Việt Nam trên đường hội nhập và phát triển bền vững

(VOV5) - Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ IV với chủ đề “Việt Nam trên đường hội nhập và phát triển bền vững” vừa tổ chức cuối tháng 11 vừa qua đã tập trung thảo luận nhiều lĩnh vực liên quan đến hội nhập và phát triển bền vững như: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quan hệ quốc tế và an ninh khu vực… Sau đây là một số ý kiến của các giáo sư, các nhà khoa học của một số tiểu ban liên quan đến các lĩnh vực trọng tâm gắn liền với sự phát triển của đất nước.

Hội thảo Việt Nam học lần thứ tư vừa diễn ra là một diễn đàn khoa học lớn, tạo cơ hội cho các nhà Việt Nam học trên toàn thế giới trình bày những kết quả nghiên cứu của mình và giao lưu, trao đổi học thuật với các đồng nghiệp. Qua hội thảo, sự hiểu biết về Việt Nam trong cộng đồng quốc tế nâng lên, đồng thời cho ra đời nhiều ý tưởng về hội nhập và phát triển bền vững Việt Nam trong giai đoạn mới.

Trong chuyên đề “Lịch sử Việt Nam: truyền thống và hiện đại”, các đại biểu có đi sâu đến vấn đề nghiên cứu về di sản văn hóa và bảo tồn tôn tạo phát huy di sản văn hóa. Theo thống kê của Cục di sản văn hóa, ở Việt Nam có hơn 4 vạn di tích lịch sử văn hóa và danh thắng trong đó có hơn 3.000 di tích được xếp hạng di tích cấp quốc gia và 5.000 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Trong các di tích và danh thắng, có 7 di tích và danh thắng được UNESCO xếp hạng di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới. Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Nhật, trưởng tiểu ban 1 về “lịch sử Việt Nam”, việc nghiên cứu để giữ gìn và bảo tồn, tôn tạo và khai thác các di sản này là rất quan trọng: “Một số báo cáo đã đi sâu phân tích giá trị lịch sử  nghệ thuật qua các di chỉ khảo cổ Hoàng Thành Thăng Long, giá trị kiến trúc các lăng tẩm thời Nguyễn ở Huế, giá trị di tích Trường Lũy ở Quảng Ngãi; ý nghĩa lịch sử của các di tích cách mạng kháng chiến, phân tích các yếu tố môi trường và xác động tác động đến việc bảo vệ di sản và đề xuất các giải pháp phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa ở Việt Nam”.

Làm mới di sản là vấn đề được đưa ra bàn bạc sôi nổi trong hội nghị này, theo lời GS Oscar Salemink, Đại học Copenhagen (Đan Mạch): “Làm mới di sản là vấn đề đưa ra bàn bạc, nhiều ý kiến cho rằng, đó là cách sáng tạo làm mới hoặc là tái cấu trúc truyền thống để phù hợp với bối cảnh đương đại và cũng là cách kéo di sản lại gần với cuộc sống”.

Việt Nam trên đường hội nhập và phát triển bền vững - ảnh 1
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp các đại biểu dự hội thảo Việt Nam học


Trong quá trình hội nhập quốc tế, Việt Nam đang đối mặt với nhiều vấn đề. Thách thức lớn nhất là nguy cơ tụt hậu kinh tế so với các nước trong khu vực và thế giới. Nhiều nhà khoa học đã phân tích những yếu kém mà ngành doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt, trên cơ sở đó đưa ra một số gợi ý chính xác đối với Việt Nam. Tổng hợp những ý kiến này, PGS, TS Nguyễn Hồng Sơn, Viện kinh tế và chính trị thế giới, Viện Khoa học xã hội Việt Nam cho biết: “Để vượt qua các thách thức mà đất nước đang phải đối mặt, các báo cáo và thảo luận tại tiểu ban nêu tầm quan trọng và ổn định kinh tế vĩ mô và môi trường kinh doanh thuận lợi đối với doanh nghiệp. Tầm quan trọng và đầu tư hiệu quả kể cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài. Tầm quan trọng của sự đồng thuận xã hội, tầm quan trọng của sự sáng tạo, đổi mới cũng như quản lý hiện đại, văn hóa doanh nghiệp và nguồn nhân lực chất lượng cao. Đổi mới tư duy để phát triển kinh tế, đặc biêt là đổi mới tư duy về thể chế kinh tế. Đảm bảo tính hệ thống của quá trình tái cấu trúc nền kinh tế với ba cấu phần cơ bản: tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, tái cấu trúc đầu tư công, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, chuyển đổi mô hình theo hướng tăng trưởng xanh, sử dụng hiệu quả nguồn lực địa kinh tế và địa chính trị phát huy bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam”.

Các nhà nghiên cứu cũng thống nhất phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội là những yêu cầu bức thiết đối với mọi quốc gia, dân tộc nhất là đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Việt Nam cần thường xuyên quan tâm tới nhiều khía cạnh xã hội của sự phát triển, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa xã hội và bảo vệ môi trường.

Qua hội thảo lần này, GS, TS Mai Trọng Nhuận, Giám đốc Đại học quốc gia HN, đồng Trưởng ban Ban Chỉ đạo Hội thảo Việt Nam học đưa ra ý kiến: “Các nhà khoa học cần nghiên cứu các vấn đề như nâng cao chất lượng và tính ứng dụng của nghiên cứu cả liên ngành lẫn chuyên sâu về Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, lịch sử, văn hóa, y tế, tài nguyên môi trường, ứng dụng công nghệ cao nhằm góp phần giải quyết hiệu quả các bài toán đang đặt ra cho Việt Nam trên con đường hội nhập quốc tế và phát triển bền vững”.

Hội thảo đã đánh dấu một bước phát triển quan trọng về ngành Việt Nam học trên toàn thế giới. GS Mai Trọng Nhuận cũng kỳ vọng ngành Việt Nam học phải là nhịp cầu giao lưu học thuật và văn hóa đáng tin cậy của Việt Nam với thế giới, tiếp tục đưa ngành Việt Nam học phát triển lên một tầm cao mới,  đặc biệt là ở các nước khác để mở rộng hợp tác, giao lưu toàn diện giữa Việt Nam  với các nước./.

 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác