Mái ấm nơi cửa Phật của những đứa trẻ lạc mẹ

Là nơi cửa Phật, nhưng chùa Linh Ứng (thị trấn Thịnh Long, Hải Hậu, Nam Định) không lúc nào ngớt tiếng cười đùa trong trẻo, tiếng tập nói, tiếng khóc của những đứa trẻ đang sống cùng "người mẹ" bất đắc dĩ - sư thầy Thích Đàm Bích.

“Cuộc đời con người luôn tuân theo luật nhân quả, khi mất đi sẽ trở về với cát bụi, chỉ còn tấm lòng thiện nguyên là còn mãi với đời”, sư thầy Thích Đàm Bích - trụ trì chùa Linh Ứng tâm niệm. Nhờ vậy mà hiện nay hàng chục mảnh đời cơ nhỡ, bất hạnh đã có chốn lui về.

Mái ấm nơi cửa Phật của những đứa trẻ lạc mẹ - ảnh 1
Sư Bích chăm sóc giấc ngủ cho từng em bé được cưu mang trong chùa. Ảnh: Hải Triều.


Sinh năm 1955, thầy Bích mồ côi cha mẹ từ sớm, rồi lưu lạc tới ngôi chùa này và xuất gia từ năm 13 tuổi.

25 năm về trước, trong một đêm rét mướt khi đang ngồi niệm phật bỗng sư thầy nghe thấy tiếng khóc vang vọng từ ngoài cổng chùa. Đoán có điều chẳng lành, sư thầy ra cổng và thấy có một cậu bé mới lọt lòng được quấn tạm trong chiếc tã mỏng đang nằm khóc. Bế đứa bé vào trong sưởi ấm, thầy phát hiện dòng chữ nghuệch ngoạc “nhờ thầy cưu mang cháu”.

Ròng rã nhiều tháng trời sư thầy tìm bố mẹ cho bé nhưng không có kết quả, từ đó cậu bé ở lại chùa với cái tên Phạm Văn Tiến. Dưới bàn tay chăm sóc của các sư mẫu, đứa trẻ dần lớn lên. Hơn 20 năm sau đứa bé đó đã có trong tay tấm bằng đại học. Mỗi khi có thời gian rảnh rỗi là anh lại trở về chùa thăm và phụ giúp các sư chăm lo cho đàn em cùng cảnh ngộ.

Mới đây nhất, một buổi trưa hè năm 2010, khi cả ngôi chùa đang im ắng trong giấc ngủ, đột nhiên có tiếng chuông điện thoại gọi thầy Bích: “Nhà sư nhanh ra cổng mà nhận quà, nếu không sẽ có người đến lấy mất!”. Nghe vậy thầy Bích cùng mọi người vội vã chạy ra thì thấy một bé trai đang quằn quại với dây rốn còn chưa cắt. Ngay lúc đó các sư mẫu đã phải vất vả đưa bé tới bệnh viện huyện để các bác sĩ chăm sóc. Những ngày sau đó, cháu bé thường đau ốm liên miên, các sư phải cắt cử nhau đưa cháu đi thăm khám tận trên Hà Nội. Đến nay cậu bé đó - mang tên Lê Công Thành - đã hơn một tuổi, miệng bi bô tập nói và lẫm chẫm tập đi trên sân chùa.

Cứ như thế hơn 20 năm qua, đã có biết bao cái tên mang họ của sư Bích vẫn đang sống và vui đùa trong “ngôi nhà hạnh phúc” giữa chốn cửa Phật, mỗi cái tên lại gắn với "sự tích" của mỗi em.

Người tu hành vốn đã vất vả, nay lại phải cưu mang thêm hàng chục con người, khiến cuộc sống càng trở nên khó khăn hơn. Hàng ngày các sư trong chùa vẫn động viên nhau có rau ăn rau, có cháo ăn cháo nhưng vẫn phải lo đủ bữa cho các em. “Mình đi tu đã đành chẳng lẽ các em nhỏ lại phải tu như mình, phải để các em thi thoảng được miếng thịt, con cá chứ”, sư Bích bộc bạch.

Ngày ngày các sư thầy trong chùa vẫn làm hương cấy lúa, trồng lạc, cây xanh… để có chi phí sinh hoạt.


Mái ấm nơi cửa Phật của những đứa trẻ lạc mẹ - ảnh 2
Sư thầy Bích bế chú bé Lê Công Thành, bên mái nhà tình nghĩa mà chùa xây cho những người già, em nhỏ cơ nhỡ ở. Ảnh: Hải Triều.

Nhìn thấy lợi ích của việc học, sư thầy mạnh dạn đề nghị được mở lớp dạy tình thương cho các em nhỏ ngay trong chùa và đã được chính quyền địa phương đồng ý vào năm 2006. Có cả thầy giáo tiếng Anh được mời về dạy cho các em.

Các em từ 4 tuổi được cho đi học mẫu giáo rồi lên tiểu học, trung học, đại học… Vất vả là thế nhưng đến nay có không ít các em đã tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại khá giỏi như Phạm Văn Tiến tốt nghiệp ngành du lịch, em Trần Thị Hường học ngành Tài nguyên môi trường… và hàng chục em khác đang theo học ở các trường đại học, cao đẳng.

Hiểu rõ nỗi vất vả của thầy Bích, nên các em đều tự bảo ban nhau học hành, anh đi trước thì bảo em đi, nối tiếp truyền thống hiếu học trong ngôi chùa này từ nhiều năm nay.

Ngoài những mảnh đời bé nhỏ bất hạnh, chùa Linh Ứng còn là nơi trú chân của những người già neo đơn. Tổng cộng hơn 25 năm qua thầy Thích Đàm Bích đã cưu mang hơn 120 con người, mang lại mái nhà bình yên cho hàng chục cụ già bất hạnh.

“Tôi vào chùa sống đã được hơn 20 năm nay rồi nhưng chưa gặp một ai tốt như sư thầy Bích cả. Hàng ngày bận rộn như vậy nhưng thầy vẫn ân cần thăm hỏi chúng tôi. Chưa khi nào thấy thầy to tiếng quát mắng ai cả, có lẽ cả đời này tôi mãi biết ơn thầy vì thầy chính là cha mẹ sinh ra tôi lần thứ 2”, cụ Trần Thị Dung (70 tuổi) rớm nước mắt tâm sự.

Chiều đến, ngôi chùa Linh Ứng lại rộn rã tiếng cười nói của các em gọi nhau đi ăn cơm, tiếng bi bô tập nói của các em nhỏ, tiếng xoong chảo lịch kịch phía nhà ăn… khác hẳn với những ngôi chùa khác. Tất cả tạo nên một khung cảnh của một mái ấm tình thương hơn là một ngôi chùa.

Hải Triều/vnepress

Phản hồi

Các tin/bài khác