“Từ giờ thứ sáu tới giờ thứ chín” – “Vẫn còn một “chiến trường” khác trong tâm hồn người Việt”

(VOV5) - “Đây là một cuốn tiểu thuyết trọn vẹn về chiến tranh nhưng với một cách nhìn khác và mới mẻ hơn”.

Sau tiểu thuyết “Đất trời vần vũ” và “Ngược mặt trời”, nhà văn Nguyễn Một đã “tạm rời phong cách huyền ảo quen thuộc để đào sâu mảnh đất hiện thực bằng những chiêm nghiệm đời sống của chính tác giả”.

Viết về một đề tài kinh điển là chiến tranh, “Từ giờ thứ sáu tới giờ thứ chín” (do Công ty Cổ phần văn hóa và truyền thông Liên Việt cùng NXB Hội Nhà văn phối hợp ấn hành) đã có một lối đi riêng, trở thành một trong ba tác phẩm thuộc hạng mục Văn xuôi được nhận Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam năm vừa qua.

Nghe âm thanh bài tại đây:
 

Sinh năm 1964, nhà văn Nguyễn Một là tác giả của gần 20 đầu sách, đa dạng về thể loại: từ truyện ngắn, truyện vừa, tới bút kí, tản văn và tiểu thuyết. Đề tài chiến tranh xuất hiện thường trực trong sáng tác của ông, dường như là nỗi ám ảnh từ ký ức…“Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” tiếp tục đào sâu đề tài này bằng những chiêm nghiệm đời sống của chính tác giả.

“Kể từ khi tiểu thuyết “Ngược mặt trời” tôi viết năm 2012 sau đó được dịch và phát hành tại Mỹ thì đến nay là 11 năm, tôi mới cho ra đời cuốn tiểu thuyết tiếp theo. Tất nhiên, tôi không kể các truyện ngắn và các cuốn khác mà tôi viết khoảng thời gian đó. Bởi vì theo tôi, tiểu thuyết là cỗ máy cái của nền văn học. Như vậy, một nhà văn cần phải viết tiểu thuyết vì tiểu thuyết mới chuyển tải được không gian của thời đại mà nhà văn muốn viết." - Nhà văn Nguyễn Một nói - “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” là cuốn tiểu thuyết mà tôi mượn một câu chuyện tình của hai nhân vật trong thời chiến tranh. Và nhân vật chính của tôi là một người dân bình thường trốn tránh cuộc chiến, tức là anh ta đi giữa cái dây, để nhìn thấy hệ quả rất đau thương do chiến tranh mang lại. Thông điệp của cuốn này là tôi mong rằng không có chiến tranh. Bởi vì chiến tranh xảy ra là sự đau thương mất mát từ nhiều phía và với bất kỳ dân tộc nào cũng là sự bất hạnh.”

“Từ giờ thứ sáu tới giờ thứ chín” – “Vẫn còn một “chiến trường” khác trong tâm hồn người Việt” - ảnh 1Ảnh: nguoidothi.net.vn

Sơn, nhân vật chính của tiểu thuyết “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” không đứng về bên nào trong cuộc chiến này. Nhưng không vì thế mà không đau khổ. Sinh ra và lớn lên trong thời khói lửa, con người đối diện, chứng kiến và trải qua những cái chết bất ngờ. Có người “tận nghĩa với quốc gia”. Có người “hi sinh vì Tổ quốc”. Có những cái chết “hiện ra ngay trước mắt, tan nát thịt xương”, khiến người ta thấy mình hết sức nhỏ bé trong mưa bom bão đạn. Tất cả đều bị xé nát… Trong một cuộc chiến tàn khốc, nhân vật chính của “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” được đánh giá là “khá lạ, không thiện không ác”.

Bên cạnh đó, thủ pháp của cuốn tiểu thuyết này cũng hoàn toàn khác với hai tiểu thuyết trước đó của nhà văn Nguyễn Một là “Đất trời vần vũ” và “Ngược mặt trời”: “Cuốn thứ nhất của tôi là “Đất trời vần vũ”, tôi viết theo một thủ pháp gọi là đồng hiện, đan xen và theo kiểu hiện thực huyền ảo để dần dần mọi câu chuyện ló rạng. Cuốn thứ hai tôi viết dưới dạng tiểu thuyết rời rạc, có nghĩa là mỗi chương của nó giống như một miếng da của trái banh. Bạn đọc có thể đọc từng chương nhưng sau đó, bạn ghép lại. Còn cuốn thứ ba này tôi suy nghĩ là chúng ta phải dùng thủ pháp gì để người đọc cảm thấy đó là sự thật, hoàn toàn sự thật thì tôi mới chọn giải pháp như là một hồi kí mà nhân vật của tôi là người chứng kiến, kể lại và viết rất chân thật. Đây là một bút pháp khác lạ với hai tiểu thuyết trước đây.”  - Nhà văn Nguyễn Một nói.
Là một trong những độc giả đầu tiên của “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín”, khi tiểu thuyết này còn ở dạng bản thảo, nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh: “Đây là một cuốn tiểu thuyết trọn vẹn về chiến tranh nhưng với một cách nhìn khác và mới mẻ hơn”, nhất là khi dù chiến tranh đã khép lại từ lâu, “nhưng vẫn còn một “chiến trường” khác vẹn nguyên trong tâm hồn con người Việt Nam, đó là sự tàn phá về tinh thần”.

“Chúng ta đã đi gần hết một nửa thế kỷ kể từ khi chiến tranh kết thúc. Rất nhiều người Việt Nam và cả người Mỹ không muốn nhắc lại cuộc chiến này. Và cuốn sách của Nguyễn Một trọn vẹn là một cuốn tiểu thuyết viết về chiến tranh. Tôi đã đọc cuốn đó khi còn bản thảo trong suốt nhiều đêm và một câu hỏi đặt ra trong đầu: chúng ta phải viết về cuộc chiến đó nhưng trong một cách nhìn khác và mới mẻ hơn. Chúng ta có thể thấy trong “Từ giờ thứ sáu tới giờ thứ chín”, người mà trực tiếp tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam là người Mỹ hầu như không hiện diện. Ở đây là vấn đề của con người Việt Nam sau 50 năm nhìn lại cuộc chiến tranh của mình.

Trong tiểu thuyết của Nguyễn Một dày đặc các nhân vật. Nó là một xã hội hoàn toàn thu nhỏ. Mỗi thân phận từ một kẻ bình thường, một người lính cho đến những người có một vị trí nào đó…, chiến tranh đã đi qua họ, tất cả tính cách, số phận, nỗi giày vò của họ đều hiện lên. Có thể nói chiến tranh đi qua và xé nát tất cả cuộc đời của tất cả các nhân vật trong đó: tình yêu, mối quan hệ, giấc mơ và bao nhiêu điều khác nữa.”

Với hai cuốn tiểu thuyết trước là “Ngược mặt trời” và “Đất trời vần vũ”, nhà văn Nguyễn Một đã viết về chiến tranh bằng những thủ pháp khác nhau. Hơn 10 năm sau, trở lại đề tài này bằng “Từ giờ thứ sáu tới giờ thứ chín”, ông vẫn tiếp tục tìm tòi thử nghiệm, “kỳ công đưa lại cho chúng ta những “nỗi đau” của người dân trong cuộc chiến…”  Vượt lên trên những cái tôi trữ tình là câu chuyện về số phận của quốc gia. Và đằng sau đó là màu sắc của Thiên Chúa giáo.

Nhà văn Nguyễn Một bộc bạch: “Tại sao tôi dùng cái tựa là “Từ giờ thứ sáu tới giờ thứ chín”. Đây là tôi trích một câu trong Kinh Thánh của Ma-thi-ơ. Câu đó diễn tả đoạn mà Chúa Giê-su chết. Không gian đó, tại sao chiến tranh xảy ra? Vì không có sự hiện diện của Chúa. Tuy nhiên, nó cũng là một kỉ niệm của cặp tình nhân Sơn và Diễm khi họ đi nhà thờ trong Ngày Lễ Lá và họ nghe được những lời đó. Cuối cùng, họ là nạn nhân của bóng tối do chiến tranh mang lại.”

Là một người theo đạo Thiên Chúa, nhà văn Nguyễn Một thường sử dụng chất liệu này trong sáng tác của mình. Trong “Ngược mặt trời” và “Đất trời vần vũ”, đó là sự mặc khải của con người. Trong “Từ giờ thứ sáu tới giờ thứ chín”, ông tiếp tục chuyển tải thông điệp về sự yêu thương, tha thứ kể cả trong sự vắng mặt của Người: “Tôi là một tín đồ của Thiên Chúa giáo thì tôi lựa chọn Kinh Thánh, những ý tưởng trong Kinh Thánh mà Thiên Chúa có thể tóm gọn là yêu thương và tha thứ. Đó là hai ý chính và đó là tư tưởng chủ đạo của tôi trong tác phẩm cũng như trong đời sống của tôi – luôn luôn yêu thương và phải biết tha thứ.”

“Từ giờ thứ sáu tới giờ thứ chín” đã góp thêm một cuốn tiểu thuyết về chiến tranh – một đề tài thuộc hàng kinh điển của văn học nước nhà. Giá trị của cuốn sách vẫn cần thêm thời gian để khẳng định nhưng chắc chắn rằng nỗ lực làm mới cách viết cũng như cất lên tiếng nói phản chiến là đáng ghi nhận, bởi thực sự nhà văn Nguyễn Một đã viết về sự tàn bạo không phải để oán hờn mà “chỉ để giải mã cho sự vô minh của con người.”, khi những cuộc chiến tranh, như cuộc chiến Mỹ xâm lược Việt Nam, gây ra bao đau thương trong tâm hồn con người.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác