Khám phá chùa Long Trường, tỉnh Trà Vinh

(VOV5) - Chùa Long Trường thường xuyên được chọn là nơii tổ chức các các lễ hội hàng năm của đồng bào Khmer.

Chùa Long Trường (còn gọi là chùa Phnô Ompung), tọa lạc tại ấp Long Trường, xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Đây là một trong những ngôi chùa tiêu biểu nhất ở xã Tân Hiệp và cũng là Di tích lịch sử Cách mạng.

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 
 Chùa Long Trường xây dựng năm 1868 trên một khuôn viên khá nhỏ. Đến năm 1928 gia đình ông Thạch Saray và bà Thạch Thị Em dâng đất hiến cho chùa vườn đất 25.000 m2 và bằng sự góp sức, góp tiền của đồng bào địa phương, chùa được mở rộng như ngày nay. Chùa trải qua nhiều lần trùng tu sửa chữa, lần trùng tu chánh điện gần đây nhất là năm 2005.
Khám phá chùa Long Trường, tỉnh Trà Vinh - ảnh 1Cổng chùa Long Trường. Ảnh: Ngọc Anh/ VOV5

Cũng giống như các chùa Khmer khác, chùa Long Trường gồm các hạng mục, công trình kiến trúc như: cổng, tường rào, chính điện, cột cờ, sala (nhà hội), tăng xá, tháp tưởng niệm… Trong đó, nổi bật và quan trọng nhất là ngôi chính điện được xây dựng ở trung tâm của ngôi chùa. Tổng thể ngôi chùa được quy vào một tam giác cân như một quy ước có tính tượng trưng triết học. Kiến trúc truyền thống vẫn là cốt yếu mang tinh thần Khmer và triết lý Phật giáo đậm nét.

Đại đức Thạch Sa Vane, trụ trì chùa Long Trường, cho biết: "Hòa thượng xây dựng chùa ban đầu là hòa thượng Thạch Prum. Ngài cố gắng xây dựng một ngôi chùa, tạo điều kiện cho bà con địa phương sinh hoạt tôn giáo. Đối với chùa Khmer quan trọng là chính điện, bởi chính điện cũng để cho tăng sinh làm các lễ như lễ dâng y và các lễ khác. Chính điện chùa có Tượng Phật nhập cõi niết bàn dài 19 m, xung quanh là các vị A la hán là đệ tử của Đức Thái Tôn, có 80 vị. Phía trên cũng có hình tượng Phật thành đạo và Phật đản sinh. Nhà chùa giảng kinh ở Trai Đường vào các ngày 8, 15, 23 và 30 hàng tháng. Phật tử thường xuyên đến trai đường để cúng cơm cho chư tăng, tụng kinh, cầu siêu, hồi hướng, phước báo đến hương linh, thân bằng quen thuộc, cha mẹ đã khuất."

Khám phá chùa Long Trường, tỉnh Trà Vinh - ảnh 2Một công trình kiến trúc ở Chùa Long Trường. Ảnh: Ngọc Anh/ VOV5

Chùa Phnô Ompung không chỉ đơn thuần là trung tâm sinh hoạt tôn giáo, văn hóa, giáo dục của cộng đồng dân tộc Khmer tại phum sóc mà trước đây thời chiến tranh, nơi đây còn là một trong những mũi nhọn cho các phong trào đấu tranh của đồng bào Khmer chống lại sự đàn áp của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ.

Chùa cũng là cái nôi nuôi dưỡng và sản sinh ra những chiến sĩ cách mạng bất khuất, kiên cường. Nhiều cán bộ cách mạng được nhà chùa nuôi dưỡng, bảo vệ an toàn và sau này đảm nhận trọng trách trong các cơ quan của Nhà nước, tiêu biểu là: liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Thạch Ngọc Biên; ông Thạch Minh Mẫn, nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Trà Vinh; ông Sơn Tho, nguyên Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Cửu Long. Riêng Đại đức Thạch Sa Vane, hiện là sư cả của chùa (sư trụ trì chùa) có đóng góp to lớn trong công tác xã hội tại địa phương được Nhà nước tặng nhiều bằng khen.

Ông Sơn Nhan, thành viên Ban quản trị chùa Long Trường, kể: "Sư cả vận động mạnh thường quân đóng góp, giúp đỡ bà con khó khăn, hộ neo đơn không có nơi nương tựa. Sư cả truyền đạt chính sách của Nhà nước, chủ trương của tỉnh, huyện về an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, công tác tôn giáo. Hàng năm chùa giúp đỡ người nghèo người có hoàn cảnh khó khăn. Riêng sư cả vận động xây nhà cho người nghèo. Mỗi năm sư cả xây được từ 40 đến 50 căn nhà cho người nghèo, mỗi căn khoảng 50 triệu đồng. Việc này đã làm được 10 năm rồi. Dân rất phấn khởi, có nhà ở kiên cố rất mừng."

Khám phá chùa Long Trường, tỉnh Trà Vinh - ảnh 3Tượng Phật nằm ở chùa Long Trường. Ảnh: Ngọc Anh/ VOV5

Chùa Long Trường là nơi thực hiện những lễ nghi tôn giáo, cầu cúng tâm linh, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của đồng bào Khmer. Chùa Long Trường thường xuyên được chọn là nơii tổ chức các các lễ hội hàng năm của đồng bào Khmer, như Jol Jhnam Thmey (Năm mớii), Bun Phchum Bind hay Send Dolta (Lễ cúng ông bà), Ok Ombok (Lễ cúng trăng), Kathina (dâng y),...

Một người dân ở tỉnh Trà Vinh đi lễ chùa Long Trường cho biết: "Vào các ngày 1, 8, 15, 30 hàng tháng phật tử, người dân đến chùa Long Trường rất đông. Họ đến cúng bái, xin lễ, cầu mong con cháu mạnh khỏe, làm ăn phát đạt."

Là điểm đến hấp dẫn với du khách mỗi khi đến tỉnh Trà Vinh, Chùa Long Trường cũng là địa chỉ Đỏ giáo dục truyền thống Cách mạng dân tộc. Với những giá trị văn hóa, kiến trúc, lịch sử đã có, Chùa Long Trường được tỉnh Trà Vinh công nhận là di tích cấp tỉnh ngày 15 tháng 3 năm 2016.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác