Chúng tôi đã phát thanh từ đất bạn

(VOV5) - Tiếng nói dõng dạc bằng các thứ tiếng nước ngoài trên Đài Tiếng nói Việt Nam trong suốt những ngày tháng không quên ấy đã mang lại niềm tin và lòng tự hào cho các chiến sĩ ta đang chiến đấu gian khổ ở các vùng chiến trường xa xôi và cho đồng bào ta nhiều vùng trên trái đất.


Vào một buổi sáng cuối đông năm 1972, khi tôi vừa dựa chiếc xe đạp cà tàng để bước vào sảnh thì thấy chị N thò đầu nói với qua cánh cửa phòng làm việc đang khép hờ: “Cậu lên gác ngay, Sếp có việc cần”.

Những ngày ấy, cả Hà Nội như đang còn chìm trong những vết tích đau thương sau hàng loạt những đợt tiến công ác liệt của máy bay B52 Mỹ. Đường phố vắng tanh, chỉ lác đác dăm ba người đi lại với dáng điệu vội vàng, hối hả. Ban biên tập Đối ngoại - Nơi tôi mới vào làm việc được gần 3 năm, cũng sơ tán ở một địa điểm cách Hà Nội khá xa. Phòng tiếng Anh của tôi cũng còn lại ba cô cậu và hai “ông già” chủ chốt. Cách đấy ít hôm, máy bay Mỹ đã đánh trúng Đài phát sóng Mễ Trì nên các chương trình phát thanh phải phát tạm ở một địa điểm dự phũng và vì vậy, về chất lượng phát sóng thì tất nhiên khỏi phải nói...

Chúng tôi đã phát thanh từ đất bạn - ảnh 1
Một số cán bộ đoàn 559


Thật khó có thể nhắc lại được tâm trạng hồi hộp của tôi khi nghe tin được sếp gọi lên. Điều gì sẽ xảy ra đây? Đi công tác đột xuất? Dịch cho một cuộc hỏi cung phi công Mỹ, tháp tùng một đoàn phóng viên nước ngoài vào tuyến lửa như tôi vừa đi cách đó ít hôm hay là... Đám con trai lúc đó, ai cũng nghĩ rằng khi cuộc chiến đấu của dân tộc đang bước vào những ngày cuối cùng đầy gian khổ những cũng thật hào hùng, liệu mình có bỏ lỡ dịp được xung trận vào sâu phía Nam không?

Nhưng rồi câu chuyện với sếp đã hoàn toàn khác hẳn với những gì mà tôi suy nghĩ. “Về nhà ngay, thu xếp mọi thứ sẵn sàng để đi công tác dài hạn trong một thời gian không biết bao lâu...”. Đi đâu không rõ nhưng chắc chắn không phải là vào tuyến lửa hay chiến trường như tôi mong đợi, mà như lời của sếp là “đến một địa điểm an toàn, rất xa Hà Nội để tiếp tục công việc biên tập và phát sóng chương trình để đảm bảo cho sóng phát thanh của ta vang xa, thậm chí phải khỏe hơn trước khi Mỹ đánh phá...”

Thế là đã rõ, nhưng đi đâu và phải xa Hà Nội bao lâu? Ai dám cả gan hỏi lại sếp.

Chuyến tàu ngược lên phía Bắc

Cuối cùng thì mọi câu hỏi cũng dần dần được trả lời khi đoàn ô tô chở chúng tôi chạy miệt mài qua hết vùng trung du rồi rừng núi phía Bắc, để sau đó vượt qua một điểm biên giới đến một trạm đón tiếp ở trên đất bạn Trung Quốc. Ngồi trong trạm, khi nghe tiếng trẻ con nô đùa, gọi nhau í ới bằng tiếng Trung Quốc, chúng tôi mới hiểu rằng mình đang ở trên đất bạn. Sau một ngày nghỉ ngơi là một chặng đường đi bằng tàu hỏa. Xe lửa chạy mải miết qua hết rặng núi này đến cao nguyên khác, không biết bao nhiêu những tuy-nen rồi lại cầu vượt, rồi không biết bao nhiêu điểm dân cư, thị trấn và thành phố đã trôi qua. Cuối cùng thì cũng đến địa điểm cần đến, một nơi an toàn rất sâu trong đất bạn và chúng tôi được phép sử dụng cơ sở phát sóng của bạn để làm các chương trình phát thanh về nước và phát thanh đối ngoại.

Tuyết rơi và hai mùa xuân trên đất bạn

Trong số những tấm ảnh tôi còn lưu giữ nay đã ngả sang màu vàng với thời gian, có một bức luôn làm cho tôi xúc động. Đó là tấm ảnh ghi lại cảnh nhóm anh chị em phát thanh viên, biên tập viên chúng tôi đang vui đùa trong tuyết. Hôm đó tôi còn nhớ trời thật lạnh. Hàng ngày chúng tôi phải đi từ nơi ở đến nơi làm việc khá xa. Tất nhiên, cũng như ở bên nhà, cái nghề làm phát thanh này là càng về khuya, tin tức càng dồn dập. Nào là tin hoạt động đấu tranh ngoại giao, tin bắn rơi máy bay Mỹ cũng như tin chiến trường... Biết bao nhiêu là tin tức mà tin nào cũng phải ra gấp. Trên đường về, trời đột nhiên lạnh hẳn đi-từng đợt gió thổi thốc tháo và rồi có ai đó hét lên: “Nhìn này, tuyết rơi kìa!”. Những bông tuyết rơi lúc đầu còn thưa, sau mỗi lúc một dày thêm, tạo nên một không gian thật ấn tượng đối với những người ở xứ nóng quanh năm như chúng tôi. Rồi không ai bảo ai, từ các bạn Trung Quốc đến tất cả số cán bộ Việt Nam ở đó đều ùa ra sân nô đùa, tận hưởng không khí hồ hởi của đêm đầu tiên trong đời được nhìn thấy tuyết rơi. Sau này, trong suốt thời gian hai mùa đông ở bên đó, cũng không có lần nào tuyết rơi nữa. Và cho đến tận bây giờ, dù đã đi qua biết bao nhiêu phương trời, nhưng trong tôi cảnh tuyết rơi đêm năm đó vẫn luôn hiện lên rõ nét và gắn chặt với những ấn tượng của ngày đầu chập chững bước vào nghề phát thanh.

Lúc đó, để nhận được tin tức từ bên nhà chuyển sang, chúng tôi phải tạo lập một hình thức na ná như chúng ta vẫn gọi là cầu truyền thanh như hiện nay, nhưng đơn giản hơn bằng cách một biên tập viên ở nhà đọc bản tin vào một số tần số sóng nhất định rồi chúng tôi lại thu vào một rải băng và đánh máy thành các trang tin (không ít “thợ đánh máy” bất đắc dĩ đã phải đánh... mổ cò). Đã thành thông lệ, cứ đến tầm cuối giờ chiều cho đến suốt đêm, mấy anh chị em chúng tôi xúm lại quanh chiếc máy phô-ny và chiếc máy đánh chữ mang từ nhà sang vừa nghe tin tức bên nhà, vừa giành nhau lấy được tờ bản tin sớm nhất để mang đi dịch và đọc. Kể ra cũng còn một phương tiện liên lạc nữa-đó là hàng tuần, chúng tôi (tất nhiên là trong số nam thanh niên đếm trên đầu ngón tay) thay nhau đi tầu xuống tận cửa khẩu để nhận băng chương trình phát thanh đã được dàn dựng hoàn chỉnh từ bên nhà gửi sang. Ngày lại ngày cứ thế trôi qua, ai cũng ngong ngóng dò bắt đài qua tần số phát ở bên nhà xem tiến độ đài phát sóng ở bên nhà xây đến đâu đến để sớm được trở về. Nhưng nào ai biết rằng phải mất hai cái Tết trên đất bạn chúng tôi mới được về nhà.

“Đây là Đài Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ...”

“This is the Voice of Vietnam, broadcasting from...”

Tiếng nói dõng dạc bằng các thứ tiếng nước ngoài trên Đài Tiếng nói Việt Nam trong suốt những ngày tháng không quên ấy đã mang lại niềm tin và lòng tự hào cho các chiến sĩ ta đang chiến đấu gian khổ ở các vùng chiến trường xa xôi và cho đồng bào ta nhiều vùng trên trái đất. Chúng tôi vẫn nhận được hàng trăm, hàng nghìn lá thư từ các vùng đất xa xôi gửi về bày tỏ lòng khâm phục cũng như sự chia sẻ những gian khó của dân tộc Việt Nam. Rồi những lá thư phúc đáp lại được viết và gửi đi bằng bưu điện và trả lời trên sóng. Cuộc sóng cứ chầm chậm trôi đi, số cán bộ ít ỏi của Ban biên tập Đối ngoại lúc đó làm việc suốt tuần, suốt tháng không ngày nào ngơi nghỉ. Có lẽ rất ít người bên ngoài để ý thấy sự khác biệt đôi chút về địa điểm phát sóng và biết rằng để có được những phút giây duy trì sóng phát thanh liên tục, những người làm phát thanh đối ngoại chúng tôi đã bỏ ra biết bao nhiêu mồ hôi, công sức, với những hy sinh thầm lặng để cống hiến cho Tổ quốc./. 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác