Tưng bừng Lễ hội Xuân tại các vùng miền trên cả nước

(VOV5)- Ngày 8/2 (tức 9/1 Âm lịch năm Giáp Ngọ), Lễ hội đền Huyền Trân diễn ra tưng bừng tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Lễ hội đền Huyền Trân được tổ chức hằng năm vào mùng 9 Tết để kỷ niệm ngày mất của Huyền Trân công chúa. Đây hoạt động thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc nhằm tri ân các bậc tiền nhân đã có công với dân, với nước trong việc mở mang bờ cõi nước Việt. (Huyền Trân công chúa sau khi kết hôn với vua Chế Mân (Chăm Pa) thì nước Đại Việt đã được vua Chế Mân tặng quà sính lễ là  2 châu Ô - Lý mà hiện nay là đất Thuận Hóa – Phú Xuân).        

 

Tưng bừng Lễ hội Xuân tại các vùng miền trên cả nước - ảnh 1
Kỵ sĩ Lê Văn Thu (áo đỏ) điều khiển ngựa số 4 về đích đầu tiên trong đợt thi chung kết đua ngựa gò Thì Thùng - Ảnh: Nguyễn Đình Quân/Báo Tiền Phong

Cũng trong ngày 8/2, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên tổ chức hội đua ngựa truyền thống gò Thì Thùng tại xã An Xuân, huyện Tuy An, thu hút gần 10.000 du khách. Năm nay là lần thứ 29 hội đua ngựa truyền thống gò Thì Thùng được tổ chức, với sự tham dự của 28 kỵ sĩ và kỵ mã đến từ các xã của huyện Tuy An.

 

Tưng bừng Lễ hội Xuân tại các vùng miền trên cả nước - ảnh 2
Hội đua thuyền truyền thống trên sông Lô - Ảnh: Báo Tuyên Quang

Cùng ngày, hàng nghìn người dân và du khách đã đổ về cổ vũ Hội đua thuyền trên dòng Sông Lô lịch sử do Ủy ban nhân dân thành phố Tuyên Quang tổ chức. Đây là lễ hội đua thuyền truyền thống được tổ chức hàng năm, thu hút đông đảo thanh niên tham gia và cổ vũ động viên nhân dân hăng hái lao động sản xuất, nâng cao tinh thần đoàn kết và rèn luyện sức khỏe.

 

Ngày 9/2, tại chân cầu Pá Uôn thuộc vùng hồ thủy điện Sơn La, đã diễn ra Lễ hội đua thuyền truyền thống của nhân dân các dân tộc vùng thượng nguồn sông Đà, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La. Lễ hội đua thuyền được tổ chức nhằm chọn ra những tay đua giỏi, rèn luyện sức khỏe cho người dân vùng sông nước. Đây cũng là dịp để nhân dân các dân tộc vùng thượng nguồn sông Đà nhớ về quá khứ và tự hào về văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình và cảm tạ thần sông, thần núi, cầu may mắn, bình an cho người dân bước vào một mùa vụ mới.

 

Cũng trong ngày 9/2, tại bản Đèo De, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, Lễ hội Lồng Tồng ATK Định Hóa Xuân Giáp Ngọ 2014, một trong những lễ hội Xuân truyền thống lớn nhất tỉnh Thái Nguyên, chính thức khai hội, thu hút đông đảo nhân dân các dân tộc trong vùng và du khách thập phương tham dự. Hội Lồng Tồng (hội xuống đồng) trong những ngày đầu xuân mới của đồng bào dân tộc Tày, từ lâu đã được coi như nơi quy tụ những sắc thái văn hóa đặc trưng của đồng bào vùng chiến khu xưa; đồng thời cũng là hoạt động tín ngưỡng cầu trời cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, vạn vật sinh sôi nảy nở, mùa màng bội thu, bản làng yên vui, no ấm./.

Phản hồi

Các tin/bài khác