Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc phiên họp thứ 21

(VOV5) - Sau hơn 2 tuần làm việc, chiều 23/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc phiên họp thứ 21.


Phát biểu kết thúc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết trong phiên họp thứ 21, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và 14 dự án luật, 2 báo cáo giám sát và nhiều báo cáo khác, cũng như cho ý kiến về chương trình của kỳ họp thứ 6. Kỳ họp này  thông qua chương trình chuẩn bị cho Hội nghị Liên minh nghị viện thế giới IPU vào 2015 tại Việt Nam và 70 năm Ngày thành lập Quốc hội.


Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, kỳ họp Quốc hội lần thứ 6 tới rất nặng nề với nhiều quyết sách quan trọng, vì vậy các nội dung của kỳ họp và các tài liệu liên quan cần chuẩn bị kỹ hơn về chất lượng. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: “Chương trình xây dựng pháp luật tới thời điểm này tương đối mở ra, khá rộng nên việc đảm bảo chất lượng đi theo số lượng là khó, phải căn cứ vào tình hình thực tế. Tới kỳ họp thứ 6 này sẽ thông qua Hiến phá, theo đó khối lượng công việc đi theo lớn”.


Trước khi bế mạc phiên họp, Ủy ban thường vụ Quốc cho ý kiến về dự án Luật xây dựng (sửa đổi).


Vào buổi sáng, Ủy ban thường vụ Quốc cho ý kiến về dự án Luật đầu tư công.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc phiên họp thứ 21 - ảnh 1
Phiên họp thứ 21 Ủy ban Thường vụ Quốc hội


Điểm chú ý của dự án luật này là làm rõ trách nhiệm cụ thể của người có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư nhằm góp phần giảm bớt thất thoát, lãng phí trong đầu tư công.


Cho ý kiến vào nội dung này, các đại biểu đều tán thành về sự cần thiết phải ban hành Luật và mục tiêu của dự án luật. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị cần rà soát lại nội dung, điều khoản trong dự án luật này cho thống nhất với hệ thống luật hiện hành, nhất là luật xây dựng, luật ngân sách, luật đấu thầu.


Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định Ủy ban thường vụ tán thành với sự cần thiết của việc ban hành dự án luật đầu tư công. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị ban soạn thảo dự án luật cần khắc phục những hạn chế, tồn tại của các luật khác liên quan tới đầu tư công, xem xét lại phạm vi điều chỉnh và phải bảo đảm tính khả thi của dựa luật./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác