Bảo tồn bản sắc nghệ thuật múa Rô-băm Khmer

(VOV5) - Múa Rô-băm được xem loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống lâu đời của đồng bào dân tộc Khmer. Với mong muốn bảo tồn, phát triển loại hình nghệ thuật độc đáo này, thời gian qua, Đoàn múa Rô-băm BaSắc Bưng Chông ở ấp Bưng Chông, xã Tài Văn, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, đi nhiều nơi, tuyển chọn các em thiếu nhi nhằm truyền lại tinh hoa của điệu múa này. 

Bảo tồn bản sắc nghệ thuật múa Rô-băm Khmer - ảnh 1


Nghe nội dung chi tiết tại đây:



Trong các loại hình nghệ thuật của người Khmer xưa, Rô băm là loại kịch múa được cho là đã đạt đến một trình độ nghệ thuật rực rỡ. Rô băm còn gọi “Rom Rô băm” là loại kịch múa cổ điển sân khấu cung đình của người Khmer xưa. Điệu Rô băm được các nghệ sĩ múa chuyên nghiệp biểu diễn những động tác và tư thế của đôi bàn tay, trong tư thế phối hợp nhịp nhàng, uyển chuyển, uốn cong của toàn thân. Trong vở diễn Rô băm thường có hai tuyến nhân vật vua, hoàng tử, công chúa… không mang mặt nạ. Và ngược lại những nhân vật mang mặt nạ gồm nhiều loại, nhưng nổi bật nhất là vai chằn – Yeak- đại diện cho phái ác.

Ở tỉnh Sóc Trăng, nghệ thuật mùa Rô băm vẫn được nhiều nghệ sỹ, diễn viên lưu giữ, trong đó có Đoàn Rô-băm Basắc Bưng Chông. Ra đời cách đây hơn 200 năm, Đoàn Basắc Bưng Chông là một trong những đoàn múa Rô băm đầu tiên của Sóc Trăng. Lễ mừng công ghe Ngo của Chùa Đay Om Pou (ấp Phú Giao, xã Thạnh Quới, huyện Mỹ Xuyên) diễn ra đầu năm nay, Đoàn nghệ thuật Rô-băm Basắc Bưng Chông với lớp diễn viên mới đã có buổi biểu diễn ra mắt. Đây được xem là tín hiệu đáng mừng vì sự diễn xuất của lớp diễn viên mới này đã nhận được sự ủng hộ của công chúng, để khẳng định cho sự tiếp tục và không thất truyền của Rô Băm còn lại duy nhất trên mảnh đất Sóc Trăng.

Chị Lâm Thị Hương, Trưởng đoàn kịch múa Rô băm Basắc Bưng Chông, cho biết: do ảnh hưởng của nhịp sống hiện đại, giới trẻ không còn mặn mà với loại hình Rô băm như cha ông ngày trước. Để có được lớp diễn viên trẻ kế cận, chị Hương và các thành viên trong đoàn cùng chính quyền địa phương đã vận động các gia đình cho con em tham gia đoàn để truyền dạy. Chị Hương chia sẻ ở tuổi 11, 12 của các em là dễ dạy nhất, còn nếu lớn hơn thì sẽ rất khó tập. Điều đáng mừng là những em này đều rất yêu thích múa Rô-băm. Em Thạch Thị Chanh Tha, một trong những em được đào tạo múa, chia sẻ: "
Em đã thích Rô Băm từ khi còn nhỏ. Vì vậy, em xin ba mẹ và tranh thủ đến luyện tập sau mỗi giờ tan học".

Đoàn nghệ thuật múa Rô-băm Basắc Bưng Chông có từ 20 đến 25 người, hằng năm, đi biểu diễn ở khắp phum sóc, các chùa Khmer và rất được bà con say mê. Bởi theo quan niệm của bà con, Rô-băm múa đến đâu thì sẽ mang lại sự sung túc đến đó. Chị Hương cho biết: "
Đoàn Rô-băm của tôi trải qua nhiều thế hệ rồi, từ ông cố nội, đến ông nội tôi rồi ba mẹ tôi. Đoàn thành lập lâu lắm rồi. Trước đây, sau khi tập luyện và sắm đầy đủ trang phục múa là đoàn bắt đầu đi diễn, chủ yếu là đi bộ đi diễn. Bà con thấy là bà con thuê mình múa phục vụ, vì Rô-băm diễn ở đâu là vui đến đó".

Từ năm 13 tuổi, chị Hương đã là diễn chính của các vở diễn. Múa đẹp lại có giọng hát hay nên rất được bà con yêu quý. Chị Hương được Sở văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh mời đến để tập huấn cho đoàn nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng về múa Rô-băm. Năm 2007, chị cùng với 3 thành viên trong đoàn đại diện Việt Nam đi tham dự Chương trình văn hóa “Mê Kông dòng sông kết nối các nền văn hóa” tại Hoa Kỳ. Hiện nay, trong đời sống sinh hoạt, lễ hội của đồng bào Khmer, các điệu múa Rô-băm đã quay trở lại. Đó cũng là động lực để chị Hương và các thành viên trong đoàn quyết tâm giữ gìn điệu múa Rô băm cho thế hệ mai sau. Chị Hương cho biết: "Ông bà, ba mẹ là người thành lập, còn mình sinh ra thì đã ở trong đoàn múa, cố gắng giữ không để mất. Tôi rất mong được Nhà nước hỗ trợ, khi đó tôi sẽ xây dựng đoàn múa và phát triển hơn nghệ thuật múa Rô-băm".

Anh Sơn Đel, thành viên của Đoàn nghệ thuật múa Rô-băm Basắc Bưng Chông, cho biết anh sẽ quyết tâm bảo tồn loại hình nghệ thuật này. "
Rô-băm có từ thời ông cha, vì vậy mình cứ cố gắng giữ gìn, để bà con mình cần diễn phục vụ thì mình đi diễn chứ tiền bạc thì không được bao nhiêu cả. Quan trọng là mình bảo tồn được loại hình nghệ thuật truyền thống Khmer, nếu không đi đâu diễn thì mình diễn vào các dịp lễ Dâng Y cũng được"

Nghệ thuật múa Rô băm là nét văn hóa đặc sắc của dân tộc, là niềm tự hào của đồng bào Khmer nói riêng và Việt Nam nói chung. Thời gian qua, các điệu múa Rô băm đã quay lại trên những cánh đồng sau thu hoạch, hay trong các lễ hội truyền thống của người Khmer Nam bộ. Giờ đây điệu múa Rô băm đang được bảo tồn và phổ biến, góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống độc đáo của người Khmer Nam Bộ./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác