Doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ phản đối thuế chống trợ cấp đối với tôm nhập khẩu từ VN

(VOV5) - Phán quyết cuối cùng của Bộ thương mại Mỹ về việc áp thuế chống trợ cấp đối với mặt hàng tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam đã gây bất bình với các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này ở Việt Nam và cả ở Mỹ. Ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Cafatex, công ty chuyên xuất khẩu các mặt hàng tôm đông lạnh, cho rằng các doanh nghiệp hiện đang hoạt động theo cơ chế thị trường. Do vậy, không nhận trợ cấp của nhà nước trong hoạt động sản xuất kinh doanh và cũng không nhận được bất kỳ trợ cấp riêng biệt nào cho ngành tôm trong nhiều năm qua: “Thật sự trong ngành tôm, cá, chăn nuôi có ai tài trợ gì đâu. Nhất là ngành tôm không có trợ cấp đồng nào. Dân tự lo. Quyết định này ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Đây là phán quyết không công bằng.”


Doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ phản đối thuế chống trợ cấp đối với tôm nhập khẩu từ VN - ảnh 1
Phiên điều trần tại ITC (Ảnh: Nhật Quỳnh)

Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh, tỉnh Sóc Trăng, nêu ý kiến: “Họ đánh thuế như vậy thực chất là đánh vào nông dân nuôi tôm thôi. Mà người nuôi tôm hiện nay điêu đứng do biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, khó khăn chồng chất khó khăn.”

Trong khi đó, tại Mỹ, trong buổi điều trần cuối cùng về vụ kiện của Liên minh công nghiệp tôm vùng Vịnh Mỹ đối với sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam và một số nước khác, ngày 14/8, nhiều doanh nghiệp Mỹ đã phản đối yêu cầu áp thuế chống trợ cấp đối với mặt hàng trên. Eric Buckner, Giám đốc phụ trách thủy sản của tập đoàn Sysco, cho biết là một trong những nhà phân phối tôm lớn nhất nước Mỹ, Sysco phân loại rõ ràng các mặt hàng tôm nhập khẩu và tôm khai thác tự nhiên cũng như xuất xứ của từng loại. Ông khẳng định tôm nuôi nhập khẩu và tôm đánh bắt là 2 sản phẩm hoàn toàn khác nhau, dành cho các đối tượng khách hàng khác nhau và do vậy không thể cạnh tranh với nhau. Guy Pizzuti, Giám đốc phụ trách thủy sản của Publix Super Markets, 1 trong 10 chuỗi siêu thị lớn nhất Hoa Kỳ, cho biết: “Tôi chưa bao giờ nghĩ tôm nuôi nhập khẩu và tôm đánh bắt là 2 sản phẩm cạnh tranh trực tiếp với nhau. Công ty chúng tôi có kế hoạch tiếp thị và tiêu thụ khác nhau cho từng mặt hàng trên. Ngay cả các nhà cung cấp của chúng tôi cũng không có hiện tượng cạnh tranh chéo. Các nhà cung cấp tôm nhập khẩu cạnh tranh với nhau và các nhà cung cấp tôm khai thác cũng vậy”

Phó Chủ tịch công ty nhập khẩu thủy sản Censea, Jeff Stern cho biết công ty này sử dụng rất ít tôm trong nước vì các nhà cung cấp không thể đảm bảo số lượng cũng như chất lượng theo yêu cầu. Theo ông, việc đảm bảo nguồn cung ổn định, chất lượng cũng như kích cỡ đồng đều của sản phẩm là điều tối quan trọng đối với khách hàng và điều này vượt quá khả năng của các nhà cung cấp trong nước. Trước đó, trang web của Hiệp hội Thủy sản Mỹ cũng cho rằng ngành công nghiệp tôm nội địa cần tìm giải pháp lâu dài để duy trì sức cạnh tranh thay vì kêu gọi chính phủ áp thuế chống phá giá hoặc chống trợ cấp đối với sản phẩm nhập khẩu./.  

                                                                             Thanh Tùng, Nhật Quỳnh
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác