Thành Cổ Sơn Tây: Điểm điểm đến không thể bỏ qua khi du lịch xứ Đoài

(VOV5) - “Thành Cổ Sơn Tây là một điểm nhấn quan trọng nằm ở phía phía Tây kinh thành Thăng Long xưa, đại diện cho lục tỉnh xứ Đoài"

Nằm giữa thị xã Sơn Tây, cách trung tâm Hà Nội hơn 40 km, Thành cổ Sơn Tây là một công trình kiến trúc quân sự cổ vô cùng độc đáo, được xây dựng nửa đầu thế kỷ 19 dưới triều vua Minh Mạng. Trải qua hơn 200 năm thăng trầm của lịch sử, nơi đây còn lưu giữ nhiều dấu tích xưa và vẫn giữ được nét oai phong trầm mặc, thể hiện uy thế một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Thành Cổ Sơn Tây: Điểm điểm đến không thể bỏ qua khi du lịch xứ Đoài - ảnh 1Thành cổ Sơn Tây- Di tích lịch sử Kiến trúc quốc gia, một điểm đến không thể bỏ qua
khi đến thị xã Sơn Tây. Ảnh Hà Linh

Được công nhận là di tích lịch sử Kiến trúc quốc gia năm 1994, Thành cổ Sơn Tây hiện là một điểm đến hấp dẫn khách tham quan không chỉ bởi giá trị văn hóa lịch sử, không gian văn hóa cộng đồng phong phú mà còn bởi cảnh quan thiên nhiên vô cùng xanh mát và yên bình.  PS của PV Hà Linh xin giới thiệu sau đây 1 điểm đến không thể bỏ qua khi du lịch xứ Đoài: 

Nghe âm thanh phóng sự tại đây:   
Ấn tượng đầu tiên mà du khách vào đến khu Thành Cổ Sơn Tây là không gian vô cùng mát mẻ, cảm giác rất khoan khoái dễ chịu. Những bộ rễ sần sùi vươn dài ôm trọn lấy những bờ tường cổng tạo nên một vẻ đẹp rất rêu phong.
Thành Cổ Sơn Tây: Điểm điểm đến không thể bỏ qua khi du lịch xứ Đoài - ảnh 2Không gian thoáng đãng, không khí mát lành, cảm giác dễ chịu khoan khoái là cảm nhận của du khách khi đến với khu di tích Thành cổ Sơn Tây. Ảnh Hà Linh

Mệt mỏi dường tiêu tan hết, du khách bắt tản bộ dưới những tán cây đại thụ xanh mát, để tìm hiểu nhiều hơn về khu du tích rộng 16 ha này, dưới sự hướng dẫn của ông Trần Văn Thành, người trông coi quản lý khu Điện Kính Thiên… 

Thành Cổ Sơn Tây: Điểm điểm đến không thể bỏ qua khi du lịch xứ Đoài - ảnh 3Cột kỳ đài một kỳ đài cao18m với hệ thống cửa sổ tận dụng ánh sáng mặt trời tự nhiên. Đây chính là ngọn tháp canh  thời bấy giờ. Ảnh Hà Linh

Với lối kiến trúc độc đáo, được xây dựng hoàn toàn bằng đá ong có một không hai ở Việt Nam, Thành cổ Sơn Tây được vua Minh Mạng xây dựng vào năm 1822 và là một trong những khu căn cứ quân sự quan trọng, bảo vệ kinh thành Thăng Long xưa. Đây cũng là di tích văn hóa – lịch sử đại diện cho mô hình thành lũy Việt Nam thời kỳ chống giặc ngoại xâm. Trong khoảng thập kỷ 70 – 80 của thế kỷ 19, nơi đây là một trung tâm phòng bị kháng chiến chống Pháp của quan lại triều đình nhà Nguyễn giữa hai cuộc xâm lược Bắc kỳ lần thứ nhất và lần thứ hai của Pháp. 

“Thành Cổ Sơn Tây là một điểm nhấn quan trọng vì Thành cổ trấn ở phía Tây, đại diện cho lục tỉnh xứ Đoài. Khi lên ngôi, vua Minh Mạng cho xây 20 thành, trong đó 4 thành nằm trong 4 trấn là: thành Bắc Ninh, thành Sơn Tây, thành Nam Định, thành Hải Dương”. Ông Thành cho biết.

Thành Cổ Sơn Tây: Điểm điểm đến không thể bỏ qua khi du lịch xứ Đoài - ảnh 4Ông Trần Văn Thành, người trông coi khu vực Điện Kính Thiên, rất am hiểu về lịch sử Thành cổ Sơn Tây.

Thành được xây dựng có hình tứ giác với chu vi 1.309,4m, diện tích, xung quanh có hào nước bao bọc với chiều dài 1.795m, chiều rộng của hào từ khoảng 30m có độ hơn 2m đi qua hào nước là bức tường thành được kết cấu theo kiến trúc Vauban (kiểu công trình quân sự lấy theo tên kỹ sư Vauban người Pháp).  Ở mỗi mặt thành, vào khoảng giữa, tường thành lại vòng ra theo hình bán nguyệt, có cổng ra vào, trên có chòi canh…

Các công trình quan trọng nhất của Thành cổ là Cột cờ cao 18m, Điện Kính Thiên (Vọng Cung) và hai ao sen còn gọi là giếng Tả và giếng Hữu: “Vọng cung được xây từ thời Minh Mạng năm thứ 3 trên nền móng trung tâm thành cổ. Điện Kính Thiên là nơi khi vua đi vi hành và thực hiện tế lễ trời đất. Vọng cung là khi vua về kinh đô, các quan đầu tỉnh ra vái vọng từ xa về cung đình Huế. Hay mỗi khi vua ban chiếu chỉ các quan đầu tình đến đây để nhận chiếu chỉ. Năm 1946 tại đây diễn ra cuộc họp của Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để quyết định các vấn đề quan trọng đất nước”.

Thành Cổ Sơn Tây: Điểm điểm đến không thể bỏ qua khi du lịch xứ Đoài - ảnh 5Hào nước trong khuôn viên Thành Cổ tạo cảnh quan xanh mát,điều hòa không khí.

Thành cổ Sơn Tây có 4 cổng quay ra các hướng Bắc, Nam, Tây, Đông, mỗi cổng có hình tứ giác, có mặt cắt hình thang. Phía trên mỗi cổng đều có vọng lâu và chỉ có duy nhất một lối ra vào. Phía ngoài có đắp Dương mã thành hình chóp nón chắn phía ngoài của thành…

Trải qua hơn 200 năm tồn tại nhiều công trình của thành đã bị phá huỷ. Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích Thành cổ Sơn Tây, nhiều dự án tu bổ, khôi phục lại các công trình của thành đã được dựng lại trên nền cũ. Ngoài ra, tại đây còn có khu trưng bày 2 máy bay Mic21 từ Trung đoàn Sao Đỏ và 1 máy bay Mi8 từ Trung đoàn 916 là những kỷ vật lưu lại sau kháng chiến góp phần tăng giá trị cảnh quan của khu di tích.

Thành Cổ Sơn Tây: Điểm điểm đến không thể bỏ qua khi du lịch xứ Đoài - ảnh 6Các công trình xưa, nay được phục dựng, đều được xây bằng nguyên liệu chính là đá ong. Ảnh Hà Linh

Ông Trần Văn Thành cho biết thêm: Về kiến trúc, Thành Cổ Sơn Tây gần như chỉ giữ lại nguyên vẹn được 2 cổng cổ ở phía Nam và Phía Tây. Còn những về khối tư liệu ảnh này là do một gia đình Việt Kiều bên Pháp, từng sống ở phố Quang Trung sưu tầm và cất giữ. Khi Thành được trùng tu xây dựng lại họ kính tặng cho Khu di tích. Còn nữa là 2 cây cổ thụ mà được coi là linh hồn ở đây là cây đa ở cây đề ở cổng thành phía Nam và phía Tây. Những rễ cây ôm trọn cổng thành tạo nên món quà thiên nhiên ban tặng rất độc đáo”.

Thành Cổ Sơn Tây: Điểm điểm đến không thể bỏ qua khi du lịch xứ Đoài - ảnh 7Cổng thành cổ còn được lưu giữ lại.

Được ví như lá phổi xanh giữa lòng đô thị, tòa thành được ôm trùm bởi nhiều cây đại thụ lâu năm cùng thảm thực vật phong phú, Thành cổ Sơn Tây đã trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng, diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa của người dân địa phương.

Cứ vào đầu năm, khu vực Thành Cổ lại mở hội hoa xuân, trưng bày cây cảnh, đồ cổ diễn ra hội đua thuyền, thi chim. Rồi các hoạt động làm sạch Thành cổ, trồng thêm cây xanh, tả cả các Hội nhóm đoàn thể, các khối cơ quan đều tham gia. Hàng ngày, đây là nơi bà con xung quanh tập dưỡng sinh, thể dục buổi sáng, nghỉ ngơi thư giãn”. Khung cảnh ở đây rất đẹp và thoáng đãng". Ông Trần Văn Thành nói.

Thành Cổ Sơn Tây: Điểm điểm đến không thể bỏ qua khi du lịch xứ Đoài - ảnh 8Du khách tìm hiểu về lịch sử thông qua ứng dụng quét mã QR code. 

Cùng với những danh lam, thắng cảnh nổi tiếng khác như Làng Cổ ở Đường Lâm, Đền Và, chùa Mía, thành cổ Sơn Tây đã trở thành một địa chỉ thú vị cho những người yêu thích khám phá lịch sử, là điểm tham quan hấp dẫn cho các gia đình vào mỗi dịp cuối tuần bởi vẻ đẹp cổ kính rêu phong và không gian yên bình nơi đây.

Thành Cổ Sơn Tây: Điểm điểm đến không thể bỏ qua khi du lịch xứ Đoài - ảnh 9Không gian xanh mát ở Thành cổ Sơn Tây.

Chị Hải Yến đến từ Hải Dương cảm nhận: “Đây là lần thứ 2 em trở lại Thành Cổ Sơn Tây. Em thích tìm hiểu về lịch sử và nét trầm mặc cổ kính nơi đây. Đến đây tham quan, du khách có thể tự tìm hiểu mọi thứ khi chỉ quét mã QRcode hiện ra toàn bộ thông tin về lịch sử về Thành Cổ Sơn Tây. Điểm thú vị là nơi đây thu hút ngày càng nhiều giới trẻ đến tìm hiểu lịch sử, vừa trải nghiệm phố đi bộ bên cạnh Thành cổ. Giữa ồn ào cuộc sống náo nhiệt, Thành cổ Sơn Tây trải qua hàng trăm năm vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ, nét oai phong của các công trình kiến trúc quân sự thế kỷ 19”.

Thành Cổ Sơn Tây: Điểm điểm đến không thể bỏ qua khi du lịch xứ Đoài - ảnh 10Phố đi bộ ngay gần Thành Cổ Sơn Tây những ngày đầu khai trương. Phố có tổng chiều dài khoảng 820m; tổng diện tích khoảng 34.550m. Thời gian hoạt động: Thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần. Ảnh báo Lao động.

Nhằm phát huy lợi thế của di tích Thành Cổ Sơn Tây, thị xã Sơn Tây đang triển khai khu phố đi bộ để du khách có thể tham gia các hoạt động nghệ thuật giải trí đường phố, thưởng thức văn hóa ẩm thực qua đó không chỉ góp phần phát huy năng giá trị di tích mà còn xây dựng không gian mang tính cộng đồng, thúc đẩy hoạt động thương mại, dịch vụ địa phương ngày càng phát triển.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác