Cây hai ngàn lá và bài ca hoang dã”, “Người con trai Pa Dí”.  Những tập thơ khác của ông, chỉ đọc tên cũng đã hình dung ra không gian thơ mà ông đắm chìm: Mắt rừng xanh, Bài ca hoang dã, Mắt lửa, Cung đàn biên giới, Bài ca đẹp nhất trần gian...“Cây hai ngàn lá” trình làng cách đây 30 năm là bài thơ đã làm làm dân tộc ông được biết tới nhiều hơn trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam./.

 


Phản hồi

Các tin/bài khác