Chủ động đối phó trước diễn biến cực đoan của thiên tai

(VOV5)- Theo nhận định của các chuyên gia, thời tiết xấu và thiên tai có thể xảy ra nhiều trong năm 2016 với các hình thái cực đoan. Do đó, công tác phòng chống thiên tai được các địa phương, người dân ở khu vực có nguy cơ chuẩn bị sẵn sàng, nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại khi thiên tai xảy ra.


Ảnh hưởng của El Nino và biến đổi khí hậu, thời tiết, thiên tai đang có nhiều diễn biến bất thường và cực đoan, gây hậu quả nặng nề ở Việt Nam. Theo tính toán, thiệt hại do thiên tai trong 4 tháng qua đầu năm 2016 là khoảng 9 nghìn 700 tỷ đồng, lớn hơn so với thiệt hại trong toàn bộ năm 2015. Dự báo cuối năm nay, hiện tượng El Nino chấm dứt và hiện tượng La Nina (ngược với El Nino) sẽ bắt đầu. Tiến sỹ Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, cho biết:“Chúng tôi nhận định với tác động của La Nina có thể xuất hiện lũ muộn và mưa trái mùa trong năm 2016. Mưa lớn sẽ gây lũ quét sạt lở đất ở các vùng khác nhau khu vực vùng núi phía Bắc. Về thời tiết trên biển vùng ven bờ có khả năng diễn biến phức tạp hơn nhiều so với năm 2015. Bão, áp thấp nhiệt đới di chuyển hướng tây sẽ gây nguy cơ nước dâng ven bờ cao, các đợt gió mùa đông bắc mạnh vào cuối năm kết hợp triều cường có thể là nguy cơ gây ngập lụt ven bờ cửa sông, đặc biệt thời gian cuối năm nay.”

Chủ động đối phó trước diễn biến cực đoan của thiên tai - ảnh 1
Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 50, Bộ CHQS TP Hải Phòng giúp dân ngăn nước biển dâng tại Đồ Sơn, TP Hải Phòng. Ảnh: Vũ Quang Thái/ Báo Nhân Dân



Ngoài việc chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương sẵn sàng các phương án ứng phó với thiên tai, mưa lũ, hạn hán, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng, hoàn thiện và ban hành Kế hoạch, chống thiên tai của Bộ, chỉ đạo công tác phòng chống hạn hán, nhập mặn, úng ngập với các giải pháp lâu dài. Theo ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,Trưởng ban chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai, các địa phương cần nâng cao, phát huy vai trò người dân trong phòng chống thiên tai: “Phương châm trong phòng chống thiên tai là: phòng là chính, dân là chính và cơ sở là chính. Khi thiên tai xảy ra lực lượng mà có thể hỗ trợ nhân dân nhanh nhất, hiệu quả nhất chính là lực lượng cơ sở và chính là những người dân được tổ chức lại để hỗ trợ nhau. Chính vì vậy, chúng tôi chủ trương và đề nghị các địa phương thực hiện chương trình vận động, tổ chức nhân dân phòng chống thiên tai dựa vào cộng đồng.”


Những diễn biến phức tạp của tình hình thời tiết xấu, thiên tai có thể xảy ra ở bất kỳ địa phương nào. Sự chủ động, chuẩn bị một cách kỹ lưỡng các phương án, phương tiện, thiết bị, lực lượng cho công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của các ngành, các địa phương và mỗi người dân sẽ góp phần hạn chế đáng kể những thiệt hại do thiên tai gây ra.

Phản hồi

Các tin/bài khác