Tái bản “Khúc hát Vườn Trầu” cuốn sách về người nữ anh hùng Nguyễn Thị Minh Khai

(VOV5)- Nhân kỉ niệm 83 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, NXB Kim Đồng tái bản cuốn sách “Khúc hát Vườn Trầu” của nhà văn Lê Minh. Xuất bản lần đầu năm 1982, đây là lần tái bản thứ tư của cuốn sách. Cuốn sách giúp các em thiếu nhi tìm hiểu về người nữ Đảng viên kiệt xuất Nguyễn Thị Minh Khai, về một giai đoạn khó khăn của cách mạng Việt Nam khi Đảng mới thành lập.

 “Khúc hát Vườn Trầu” tái hiện quãng đời hoạt động cách mạng, đặc biệt là thời gian lãnh đạo quần chúng tại thôn Vườn Trầu của người nữ anh hùng cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai.

Tái bản “Khúc hát Vườn Trầu” cuốn sách về người nữ anh hùng Nguyễn Thị Minh Khai - ảnh 1

Bằng lối kể chuyện giản dị, ngôn ngữ miêu tả giàu cảm xúc, nhà văn Lê Minh đã khắc họa hình tượng người nữ anh hùng cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai vừa thông minh, khéo léo, kiên cường vừa hết mực dịu dàng, yêu chồng, thương con, quan tâm đến từng đồng đội trong những hoàn cảnh éo le, gian khó nhất. Câu chuyện được kể lại phần lớn qua lời của cô con gái nhỏ Hồng Minh (tên cô được lấy từ tên của người cha Lê Hồng Phong và người mẹ Nguyễn Thị Minh Khai). Những tình cảm của người thân, của đồng bào, đồng chí dành cho người nữ Đảng viên anh hùng khiến người đọc xúc động khôn nguôi.

Cuốn sách cũng giúp độc giả hiểu về thời kì gian khó của Cách mạng trong buổi đầu thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đúng như nhà văn Lê Minh tâm niệm: “Lần tìm dấu vết Nguyễn Thị Minh Khai, tôi viết Khúc hát Vườn Trầu, như truyện cổ tích với các em, như lời hát ru về những kì tích của một thế hệ mở đường”.

Nhà văn Lê Phương Liên từng chia sẻ khi nói về tác phẩm này: “Cái khó của việc viết về danh nhân, lãnh tụ, những bậc anh hùng chí sĩ là ở chỗ tâm hồn và nhân cách của người viết có đủ tạo nền vươn tới tầm nhân cách của nhân vật hay không. Nếu không phải là con em của một gia đình mà anh chị em, chú bác ruột thịt đều là những chiến sĩ cách mạng thì thật khó mà có thể hiểu được cặn kẽ những cung bậc tình cảm của cuộc đời người chiến sĩ cách mạng giai đoạn 1930-1945. Nhà văn Lê Minh có được cái căn cốt đó để viết về những chiến sĩ cách mạng, những nhà yêu nước, những lãnh tụ lớn.”

Nguyễn Thị Minh Khai và nhiều đồng chí cách mạng đã anh dũng hi sinh nhưng tấm gương bất khuất, oanh liệt của họ vẫn còn sống mãi, như tâm sự đầy tự hào của cô con gái Hồng Minh khi nghĩ về mẹ trong đoạn kết "Cuộc đời hi sinh cao đẹp của ba má và các bác, các dì đã là khúc hát ru, nuôi thế hệ chúng con khôn lớn. Mãi mãi thế hệ chúng con và những thế hệ sau này nữa vấn được đưa dắt trong nhứng khúc hát vang vọng hùng tráng từ những thôn Vườn Trầu lịch sử".

Nhà văn Lê Minh là con gái của nhà văn Nguyễn Công Hoan, bà từng tham gia hoạt động cách mạng, kháng chiến chống Pháp và nhiều công tác của Hội Công nhân, Hội Phụ nữ, Hội Nhà văn...

Tác phẩm đã xuất bản: Cu Dũng (truyện ngắn, 1959); Anh công nhân mới khu gang thép (truyện, 1962); Lớp học (truyện ngắn, 1964); Mẻ gang đầu (bút ký, 1965); Chị Tư già (truyện, 1966); Cô giáo trường Na Pà (truyện, 1969); Ngày mai sắp đến (truyện ngắn, 1969); Con mèo rét (truyện ngắn, 1972); Ô cửa sổ (truyện ngắn, 1974); Người chị (truyện dài, 1976); (truyện ngắn, 1976); Ngôi sao đỏ (truyện ngắn, 1976); Tiếng gió (tiểu thuyết, 1976); Hạt chò chỉ (truyện dài, 1978); Đốm hoa tím (truyện ngắn, 1980); Người thợ máy Tôn Đức Thắng (truyện dài, 1981); Khút hát Vườn Trầu (truyện dài, 1982); Lẵng hạt ngọc (truyện ngắn, 1984); Hòn đảo một mình (tiểu thuyết, 1984); Cái tát (truyện ngắn, 1990); Rừng đước (truyện dài, 1992); Chân dung văn học (nghiên cứu, chủ biên, 1992); Săn đuổi một tia chớp (truyện ngắn, 1993); Nguyễn Công Hoan, nhà văn nhà hiện thực lớn (nghiên cứu, 1993); Hồi (tiểu thuyết, 1995); Chân dung nữ văn nghệ sĩ Việt Nam (nghiên cứu, chủ biên, 1995).

Ngoài ra, bà còn viết một số kịch bản điện ảnh: Nhà văn của những người cùng khổ (1994); Mặt bằng yên tĩnh (1996); Nguyễn Thị Minh Khai (1996).

Giải thưởng văn học: Giải nhất cuộc thi kí của Hội Nhà văn Việt Nam 1962 (ký Kỷ niệm về Khu Đông); Giải nhất cuộc thi truyện ngắn của Hội Nhà văn Việt Nam 1969 (truyện Nắng); Giải nhất giải thưởng 5 năm Văn học đề tài công nhân (1980 - 1984) (tiểu thuyết Hòn Đảo một mình).

Quan niệm của nhà văn Lê Minh về nghề viết văn: “Người cầm bút cũng phải bắt đầu từ yêu thương để viết ra tác phẩm. Nếu cảm thấy yêu thương, gắn bó, kính trọng thì sẽ viết được. Bên cạnh đó, cách khai thác hiện thực, bút pháp cũng rất quan trọng. Với tôi, cuộc sống thời nào cũng hay cũng đẹp và... cũng có cái đau. Đấy mới là văn học. Trước tiên muốn làm nghề văn phải có tấm lòng yêu thương, xúc động từ trong tâm hồn”.

Phản hồi

Các tin/bài khác