Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma - “địa chỉ đỏ” giáo dục chủ quyền biển đảo

(VOV5) -  Nơi đây là không gian bảo quản, lưu giữ những hiện vật lịch sử về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các chiến sĩ Gạc Ma trong sự kiện ngày 14/3/1988. 

Khu tưởng niệm chiến sỹ Gạc Ma là công trình lịch sử tâm linh, kết tinh của lòng yêu nước và tinh thần dân tộc, được xây dựng để tưởng nhớ sự hy sinh cao cả của các thế hệ cha anh đã ngã xuống trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Nơi đây là điểm đến đầy xúc động và khó quên trong lòng du khách, trên hành trình đến với vùng đất huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 
Khu tưởng niệm chiến sỹ Gạc Ma được xây dựng trên khu đất rộng hơn 25.000m2, ở phía Đông Đại lộ Nguyễn Tất Thành, thuộc xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Khu tưởng niệm bao gồm nhiều hạng mục: Phần tượng đài, Khu Bảo tàng ngầm, Mộ gió, Quảng trường Hòa bình, khuôn viên cây xanh.
Nơi đây để lại nhiều xúc động cho du khách, không chỉ bởi cảnh quan tươi đẹp, không gian rộng lớn, xanh mát hướng ra biển cả mênh mông, mà còn bởi đã gợi lại khúc bi tráng tự hào về 64 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh ngày 14/3/1988, tại đá Gạc Ma, quần đảo Trường Sa, để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.    
Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma - “địa chỉ đỏ” giáo dục chủ quyền biển đảo - ảnh 1Toàn cảnh Khu tưởng niệm.  Ảnh: Báo Khánh Hòa

Công trình trung tâm của Khu tưởng niệm là Tượng đài chiến sĩ Gạc Ma, sừng sững, hiên ngang cùng lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nền trời xanh thẫm. Tượng đài có tên “Những người nằm lại phía chân trời” khắc họa hình ảnh 64 người con quả cảm của Tổ quốc, trong giây phút cuối cùng, vẫn giữ chặt lá cờ Tổ quốc trên tay để đánh dấu chủ quyền trên đá Gạc Ma. Trước lúc hy sinh, các anh đứng thành vòng tròn, bất chấp mũi lê, làn đạn của kẻ thù, quyết tâm bảo vệ lá cờ Tổ quốc giữa mênh mông sóng nước Trường Sa. Sự hy sinh kiên cường của 64 chiến sĩ ấy mãi là bản hùng ca bất tử, thắp lên ngọn lửa yêu nước, tình yêu biển đảo thiêng liêng cho các thế hệ hôm nay.

Từ Tượng đài chiến sỹ Gạc Ma nhìn xuống Khu bảo tàng ngầm là biểu tượng Vòng tròn bất tử thiêng liêng. 64 đóa hoa tượng trưng cho 64 người con bất tử cùng ôm lấy lá cờ đỏ và ngôi sao vàng năm cánh nổi trên mặt nước.

Ông Trịnh Xuân Đào, cựu binh từng tham gia bảo vệ chủ quyền tại quần đảo Trường Sa vào năm 1988, nhớ lại: "Tôi thấy rất xúc động vì những hình ảnh này gợi nhớ thời tôi đã tham gia bảo vệ Trường Sa. Cụm tượng đài trung tâm toát lên quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Cụm các chiến sỹ bảo vệ lá cờ Tổ quốc toát lên sự bi tráng khi chiến đấu bảo vệ chủ quyền. Những hình ảnh này đã đi vào lịch sử."

Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma - “địa chỉ đỏ” giáo dục chủ quyền biển đảo - ảnh 2Tượng đài các chiến sĩ Gạc Ma. Ảnh: VNE

Khu Bảo tàng ngầm được xây dựng dưới mặt đất, bên cạnh Vòng tròn bất tử. Nơi đây là không gian bảo quản, lưu giữ những hiện vật lịch sử về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các chiến sĩ Gạc Ma trong sự kiện ngày 14/3/1988. Bên trên Bảo tảng ngầm là Mộ gió, khu vực tâm linh nhất của Khu tưởng niệm Gạc Ma.

Mộ không có hài cốt, chỉ nhờ gió đưa hương hồn các anh hội tụ về đây nên được gọi là Mộ gió. Trước mộ đặt Bia tưởng niệm, ghi danh 64 liệt sĩ hi sinh tại đá Gạc Ma. Những dòng tên được khắc trên Bia tưởng niệm thấp thoáng bên những cành hoa sứ trắng muốt, sum xuê. Mỗi khi gió thổi, tiếng sóng biển rì rào hòa lẫn cùng hương hoa sứ phảng phất càng làm tăng thêm không khí xúc động, linh thiêng.

 Bà Đỗ Thị Hà, vợ liệt sỹ Đinh Ngọc Doanh, hy sinh trong trận chiến Gạc Ma 35 năm trước, cho biết: "Tôi thường tới đây để thắp hương cho chồng, trong lòng cũng rất nghẹn ngào, xúc động. Từ khi có khu tưởng niệm ở đây, tới ngày Lễ, giỗ, Tết, tôi hay tới thắp hương để vơi bớt nỗi nhớ trong lòng."

Trong khuôn viên Khu tưởng niệm chiến sỹ Gạc Ma còn có Quảng trường Hòa bình. Đây là khoảng không gian khoáng đạt, nổi bật với hình ảnh chim bồ câu tung cánh bay về hướng biển. Không gian này truyền đi thông điệp về khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam nhìn từ sự hy sinh bất tử bảo vệ chủ quyền biển đảo của các chiến sỹ Gạc Ma. Khi cuộc thi thiết kế kiến trúc công trình Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma được phát động, dù là cuộc thi không có giải thưởng, nhưng Ban tổ chức đã nhận được hàng trăm mẫu thiết kế. Có người sửa đi, sửa lại bản thiết kế đến hơn 700 lần, lại có người xin tình nguyện ra Trường Sa để tìm cảm hứng. Đã có hàng trăm trái tim, hàng trăm khối óc tự nguyện dốc hết tâm huyết dành cho Khu tưởng niệm chiến sỹ Gạc Ma.

Vì vậy, Khu tưởng niệm chiến sỹ Gạc Ma là công trình mang tính biểu tượng cao, có sức biểu cảm tâm linh và gây xúc động mạnh. Vẻ đẹp của công trình dường như chạm đến trái tim của tất cả những người đến đây.Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch thường trực Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Khu tưởng niệm này sẽ tiếp tục được tôn tạo để muôn đời con cháu mai sau biết đến chủ quyền biển đảo quốc gia: "Ngoài những công trình hiện hữu lớn đã có như vòng tròn bất tử, tượng đài, chúng tôi còn mong muốn sẽ tạo nên một quần đảo Trường Sa thu nhỏ ở khu vực này. Để nhân dân Việt Nam, những người không có điều kiện đi thăm Trường Sa, khi đến khu vực này, họ sẽ hình dung một cách đầy đủ về toàn thể khu vực quần đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc."

Khu tưởng niệm chiến sỹ Gạc Ma giờ đây đã xanh màu cỏ cây, hoa lá. Chim đã hót líu lo trên những cây phong ba, cây bàng vuông được đưa từ đảo về trồng. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Khu tưởng niệm chiến sỹ Gạc Ma đã đón hàng trăm đoàn người tham quan và hàng triệu lượt khách đến viếng. Nơi đây đã trở thành một địa chỉ hiện hữu để tưởng nhớ các chiến sỹ hy sinh tại đá Gạc Ma, đồng thời là địa chỉ đỏ để khơi dậy niềm tự hào dân tộc và  bồi đắp, giáo dục lòng yêu nước và tình yêu biển đảo cho các thế hệ người Việt hôm nay.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác