Việt Nam chuẩn bị tốt nhất để tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc

(VOV5) - Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là một quyết định quan trọng của Việt Nam.


Đây là sự tiếp nối của chính sách nhất quán của Việt Nam là ủng hộ hòa bình, ủng hộ các mục tiêu cao cả của Liên hợp quốc, khẳng định cam kết cũng như khả năng của Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, nỗ lực thực hiện các nghĩa vụ của một quốc gia thành viên Liên hợp quốc. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Hà Kim Ngọc nhấn mạnh như vậy tại Hội thảo về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, tổ chức sáng nay tại Hà Nội.

Việt Nam chuẩn bị tốt nhất để tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc - ảnh 1
Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc. Ảnh: Chung Hoàng



Theo kế hoạch, từ năm nay, Việt Nam bắt đầu cử lực lượng tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, bước đầu là cử một số sĩ quan liên lạc quân sự, sau đó sẽ xem xét cử lực lượng quân y ở cấp trạm xá, bệnh viện dã chiến và lực lượng công binh ở cấp trung đội, đại đội, tham gia vào các phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Để chuẩn bị cho sự tham gia này, từ năm 2005, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng tìm hiểu tổng thể để tham mưu, đề xuất với các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ về chủ trương tham gia, đồng thời chuẩn bị nhân sự, lực lượng, đặc biệt là soạn thảo Dự thảo nghị quyết về việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc nhấn mạnh: Hội thảo hôm nay có ý nghĩa quan trọng để thảo luận, lắng nghe ý kiến đóng góp rộng rãi từ nhiều góc độ khác nhau, không những của đại diện các bộ, ngành liên quan, mà cả những nhà nghiên cứu, những chuyên gia độc lập về những vấn đề chính như nguyên tắc, mục đích, phương châm, nguyên tắc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ. Những ý kiến đóng góp hôm nay là rất cần thiết để giúp chúng tôi tiếp tục hoàn thiện dự thảo nghị quyết, triển khai việc tham gia của Việt Nam đúng thời hạn cam kết.


Những ý kiến đóng góp tại Hội thảo sẽ được xem xét bổ sung vào Dự thảo Nghị quyết, trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5 tới. Hiện có 123 trong tổng số 193 nước thành viên Liên hợp quốc đã cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình, trong đó có hầu hết các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)./.

Phản hồi

Các tin/bài khác