Làng tranh Đông Hồ - Nơi gửi hồn dân tộc trên giấy điệp

(VOV5) - Nằm bên bờ Nam sông Đuống, cách Hà Nội khoảng 35km, làng tranh Đông Hồ thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Đây được coi là cái nôi của dòng tranh khắc gỗ và in trên loại giấy điệp được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến và sưu tầm. 

Làng tranh Đông Hồ - Nơi gửi hồn dân tộc trên giấy điệp - ảnh 1

Nghe nội dung chi tiết tại đây:



Đông Hồ hay còn gọi là làng Mái, là một làng nhỏ với hơn 200 hộ dân, sinh sống chủ yếu bằng nghề làm tranh. Ca dao của người Kinh Bắc xưa có câu: “Hỡi cô thắt lưng bao xanh; Có về làng Mái với anh thì về; Làng Mái có lịch có lề; Có sông tắm mát có nghề làm tranh”,  khắc họa thật sinh động về nét đẹp bình dị của làng tranh Đông Hồ cùng những nét thuần phong mỹ tục được người dân Đông Hồ.

Làng tranh Đông Hồ - Nơi gửi hồn dân tộc trên giấy điệp - ảnh 2

Người dân Đông Hồ sản xuất tranh bằng phương pháp thủ công từ việc làm giấy đến các bản khắc từ thế kỷ 16 và đến nay vẫn giữ lại truyền thống này. Giai đoạn từ nửa cuối thế kỷ 18 đến năm 1944 là thời cực thịnh của làng tranh, với 17 dòng họ trong làng đều tham gia làm tranh. Làng Đông Hồ có chợ tranh tấp nập vào dịp tháng Chạp (tháng 12 Âm lịch) với năm phiên chợ vào các ngày 6, 11, 16, 21, 26. Vì thế những người con làng Hồ đi đâu cũng nhớ đến câu ca dao:“Dù ai buôn bán trăm nghề. Nhớ đến tháng Chạp thì về buôn tranh”.

Đến thăm nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam, năm nay hơn 80 tuổi, ngôi nhà của ông đã trở thành nơi trưng bày hàng ngàn bức tranh Đông Hồ cùng những bản khắc hàng trăm năm tuổi. Ngoài ra, để du khách tìm hiểu về các công đoạn làm tranh, ông Sam còn cho xây dựng một không gian miêu tả cách làm tranh Đông Hồ, từ làm màu, phơi giấy, in tranh… Ông Nguyễn Hữu Sam cho biết: “Tranh Đông Hồ ngày xưa được cha ông chơi trong dịp Tết vì nhà cửa đón Xuân sẽ đẹp và có không khí đón Tết hơn nếu có tranh Đông Hồ. Người xưa có câu: Bánh chưng xanh, thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ và nếu ngày Tết thiếu đi bức tranh làng Hồ thì ngôi nhà cũng trống trải”.

Làng tranh Đông Hồ - Nơi gửi hồn dân tộc trên giấy điệp - ảnh 3
Nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam

Tranh Đông Hồ được in trên giấy Dó, một loại giấy được làm thủ công từ nguyên liệu là cây Dó mọc trên rừng . Cây Dó đem về cho vào cối giã nhỏ, rây thành bột mịn, sau đó dùng bột này chế biến thành giấy Dó. Do trên nền giấy thường được quét bằng một lớp hồ hoặc nhựa thông có pha loại bột từ vỏ sò Điệp giã nhỏ tạo màu sáng lấp lánh nên còn được gọi là giấy Điệp. Bà Nguyễn Thị Oanh, năm nay hơn 60 tuổi nhưng đã 50 năm làm tranh, cho biết: tranh Đông Hồ thường chỉ có 4 -5 màu chính: đen, xanh, chàm, đỏ, vàng và được lấy từ các nguyên liệu tự nhiên chứ không phải màu hóa chất vì vậy những sắc màu vừa tươi vừa có độ bền màu cao. Theo bà Oanh: “Màu đỏ là những hòn son hay bột gạch ở trên núi dã nhỏ ra. Màu đen ngày xưa được làm bằng lá tre đốt lên, bây giờ thì lấy rơm nếp đốt cháy sau đó lấy tro quấy với hồ keo để làm nên màu. Màu vàng thì nấu cây hoa hòe ra để lấy nước và cô lại với hồ keo. Màu xanh thì lấy từ những cây thân mềm. Chất liệu màu từ tự nhiên như từ hoa lá cỏ cây…”.

Tranh Đông Hồ có đến 180 chủ đề, đề tài được phân thành 5 loại chủ đề: tranh thờ, tranh lịch sử, tranh chúc tụng, tranh sinh hoạt và tranh bộ theo tích truyện. Đề tài của tranh được lấy từ chính đời sống, sinh hoạt sản xuất của người nông dân hay xuất phát từ triết lý phồn thực nhưng bình dị và gần gũi với sinh hoạt đời thường. Nội dung của tranh có thể là những nhân vật trong truyền thuyết, những cảnh đẹp của đất nước, đến những bức tranh với mong muốn cuộc sống hạnh phúc, ấm no, mùa màng bội thu, chăn nuôi hiệu quả: Ông Nguyễn Hữu Sam cho biết: “Tranh Đông hồ có ý nghĩa chúc tụng, phản ánh đời thường như: chăn nuôi gà lợn tốt, điều mà người nông dân mong đợi. Có thể là những tranh như:”tiến tài tiến lộc, phú quí vinh hoa”… 

Làng tranh Đông Hồ - Nơi gửi hồn dân tộc trên giấy điệp - ảnh 4
Bản khắc gỗ và tranh in

Tranh làng Ðông Hồ được tạo từ các bản khắc để in vì thế một bức tranh đẹp thì người vẽ bản mẫu và người khắc lên bản khắc phải đạt đến độ tinh xảo. Một bản khắc gỗ để tạo nét chính, cho ra khung hình chính của bức tranh và bức tranh đó có bao nhiêu màu thì có bấy nhiêu bản màu. Công đoạn in tranh cũng đòi hỏi người thợ phải chính xác và dùng đúng bản in cũng như màu sắc của bản vẻ. Chính vì thế, những bản khắc này được các gia đình gìn giữ hàng trăm năm qua như những báu vật. Bà Nguyễn Thị Oanh cho biết: “Bản khắc để in tranh Đồng Hồ được làm bằng gỗ cây Thị, vì thế khó hư hỏng, mối mọt. Gia đình tôi có những bản khắc từ xa xưa của làng Đông Hồ. Trước năm 1945, cả làng Đông Hồ đều làm tranh nhưng sau đó do không mang lại hiệu quả nên chuyển đổi sang nghề khác và các hộ đưa lên Hợp Tác Xã Đông Hồ để cho những ai làm tranh thì dùng. Từ đó, bố tôi giữ lưu giữ, giữ gìn các bản khắc đến tận bây giờ. Bây giờ gia đình tôi có khoảng 60 loại tranh cổ và tranh mới thời sau có khoảng hơn 60 loại”. 

Tranh làng Hồ đã được nhiều du khách trong nước, ngoài nước và kiều bào coi như đặc sản của xứ Kinh Bắc và mỗi lần đến đây đều tìm hiểu, chọn mua. Với việc tỉnh Bắc Ninh xây dựng hồ sơ đề cử công nhận di sản văn hóa thế giới cho nghề tranh Đông Hồ lên Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO), tranh Đông Hồ sẽ được thế giới biết đến nhiều hơn để hồn dân tộc giữ mãi nét tươi trong và sáng bừng trên giấy Điệp, giấy Dó./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác