Văn hóa trầu cau trong đời sống cư dân Nam bộ

(VOV5) -  Ở Việt Nam, tục ăn trầu được cho là có từ thời Hùng Vương và trở thành một phần văn hóa đặc trưng khi đi vào văn học dân gian thành truyện kể “Sự tích trầu cau”.


Mặc dù tục ăn trầu và văn hóa trầu cau có nguồn gốc từ thời Hùng Vương dựng nước và trải đều ở khắp các tỉnh, thành, nhưng  mỗi vùng miền đều có nét riêng biệt. Đối với người dân Nam bộ, phong tục ăn trầu về cơ bản có những điểm chung so với các vùng, miền khác nhưng cũng mang nét đặc sắc riêng, là nét đẹp văn hóa kết nối tình người.

Văn hóa trầu cau trong đời sống cư dân Nam bộ - ảnh 1
Một bình vôi tráng men xanh vào thế kỷ 18 (Ảnh: Ngọc Trinh)


Nghe âm thanh bài viết tại đây:






Theo các tài liệu nghiên cứu, ở Nam bộ vào đầu thế kỷ 20, tục ăn trầu phổ biến trong cả giới nam và nữ. Cách thức ăn trầu, mời trầu đã trở thành nét đẹp văn hóa đời thường của cư dân.

Theo Nhà nghiên cứu văn hóa Trương Ngọc Tường, tỉnh Tiền Giang, trầu cau đi vào đời sống văn hóa của người dân Nam bộ cùng với đó sinh ra rất nhiều nguyên tắc ứng xử, mang nhiều ý nghĩa. Những vật dụng phục vụ việc ăn trầu cũng tạo nên một chuyên ngành nghệ thuật chế tác với các tác phẩm mỹ nghệ mang phong cách văn hóa của từng thời đại. Chỉ riêng bình vôi cũng có loại dùng trong cung đình hay giới thượng lưu bằng ngọc, bằng đồng, bằng ngà voi, bằng sứ tráng men, có loại sản xuất từ Trung Quốc, từ Pháp. Có loại in hình, khắc chạm hoa văn, biểu tượng rất tinh xảo, cũng có loại của giới bình dân đơn sơ nhưng phong phú, mới lạ về mẫu mã. Khay đựng trầu cũng có loại bình thường sử dụng hàng ngày và loại cầu kỳ, lịch sự hơn gọi là khay lễ. Ông Trương Ngọc Tường cho biết: “Đám hỏi, đám cưới dùng trầu cau làm sính lễ thì rất cầu kỳ. Chùa cúng Phật cũng có trầu cau. Khay lễ thì người ăn trầu hay không ăn trầu cũng phải dùng cái đó hết. Nó có khay vuông gọi là khay trầu rượu, trong đó có 2 cái hộp, cái lớn là tượng trưng cho chồng, cái nhỏ tượng trưng cho vợ. Trong khay có 2 cái chung (tức là 2 cái chén) trong này cữ 2 cái tước (tức là cái ly cao lên có chân) là chia ly thì không được, đó gọi là khay lễ. Còn nếu là đám tang thì người ta cất bớt chỉ còn 1 cái hộp và một cái chung, mời chủ tang ăn miếng trầu, uống miếng rượu”.

Theo thời gian, cuộc sống đương đại với nhịp sống hối hả khiến tục ăn trầu dần mai một, nhưng văn hóa trầu cau vẫn tồn tại với người dân Việt trong rất nhiều sinh hoạt tâm linh cộng đồng. Đó là mâm trầu cau, lễ vật không thể thiếu trong sinh hoạt cưới hỏi, cũng là tấm lòng thơm thảo của con cháu cúng tổ tiên, ông bà dịp giỗ, tết, cúng đình. Hiện các địa phương vẫn còn nhiều người sống bằng nghề têm trầu phục vụ nghi lễ tâm linh. Bà Lý Thị Thảnh, 84 tuổi ở thành phố Cần Thơ là một trong những người sống bằng nghề têm trầu như thế. Mặc dù thu nhập không đáng kể nhưng bà luôn thấy hạnh phúc: “Cái đó để mình mần cúng trầu cho đẹp, đủ đuôi vầy nè đặng mình cúng chứ không phải làm tầm phèo được, mình cúng mà làm ẩu thì mình tội chứ. Bởi vậy nên làm kỹ lắm. Trầu bỏ trong cái hộp, mở cái hộp 4 miếng trầu ra rồi mình mới nói chuyện với đằng gái: nói chuyện gì, cho vàng hay cho hồi môn gì đó, tui cho dâu dây chuyền, nhẫn hay lắc gì đó”.

Nhiều tài liệu nghiên cứu của các bảo tàng văn hóa khẳng định tục ăn trầu vốn có từ xa xưa và tồn tại tới ngày nay trong nhiều cộng đồng dân cư ở khu vực châu Á như Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ. Ở Việt Nam, tục ăn trầu được cho là có từ thời Hùng Vương và trở thành một phần văn hóa đặc trưng khi đi vào văn học dân gian thành truyện kể “Sự tích trầu cau”. Trầu cau đã gắn với quan niệm và khát vọng nhân văn về lòng trung thủy, về tình cảm gia đình, ruột thịt và trở thành thói quen trong sinh hoạt mang tính cộng đồng “Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Ở khu vực Nam bộ, tục ăn trầu qua nhiều giai đoạn lịch sử góp vào văn hóa trầu cau cả nước những khác biệt mang nhiều ý nghĩa nhân văn. Cụ thể như cấu tạo bình vôi của người Khmer có loại hình tháp giống của người Ấn Độ. Việc sử dụng chất liệu tre, gỗ, đất nung và trang trí, kích cỡ bình vôi hay cách têm trầu cũng khác. Bà Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ cho biết hiện bảo tàng đã tập hợp bộ sưu tầm, nghiên cứu mang tên “Phong tục ăn trầu của người Việt” và thực hiện phối hợp giới thiệu ở các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long, bắt đầu  tại thành phố Cần Thơ, nhằm mang đến cho mọi người cái nhìn rõ nét nhất về văn hóa trầu cau Việt Nam giữa các vùng miền: “Theo nghiên cứu, chúng tôi biết rằng tục ăn trầu xuất phát từ vùng miền Tây Nam bộ. Chúng tôi hy vọng bộ sưu tập này sẽ được Bảo tàng phụ nữ Nam bộ lần lượt giới thiệu đến các tỉnh, thành. Với nhiệm vụ của mình thì sắp tới, Bảo tàng  Cần Thơ  sẽ phối hợp với các bảo tàng khác, chúng tôi sẽ nghiên cứu sâu hơn tục ăn trầu xuất phát từ đâu và qua nhiều thế kỷ, nhiều thập niên thì biến tấu của bình vôi, chìa ngoáy vôi nó đa dạng, phong phú như thế nào”.     

Theo thời gian dù tục ăn trầu có thể biến mất, nhưng văn hóa trầu cau thì vẫn tồn tại, gắn bó và thành một nét đẹp trong đời sống tâm linh của cộng đồng cư dân Nam bộ. Trong đó có rất nhiều tác phẩm nghệ thuật liên quan trở thành vốn cổ để kể cho giới trẻ hôm nay phần nối tiếp câu chuyện “Sự tích trầu cau” trong đời sống thực của cộng đồng Việt, mang bản sắc Việt Nam.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác