Thư viện sách Inrahani – nơi bảo tồn sách quý cho cộng đồng Chăm

(VOV5) - Thư viện sách Inrahani ở Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, là món quà của gia đình anh Phú Năng Tuệ dành tặng bà con dân tộc Chăm năm 2005. Thư viện này được thiết kế theo lối kiến trúc Chăm để bảo tồn những cuốn sách và bản viết tay quý hiếm của người Chăm, trong đó có nhiều cuốn kinh Koran cổ, sách cổ Chăm có cách đây 300 năm như sử thi, trường ca… 

Thư viện sách Inrahani – nơi bảo tồn sách quý cho cộng đồng Chăm - ảnh 1
Tủ sách văn học Chăm


Nghe âm thanh bài viết tại đây:




Ông chủ thư viện sách Inrahani Phú Năng Tuệ, cho biết những quyển sách về người Chăm đầu tiên đã được anh đặt vào tủ sách thư viện từ năm 2005. Đến nay, thư viện đã hoạt động được hơn 10 năm. Nghĩ về ngày đầu tiên thành lập thư viện sách, anh Phú Năng Tuệ chia sẻ: "Chứng kiến cảnh bà con mình lặn lội mấy chục cây số đi lên tỉnh tìm mượn sách đọc. Bà con Chăm chúng tôi thì điều kiện kinh tế khó khăn, chạy lo ăn lo mặc hàng ngày, tiền học phí cho con đã rấ vất vả, nên cũng khó có tiền mua sách. Trong khi đó, cha tôi là nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hoá Chăm Inrasara đã sưu tầm và lưu giữ rất nhiều đầu sách mấy chục năm qua. Từ đó thôi thúc tôi bắt tay vào việc xây dựng thư viện, tôi được cha giúp đỡ xây dựng nên thư viện Inrahani đến hôm nay".

Suốt hơn 10 năm qua, thư viện sách Inrahani đã có hơn 8.000 tựa sách, nổi bật là Bộ Từ điển Bách khoa toàn thư, Tổng tập văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam, Nghiên cứu văn hóa Chăm, sách cổ Chăm 300 năm, sách giáo khoa Chăm, sử thi, trường ca Chăm…Với anh Phú Năng Tuệ, xây dựng thư viện sách Inrahani không chỉ đáp ứng nhu cầu thực tế của bà con Chăm, mà anh Tuệ còn mong muốn đồng bào Chăm có thêm hiểu về khởi thủy của tộc Chăm cũng như quá trình tồn tại, phát triển. Anh Hán Văn Luận, Trưởng ban Quản lý khu phố Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, cũng là một trong số bạn đọc thường xuyên của thư viện, anh tâm sự: "
Tủ sách Inrahani giúp ích cho người dân trong làng rất nhiều, bà con có nơi để đọc sách, những người già mượn sách về nhà đọcThư viện này có nhiều sách quý như là những cuốn sách cổ viết bằng tay, sách tự học chữ Chăm từ học chữ cái đến những cốn sách nói về văn hóa, lịch sử…của người Chăm. Đây là thư viện sách quý đối với chúng tôi".

Thư viện sách phục vụ miễn phí cho người dân trong làng Mỹ Nghiệp, các trường trung học phổ thông ở địa phương và những người yêu quý sách ở những nơi khác đến đọc, đặc biệt dành cho người Chăm. Anh Phú Năng Tuệ tâm sự: Thư viện này đạt được chút thành quả trong suốt thời gian qua là nhờ vào rất nhiều ân nhân ủng hộ tinh thần, vật chất. Từ khi có thư viện sách Inrahani, có hơn 30 người là những giáo viên, nhà nghiên cứu văn hóa…đã tặng sách cho thư viện. Anh Phú Năng Tuệ cho biết: "
Bấy lâu nay chưa có thủ thư chỉ nhờ cậu nhà cho bà con mượn sách nên việc giới thiệu sách cũng như quản lý sách chưa được tốt lắm. Để thư viện hoạt động tốt hơn thời gian tới, tôi đang mở một không gian vườn và dời thư viện sách về đây để bà con mình có một nơi đọc sách yên tĩnh, thoáng mát và tiện cho mình vừa chăm sóc vườn vừa giới thiệu  những cuốn sách hay để cộng đồng mình cùng tìm hiểu".  

Những cuốn sách đặc biệt của thư viện sách Inrahani không chỉ là nơi để thư giãn, nơi tiếp cận tri thức mà còn giúp cộng đồng người Chăm ở Mỹ Nghiệp hướng về với cội nguồn văn hóa dân tộc. Thư viện sách Inrahani là nơi lưu giữ những cuốn sách quý hiếm cho cộng đồng Chăm và những người yêu sách tìm hiểu, nghiên cứu.

Tin liên quan

Phản hồi

Hoàng Thị Hồng Ngọc

Dạ em muốn tìm hiểu tư liệu về người Chăm dưới triều Nguyễn ạ

Các tin/bài khác