Sự lan tỏa của chương trình sách hóa nông thôn

(VOV5) - Bắt đầu ý tưởng chương trình Sách hóa nông thôn từ năm 1997, đến năm 2007 anh Nguyễn Quang Thạch bắt đầu triển khai ý tưởng này bằng mô hình tủ sách dòng họ.

Chuyến đi xe máy xuyên Việt năm 2010 của anh cùng với cả chồng sách đến nhiều địa phương dọc theo quốc lộ 1 để giới thiệu về văn hóa đọc đã đạt được những hiệu quả rõ rệt. Đến nay, trên 2.500 tủ sách trên cả nước được ra đời, trong đó khoảng 120 tủ sách dòng họ, gần 2.400 tủ sách phụ huynh, tủ sách lớp em, 6 tủ sách hậu phương chiến sĩ, nhiều tủ sách giáo xứ ở hàng chục tỉnh, thành phố trong cả nước.

Sự lan tỏa của chương trình sách hóa nông thôn - ảnh 1
Anh Nguyễn Quang Thạch chụp ảnh cùng các học sinh trường Tiểu học thị trấn Diêm Điền.


Nghe nội dung chi tiết tại đây:
 

Qua khoảnh sân nhỏ trước nhà, chúng tôi vào thăm gian từ đường của dòng họ Vũ, một trong ba dòng họ lớn và có nhiều con em học giỏi, đỗ đại học ở thôn Văn Hàn, xã Thái Hưng, Thái Thụy, Thái Bình. Tủ sách dòng họ Vũ đặt ngay bên phải trong gian nhà thờ tổ. Năm 2009, anh Nguyễn Quang Thạch tặng cho dòng họ Vũ một tủ sách dòng họ với 150 đầu sách, tới nay tủ sách đã tăng lên gấp ba. Ông Vũ Khắc Toàn được giao nhiệm vụ vừa là thủ thư, vừa là người trông nom từ đường dòng họ, cho biết 5 năm qua tủ sách dòng họ đã phát huy được tác dụng: “Tủ sách tạo nên ý thức cho các cháu và có tủ sách thì gắn kết con cháu có trách nhiệm và cần nỗ lực theo truyền thống của dòng họ. Cũng từ hoạt động của tủ sách dòng họ, chúng tôi cũng chú trọng đến mảng liên quan đến dòng họ, sưu tầm mua các tài liệu để biết về cụ thủy tổ cụ Vũ Hồi đồng thời hướng dẫn viết gia phả, tộc phả”.

Đến nhà thờ giáo xứ Trung Đồng, huyện Tiền Hải vào một buổi chiều nắng nhẹ. Đây là giáo xứ đầu tiên của tỉnh Thái Bình khởi động tủ sách giáo xứ của anh Nguyễn Quang Thạch. Trong phòng thư viện, sách được phân chia rõ rệt. Thầy Trần Văn Triển, giáo viên giảng dạy giáo lý, phụ trách thư viện của giáo xứ Trung Đồng, cho biết trong các loại sách ở đây, ngoài sách giáo lý ra, sách văn học Việt Nam là đồ sộ nhất. Tình cờ gặp cô bé Nguyễn Thị Ngoan, học sinh lớp 5, một độc giả thường xuyên của thư viện, đang ngồi bên gốc nhãn chăm chú đọc truyện: “Con thấy truyện Sói và bảy chú dê con rất hay. Dê con thông minh cộng với người mẹ thương con. Khi nào rỗi thì con lên đây đọc sách. Vì sách cho thêm nhiều từ hay. Trước đây con không đọc, bây giờ con đọc được hết cả chồng sách rồi”.

Trên toàn tỉnh Thái Bình đã có hơn 2.000 tủ sách phụ huynh. Đây là mô hình tủ sách đặt ngay tại lớp học, do phụ huynh học sinh đóng góp xây dựng với sự hỗ trợ của nhà trường. Chị Dương Thị Nguyệt, hiệu trưởng trường THCS xã Thụy Liên, huyện Thái Thụy kể, sau khi phát động đầu năm 2013, chỉ trong một tháng, nhà trường đã hoàn thành việc mua tủ và tiến hành tập hợp sách. Hiện nay, mỗi tủ sách của từng lớp có khoảng 150 đầu sách.

Sự lan tỏa của chương trình sách hóa nông thôn - ảnh 2
Tủ sách trường THCS Thụy Liên, Thái Thụy


Điều đáng nói là một, hai năm nay, phong trào đọc sách trong học sinh toàn trường trở nên sôi nổi hẳn. Năm vừa qua, học sinh nhà trường đã đạt giải cấp tỉnh trong hội thi giới thiệu sách, cuộc thi kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cuộc thi viết liên môn: “Đây là học sinh ở vùng nông thôn, các em không có đủ sách mà bố mẹ có thể mua cho được. Tủ sách đã giúp các em có rất nhiều tài liệu để các em học. Sách tham khảo được lựa chọn ngay trên lớp. Các em học sinh giỏi tiếng Anh thường tra cứu từ điển, sách tham khảo để tham gia cuộc thi tiếng Anh trên mạng, các em làm rất tốt. Tủ sách phụ huynh giúp em có kỹ năng sống, hứng thú với việc học tập. Chính tủ sách phụ huynh đã tạo một không khí thi đua trong toàn trường” - chị Dương Thị Nguyệt chia sẻ.

Sự lan tỏa của chương trình sách hóa nông thôn - ảnh 3
Chương trình giao lưu "Âm nhạc và thơ ca" tại trường THCS Thụy Liên, Thái Thụy.

Học sinh trường THCS An Dục, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình thì luôn chờ đợi buổi sinh hoạt chung vào thứ hai đầu tuần với những buổi giới thiệu sách, kể chuyện hoặc trình diễn các vở kịch dựa trên các câu chuyện được chọn lọc trong sách.

Sự lan tỏa của chương trình sách hóa nông thôn - ảnh 4
Vở tân Sơn Tinh Thủy Tinh do học sinh trường THCS An Dục trình diễn.

Có tủ sách, vào những giờ ra chơi, các em học sinh hay ngồi lại cùng đọc sách và chia sẻ những trang sách hay về tình bạn, tình mẫu tử cho nhau nghe. Ở góc cuối lớp, tay nâng cuốn sách mà nước mắt lưng tròng, cô học trò giỏi lớp 6 Dương Thị Huyền đang nghĩ đến câu nói của bố khi còn trên dương thế: “Bố con dạy con là phải quý những cuốn sách, nếu quý  sách thì học mới nên người được. Từ lúc bé, bố hay kể cho con nhiều truyện cổ tích. Bố thường dạy con phải làm như những người tốt trong truyện cổ tích làm”.

 
Sự lan tỏa của chương trình sách hóa nông thôn - ảnh 5
Học sinh Dương Thị Huyền

Đọc sách không những giúp học sinh có thêm nhiều kiến thức mà đời sống tâm hồn phong phú, nhân văn hơn, có kỹ năng sống tốt hơn. Chị Nguyễn Thị Hải Bình, giáo viên trường THCS thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy khoe cậu con trai chị đang học lớp 8 hay mượn sách ở lớp về lắm. Có nhiều quyển, hai mẹ con chụm đầu cùng nhau đọc: “Việc làm của anh Nguyễn Quang Thạch khuyến khích được nhiều học sinh. Với mọi người, mọi tầng lớp đặc biệt là bà con nông dân,  đọc sách để hiểu biết. Khi hiểu biết hơn thì các cháu sẽ chăm ngoan hơn, học giỏi hơn, bà con nông dân có kỹ năng để sản xuất, lao động tốt hơn. Làm được như anh Thạch thì hiếm. Tôi rất ngưỡng mộ và khâm phục việc làm của anh”.

Sự lan tỏa của chương trình sách hóa nông thôn - ảnh 6
Tại trường tiểu học thị trấn Diêm Điền, trong bảng Hội đồng tự quản lớp có cả ban thư viện

Còn anh Nguyễn Tiến Quyền, chánh văn phòng huyện Thái Thụy thì mong muốn: “Theo mình, hiệu sách nhân dân nên phát triển. Việc đưa tủ sách về các nhà trường là hướng đi rất hợp lý. Nhà trường có nhiều đầu sách, tạo thói quen cho các cháu đọc sách. Rèn rũa cả về đạo đức, đối nhân xử thế. Đó là xu thế đúng”.

Trên tiến trình “sách hóa nông thôn” do anh Nguyễn Quang Thạch khởi xướng đã có nhiều người chung tay để phát triển mô hình đọc sách trong người dân. Chị Dương Lệ Nga, tổng phục trách đội của trường phổ thông cơ sở An Dục, huyện Quỳnh Phụ trở thành một cộng tác viên đắc lực giúp anh Thạch thành lập tủ sách phụ huynh ở trường chị công tác. Và giờ chị thành lập một nhóm các thầy cô giáo đi tiếp con đường của anh Thạch là phát triển rộng mô hình tủ sách cho toàn huyện: “Chúng tôi thành lập một nhóm có 7 người, là 7 thầy cô và đặt tên là tình nguyện viên sách và những người bạn. Đến sinh nhật chúng tôi tặng sách cho các em. Còn ở trường em nào có ngày sinh nhật vào thứ hai thì chúng tôi cũng tặng sách. Việc đọc sách đối với huyện Quỳnh Phụ giờ là chuyện bình thường. Từ tủ sách dòng họ, phụ huynh giờ chúng tôi có thêm tủ sách gia đình”. 

Từ chuỗi các mô hình tủ sách ở Thái Bình, ngày càng nhiều bạn trẻ ở Hà Tĩnh, Bắc Giang, Phú Thọ…. gọi điện nhờ anh Nguyễn Quang Thạch xây dựng tủ sách cho chính quê hương mình. Anh rất mừng vì việc làm của mình đã ít nhiều tác động đến cộng đồng và từng kỳ vọng 7 năm nữa sẽ có thêm 200.000 tủ sách lớp học, 70.000 tủ sách dòng họ và 7.000 tủ sách giáo xứ sẽ đến với các miền quê Việt Nam. Mong muốn này chắc sẽ hoàn thành sớm hơn. Như vậy, trong tương lai, sẽ có hàng triệu người dân ở vùng nông thôn có cơ hội đọc sách để nâng cao dân trí, hình thành văn hóa đọc trong nông dân./.  

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác