Chặng đường 35 năm hợp tác hiệu quả Việt Nam – Liên hợp quốc

(VOV5) - Nhân kỷ niệm tròn 35 năm Việt Nam chính thức tham gia Liên hợp quốc (20/9/1977-20/9/2012), Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh có bài viết nhan đề “Chặng đường 35 năm quan hệ hợp tác Việt Nam-LHQ”, khẳng định sự kiện Việt Nam trở thành thành viên thứ 149 của tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này cách đây 35 năm đã mở ra một thời kỳ mới cho ngoại giao đa phương Việt Nam với những đóng góp quan trọng vào thành công của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Chặng đường 35 năm hợp tác hiệu quả Việt Nam – Liên hợp quốc - ảnh 1
Lễ thượng cờ Việt Nam tại trụ sở LHQ ngày 20/9/1977 - ngày Việt Nam chính thức gia nhập LHQ (nguồn Internet)

Bài viết nêu rõ, hơn ba thập kỷ qua, quan hệ Việt Nam - LHQ đã có những bước phát triển vượt bậc trên tất cả phương diện từ văn hóa, giáo dục-xã hội, kinh tế-thương mại cho đến an ninh-chính trị và trên nhiều cấp độ từ phối hợp thực hiện. Bằng việc tích cực, chủ động tham gia các công việc tại LHQ, Việt Nam đã góp phần đấu tranh bảo vệ các lợi ích thiết thân của đất nước, nhất là trên các vấn đề an ninh, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời tích cực phối hợp với các nước bạn bè vận động, đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc và phát triển, đề cao các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ. Việt Nam cũng được tín nhiệm bầu vào nhiều cơ chế lãnh đạo của LHQ, nổi bật nhất là được bầu làm Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ nhiệm kỳ 2008-2009 và đã hoàn thành xuất sắc trọng trách này, được Tổng thư ký LHQ và các nước thành viên đánh giá cao, qua đó góp phần nâng cao uy tín, vị thế quốc tế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Với tinh thần chủ động, tích cực hội nhập quốc tế mà Đại hội Đảng XI đã đề ra và với vị thế có được từ những thành tựu to lớn của quá trình đổi mới và kinh nghiệm 35 năm hợp tác với LHQ, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường hoạt động ngoại giao đa phương và hợp tác với LHQ để chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, góp phần giữ vững môi trường hoà bình, thuận lợi cho đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; nâng cao vị thế của đất nước; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới./.

 

Phản hồi

Các tin/bài khác