Hà Nội trong trái tim nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc

(VOV5) - Ở tuổi gần Bách Tuế (100 tuổi), nhưng Nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc vẫn đau đáu với văn hóa Hà Nội. 

Đã gần một thế kỉ trôi qua, bằng tất cả sự uyên bác, nghiêm cẩn, cầu thị của mình, nhà văn hóa Hữu Ngọc vẫn như cây đại thụ tỏa bóng, trở thành cầu nối đưa hình ảnh Hà Nội và văn hoá Việt vươn ra thế giới.

Hà Nội trong trái tim nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc - ảnh 1

Nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc và nhà văn Mỹ Lady Borton trong một buổi nói chuyện (Ảnh: Lan Anh/VOV5)

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc, sinh năm 1918, tại Hà Nội, quê gốc ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ông sử dụng thành thạo các thứ tiếng: Pháp, Anh, Đức và chữ Hán. Gần 70 năm cầm bút, nhà văn hóa Hữu Ngọc cho ra đời hàng chục cuốn sách có giá trị về nghiên cứu văn hóa Việt Nam, trong đó, mảng văn hóa Hà Nội chiếm một vị trí quan trọng.

Năm 2017, cuốn “Phác thảo chân dung văn hóa Hà Nội” được ông viết bằng 2 thứ tiếng Anh và Pháp, đã được dùng làm quà tặng các nguyên thủ quốc gia đến tham dự Hội nghị các nước có sử dụng tiếng Pháp lần thứ 7, tại Hà Nội. Đây là công trình đầu tay về văn hóa Hà Nội của nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc và là cuốn sách đầu tiên giới thiệu về Thủ đô Hà Nội cho người nước ngoài kể từ tháng 8/1945 đến thời điểm năm 1997.

Năm 2010, Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, ông được đặt hàng và biên soạn 10 cuốn “Hanoi, who are you?” (Hà Nội, bạn là ai?) bằng tiếng Anh để phục vụ công tác đối ngoại. Ngoài ra, những tình cảm của ông dành cho Hà Nội cũng được thể hiện sâu sắc qua cuốn “Hà Nội của tôi”.

Hà Nội trong trái tim nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc - ảnh 2

Nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc ký tặng sách cho độc giả (Ảnh: Lan Anh/VOV5)

Nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc chia sẻ: "Trong các cuốn sách mà tôi giới thiệu ra nước ngoài và phổ biến ở trong nước thì có một phần tôi giới thiệu về Hà Nội. Vì theo tôi, Hà Nội là trái tim của dân tộc, như vậy thì nói về Hà Nội là nói về trái tim, khối óc của dân tộc Việt Nam".

Nhà nghiên cứu Hữu Ngọc cho biết ông soạn cuốn “Phác thảo chân dung văn hóa Hà Nội” chỉ trong ba tháng. Ở chương đầu, ông muốn người nước ngoài thấy được rằng Hà Nội là tấm gương phản ánh lịch sử của Việt Nam và họ chỉ cần xem các di tích lịch sử văn hóa cũng có thể tự "phác thảo" ra được quá trình phát triển lịch sử Việt Nam trong vòng 3000 năm. Tiếp theo, ông giới thiệu về kinh thành, đô thành, khu phố Tây, khu nông thôn ngoại thành và theo ông chính những khu đó đã “dựng nên” cuốn Chân dung Hà Nội truyền thống". Năm 2010, nhân dịp Hà Nội tròn 1000 tuổi, ông biên soạn bộ 10 cuốn sách “Hanoi, who are you?” (Hà Nội, bạn là ai?) bằng tiếng Anh để phục vụ công tác đối ngoại. Mỗi tập của “Hanoi, who are you?” trả lời một vấn đề: Hà Nội - ăn uống, Hà Nội - vui chơi, Hà Nội - địa lý… 

Năm 2011, ông xuất bản cuốn “Hà Nội của tôi” dày gần 500 trang. Cuốn sách ghi chép những trải nghiệm của những người bạn quốc tế của ông khi ở Hà Nội. Ông bảo, cuộc sống Hà Nội vững chãi đi lên, vui với mỗi ngày và tin tưởng ở tương lai, khiến nhiều lúc tưởng như Hà Nội mà chúng ta yêu ở vào thời kì nào còn xa xôi lắm. Yêu mỗi viên gạch xưa, mỗi nét kiến trúc cổ, yêu Hồ Gươm, Hồ Tây như yêu đôi mắt người thương của lòng mình vậy. 

Hà Nội trong trái tim nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc - ảnh 3

Nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc với độc giả (Ảnh: Lan Anh/VOV5)

Hà Nội của ông phải kể tới hồ và những câu chuyện truyền thuyết lâu đời như Hồ Hoàn Kiếm hay Hồ Tây. Ông nghiên cứu và am hiểu giá trị của hồ đối với văn hóa truyền thống của Hà Nội. Theo ông Hồ chính là cái hồn của Hà Nội: "Hồ nó là vật chất và tinh thần của Hà Nội. Nên từ thế kỷ 15, người ta đã dựa vào thế của hồ để xây dựng thành các phố. Hồ đứng ở góc độ tâm linh thì nó là cái hồn của Hà Nội. Hồ của Hội không phải chỉ là các mạch nước không mà nó còn thể hiện rất nhiều truyền thuyết về di tích lịch sử của Hà Nội. Như Hồ Gươm, nơi trung tâm Hà Nội có Đền Ngọc Sơn, có Tháp Rùa, nó nhắc lại truyền thuyết của Vua Lê trong việc xây dựng hòa bình. Đến thế kỷ 18, Nguyễn Huy Lượng đã viết 1 bài thơ ca tụng vẻ đẹp của Hồ Tây gắn với cái đẹp của thời đại Vua Quang Trung năm 1789 với chiến thắng đánh đuổi 20 vạn quân Thanh chiếm đóng Thăng Long".

Hà Nội trong ông còn là những hàng cây xanh trên mỗi con phố. Với ông, các loại cây xanh chính tâm hồn của thành phố Hà Nội. "Hà Nội của tôi là Hà Nội của cây cối, cây xanh Hà Nội rất được nhiều người nước ngoài thích vì nó có nhiều cây xanh đủ loại. Mỗi con phố đều có đặc điểm riêng về cây cối. Phố Lò Đúc thì có những cây sao cao vút trong như cột đình cột làng rất đẹp với 2 hàng cây thẳng đứng. Phố Trần Hưng Đạo với những rặng cây sấu. Phố Lý Thường Kiệt có những rặng cây cơm nguôi, đến mùa đông nó trút hết lá cây chỉ còn trơ trọi y như thành phố ở Châu Âu. Hay như phố mang tên Nguyễn Du có những cây hoa sữa. Những đêm mùa thu thì hương hoa sữa nồng nàn rất nên thơ" - ông chia sẻ.

Văn hóa của Hà Nội trong tâm trí nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc còn là những chợ hoa, chờ Đào tấp nập ở làng Nghi Tàm, làng Nhật Tân, mỗi dịp Tết đến Xuân về. Ông Trần Đoàn Lâm, Giám đốc NXB Thế giới, nơi nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc từng làm Tổng Biên tập, chia sẻ: "Tác giả Hữu Ngọc với tư cách là người làm công tác thông tin đối ngoại rất nhiều năm có rất nhiều kinh nghiệm, ông là người mở đầu cho trường phái thông tin đối ngoại cho xuất bản phẩm bằng tiếng nước ngoài. Ông có nhiều đóng góp cho việc truyền bá văn hóa của Việt Nam ra nước ngoài và văn hóa của nước ngoài vào Việt Nam. Do vậy chúng tôi thường gọi ông với tên Nhà văn hóa hay Nhà nghiên cứu văn hóa".

Với những đóng góp to lớn của mình, trong tiết thu Hà Nội, nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc đón nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái- Vì tình yêu Hà Nội. Cùng với đó, ông cũng được Chính phủ các nước và bạn bè quốc tế vinh danh và trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, như: Nhà nước Việt Nam tặng Huân chương Chiến công và Huân chương Độc lập, Chính phủ Thụy Điển tặng Huân chương Ngôi sao Phương Bắc, Chính phủ Pháp tặng Huân chương Cành cọ Hàn Lâm, Cành cọ Vàng cùng nhiều danh hiệu cao quý khác.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác