Nhớ thủ trưởng Trần Lâm

(VOV5) - Tôi làm thư ký riêng cho Chủ nhiệm Ủy ban Phát thanh & Truyền hình Việt Nam (UBPT & THVN) từ năm 1982 đến năm 1987. Năm năm ấy biết bao nhiêu tình, có bao điều đáng nhớ.Tôi xin kể vài câu chuyện về thủ trưởng của mình:



Nhớ thủ trưởng Trần Lâm - ảnh 1
Ông Trần Lâm - Tổng Giám đốc đầu tiên của Đài TNVN


Làm thư ký riêng, không bắt cậu bỏ nghề phóng viên

Năm 1982, tôi là phóng viên Nông nghiệp của Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) cùng một số phóng viên của Đài Truyền hình Việt Nam (THVN), được theo Chủ nhiệm UBPT & THVN Trần Lâm đi Vĩnh Phú, nơi TW cử ông dự Đại hội Đảng bộ tỉnh, để Đại hội bầu ông đi dự Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ V của Đảng. Tôi thấy thật vinh dự.  


Ông căn dặn chúng tôi theo dõi Đại hội thật kỹ, phỏng vấn nhiều cán bộ chủ chốt của tỉnh và đi cơ sở tìm hiểu thực tiễn để viết sao “làm rõ được lối ra” (cụm từ thời ấy các vị ở TW và Chủ nhiệm Trần Lâm rất hay dùng) của tỉnh trung du- miền núi này là phát triển kinh tế đồi rừng. Tôi đã cố gắng thực hiện đúng chỉ đạo của ông, viết loạt bài nhiều phần phát trên Đài TNVN. Chủ nhiệm Trần Lâm lại chỉ đạo tôi cô đọng còn 2 phần, trình bày trên Đài THVN. 


Đại hội lần thứ V của Đảng đã bầu đồng chí Trần Lâm vào Ban Chấp hành Trung ương. 


Sau đó, một cán bộ nhân sự của Ban Tổ chức và Cán bộ UBPT & THVN gặp tôi truyền đạt ý kiến của Chủ nhiệm Trần Lâm điều động tôi về làm thư ký riêng của Ông. Tôi vui mừng vì được Chủ nhiệm tín nhiệm, nhưng cũng lo mình vốn là kỹ sư Hóa- Bách Khoa, không được học nghề văn, nghề báo bài bản; gần chục năm kể từ khi về nhận công tác ở Đài TNVN chỉ biết làm mỗi công việc phóng viên, viết lách cũng chẳng có gì xuất sắc, thật thà như đếm, liệu có đủ khả năng “giúp việc” Chủ nhiệm UB, UVTW Đảng mà lúc ấy tôi thấy cao xa vời vợi? 


Trình bày với Chủ nhiệm UB, ông cười khà khà bảo rằng: Làm thư ký riêng, không bắt cậu  bỏ nghề phóng viên!  


Ông cho phép tôi, thỉnh thoảng cố gắng thu xếp về đơn vị cũ cùng các phóng viên nông nghiệp đi cơ sở viết phóng sự như trước. Những dịp Chủ nhiệm đi công tác ở nước ngoài (chủ yếu là đi Liên Xô) ông đều không quên bảo tôi đi viết bài, chỉ cần có mặt ở phòng thư ký sau khi ông đi 1 ngày và trước khi ông về 1 ngày.  


Khi trở về cơ quan, lần nào ông cũng cho tôi quà, thậm chí gửi quà cho cả con tôi cũng tầm tuổi cháu ngoại của ông, hỏi chuyện tôi ở nhà đi cơ sở viết lách ra sao, xem bài rồi chỉ bảo viết như thế chỗ nào được, chỗ nào dở, nên viết thế nào cho nổi, cho sắc vấn đề. Tư duy phóng viên của tôi quả thật cũng “thấy rõ lối ra” sau mỗi lần được Chủ nhiệm trực tiếp hướng dẫn nghề nghiệp như thế. 


Ông sử dụng thư ký riêng không giống như các thủ trưởng khác. Ông đi công tác ở trong nước không nhiều, nhưng khi đi cũng không cần thư ký riêng đi theo để chuẩn bị hoặc ghi chép những ý kiến mà ông phát biểu. Ông  tự viết hầu hết những văn bản, nhất là những văn bản gửi TW. Ông bảo viết chính là rèn luyện. Khi cần thể hiện một chủ đề, nói dễ hơn viết nhiều. Ông có tài nói suốt cả buổi một cách hào hứng về chủ đề ông nung nấu mà vẫn cuốn hút người nghe. Có được khả năng ấy, có lẽ do ông được rèn luyện ngay từ những ngày Đài TNVN còn sơ khai, thiếu thốn trăm bề, hầu như tất cả chương trình phát thanh, các ông đều thực hiện “trực tiếp”. 


Nhưng khi viết, ông bảo cũng thấy “ngại” vì nó cứ ngổn ngang, càng phải tập trung mà viết đến khi vấn đề được thể hiện súc tích, mạch lạc mới thôi. 


Dần dần, tôi nhận ra nếu cứ như vậy là tôi chưa làm tròn trách nhiệm “thư ký riêng” cho Chủ nhiệm UB vì không nắm chắc được ý kiến chỉ đạo của Chủ nhiệm, không hiểu những điểm cơ bản về các đơn vị trong UB PT& TH thì làm sao giúp việc cho chu đáo? Tôi mạnh dạn thưa lại và Chủ nhiệm cũng đã điều chỉnh, cho phép tôi được dự nhiều cuộc họp hơn và thỉnh thoảng cũng được đi công tác với Chủ nhiệm ở trong nước. Tôi cảm thấy mình đã được Chủ nhiệm tạo điều kiện để “đi hai chân” (vừa nghề phóng viên vừa nghề thư ký) chắc chắn hơn. 


Đột ngột UBPT & THVN nhận thông báo giải thể. Ông Trần Lâm là Tổng Biên tập Đài TNVN. Công việc thư ký riêng của tôi không còn nhiều. TBT cho tôi trở lại đơn vị cũ làm công tác phóng viên. Mỗi khi viết bài, tôi lại nhớ và thực hiện những chỉ dẫn của ông về nghiệp vụ.  


Nhớ thủ trưởng Trần Lâm - ảnh 2
Ông Trần Lâm và bà Thanh Ngân đọc trước máy trong ở bá âm sau Nhà Hát lớn, tháng 9/1945 (Ảnh: Sách 50 năm Hội Nhà báo Việt Nam)


 Tìm tài liệu trả TW, thấy… tiền lương, mật gấu

Là UVTW Đảng khóa V, Chủ nhiệm UBPT&THVN nên hàng ngày có rất nhiều công văn, giấy tờ của TW Đảng, của Chính phủ, các cơ quan đoàn thể, các đơn vị trong UBPT&TH gửi về. Trong số đó, có những tài liệu đóng dấu “MẬT”, “TUYỆT MẬT”. Sau mỗi quý, VPTW đều có công văn thống kê danh sách các tài liệu này, yêu cầu phải nộp lại để lưu trữ. Nộp thiếu tài liệu nào, VPTW lại gửi công văn “đòi” kỳ được.  


Nhận được công văn nào tất nhiên tôi cũng vào sổ, cẩn thận đánh dấu các công văn loại “MẬT”, “TUYỆT MẬT” rồi mới chuyển vào đặt trên bàn làm việc của Chủ nhiệm. Tùy loại công văn, giấy tờ, loại thông thường đọc xong tự tay Chủ nhiệm cất vào tủ. Còn một số loại Chủ nhiệm không chỉ đọc một mình, mà chuyển lại cho tôi, giao cho các Ban chức năng, các đơn vị của UB nghiên cứu, giải quyết. Nếu cứ như vậy thì tôi theo dõi  và khi cần thiết đi “đòi” công văn cũng dễ.  


Nhưng một số tài liệu thuộc loại “MẬT”, “TUYỆT MẬT” của TW, sau khi Chủ nhiệm đọc xong, lại gọi lãnh đạo ban chức năng hoặc đơn vị liên quan tới trực tiếp truyền đạt và trong một số trường hợp còn “cho mượn” về nghiên cứu. Đây là điều tôi lo trở thành “nợ khó đòi” nhất! 


Vì thế hàng tháng tôi đều được Chủ nhiệm cho mượn chìa khóa tủ tài liệu trong phòng làm việc của ông để sắp xếp, phân loại, đối chiếu các tài liệu trong tủ với sổ theo dõi của tôi, để khỏi bị động, lúng túng khi VPTW có công văn “đòi”! 


Có lần, tôi đang “ vã mồ hôi” vì tìm chưa thấy một tài liệu mà VPTW “đòi”, thì giật nảy mình khi nhìn thấy lẫn trong đống tài liệu một phong bì có chữ của tôi ghi “lương anh Lâm”! Tôi mở ra xem: Vẫn còn nguyên tiền một kỳ lương của Chủ nhiệm trong đó (ngày ấy, tháng lĩnh lương 2 kỳ). Nhưng đáng buồn là tiền đó không còn tiêu được vì vừa đổi tiền tháng trước! Hóa ra phong bì đựng tiền lương tôi đưa cho Chủ nhiệm, Ông lại để luôn lên tập tài liệu trên bàn, rồi lại tấp tài liệu khác lên để… cất vào tủ! 


Tôi đưa lại phong bì tiền đã không còn giá trị cho Chủ nhiệm. Một thoáng sững sờ, ông bật cười khà khà: “Tiền mà mình cũng quên! Tiếc nhỉ! Thế là bà Ý ‘thất thu ngân sách’ rồi!”. 


Một lần khác, tôi cũng đang sắp xếp tài liệu như vậy, lại thấy lẫn trong đó một phong bì có chữ của chính tôi ghi “mật gấu khô”. Nhớ lại trước đó, có mấy cán bộ của huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa vào làm việc với Chủ nhiệm. Sau khi làm việc ra, có một người dừng lại trước bàn tôi đưa cho tôi một cái mật gấu khô và bảo: “Cái này quý như vàng, biếu anh Lâm”. Tôi không rõ vì sao anh ta không trực tiếp tặng Chủ nhiệm mà lại đưa qua tôi? Tôi bỏ vào phong bì ghi chữ cẩn thận rồi đặt lên bàn Chủ nhiệm. Chẳng ngờ nó lại bị lẫn vào đống tài liệu! 


Lần này tôi đưa cái mật gấu khô tận tay Chủ nhiệm. 


Một thời gian sau, mẹ già tôi  ngã bị đau chân. Sực nhớ tới cái mật gấu khô, tôi hỏi xin để về xoa bóp cho bà mẹ. Nghĩ một lát, Chủ nhiệm bảo: Chịu, không nhớ tý gì về cái mật gấu đó, để hỏi lại xem có đưa cho bà Ý không? Rất tiếc là bà Ý trả lời là không! 


Tôi thật sự áy náy và tự nhận thấy mình như còn thiếu trách nhiệm mà gây “thiệt hại” cho Chủ nhiệm, tự hứa phải chu đáo, chỉn chu hơn để những chuyện dù hãn hữu như vậy không còn tái diễn! 


Không dám “xin”, Chủ nhiệm vẫn “cho” chỗ ở


Tôi “số” lận đận, lấy vợ là kế toán của Công ty Xây lắp hóa chất, mà ngày ấy chính sách chế độ quy định là nam ở theo vợ, nên chỗ ở của chúng tôi cũng “lưu động” theo công trình, công trường. Lúc tôi làm thư ký riêng cho Chủ nhiệm Trần Lâm, vợ chồng và con gái đầu của chúng tôi đang ở một gian nhà tạm lợp giấy dầu tại công trường Vĩnh Tuy. 


Đùng một cái, dãy nhà tạm chúng tôi ở bị Công trường giải tỏa để lấy mặt bằng phục vụ xây dựng. Chúng tôi không biết ở vào đâu.  


Tôi đã nghĩ đến chuyện “kêu khổ” với Chủ nhiệm, nhưng rồi lại không dám vì nhớ lại có lần, một anh cán bộ trong UB vào phòng Chủ nhiệm. Một hồi sau, tôi ngồi ở phòng ngoài nghe giọng Chủ nhiệm nói hơi to và hơi căng rằng: “Tôi đánh giá thấp anh vì gặp tôi xin lên lương”. Tôi hiểu là Chủ nhiệm không ưa  những người gặp ông xin xỏ. 


Sáng hôm ấy tôi lên cơ quan, vào phòng Chủ nhiệm xin phép nghỉ việc. Ông hỏi vì sao phải nghỉ. Tôi ấp úng trình bày tình cảnh không có chỗ ở của nhà mình. Vẻ mặt thông cảm, Ông nghĩ ngợi một lát rồi bảo: “Cậu sang mời anh Xuân Lương sang đây”. (Anh Xuân Lương lúc ấy là Phó Chánh Văn phòng UBPT & THVN).  


Sau đó, Chủ nhiệm cho tôi nghỉ để theo anh Xuân Lương sang Ban Địa phương, 35 Nguyễn Đình Chiểu. Tôi được mượn một gian kho ở đây làm nơi ở tạm. Về sau tôi được chuyển về khu tập thể 128C Đại La (Ngã Tư Vọng), sau nữa ra khu tập thể nhà D đường Giải Phóng, ngôi nhà tập thể đẹp bậc nhất Hà Nội hồi năm 1991. 


Trong căn hộ yên ấm tôi cảm nhận như sống trong tình thương của Chủ nhiệm Trần Lâm. 


Nhớ thủ trưởng Trần Lâm - ảnh 3
Cố nhà báo Trần Lâm

Thổn thức buổi chia tay  

Khi thủ trưởng Trần Lâm của tôi nghỉ chế độ, tôi đã xúc động làm một bài thơ tặng ông. 

 ĐÂY LÀ TIẾNG NÓI VIỆT NAM 
(Kính tặng Anh Trần Lâm,
đọc tại lễ chia tay Anh nghỉ hưu 1987)

Em chẳng có gì để kính tặng Anh
Ngoài trang giấy ghi những lời chân thật
Xin Anh hiểu giây phút này rung cảm nhất
Trong bao năm tình Thủ trưởng- nhân viên 

Đến phút này là hơn bốn mươi niên
Anh gắn với âm thanh vang vọng
Chinh phục không gian bằng rộng dài làn sóng
“Đây là Tiếng nói Việt Nam”

Chất chứa trong mình biết mấy gian nan
Những gieo neo của buổi đầu dựng nước
Những hiểm nguy khi quân thù toan hủy diệt
Vẫn hiên ngang “Đây Tiếng nói Việt Nam”

Đổi mới- nhu cầu của lịch sử sang trang
Sứ mệnh mới chất nặng thêm làn sóng
Đài trở nên một mũi dùi nóng bỏng
Chào anh em
giữa lúc ấy
Anh về… 

Cứ bâng khuâng nghĩ  đến mai kia
Ô cửa sổ gác hai Quán Sứ
Liệu hoa đá, hoa quỳnh còn xum xuê nở?
Và trong phòng lại… vắng bóng Anh 

Anh hãy yên tâm măng đã trưởng thành
Lứa trước lứa sau ken nhau ấm bụi
Làn sóng chỉ có chiều vươn tới
Rạng rỡ thêm truyền thống bốn mươi năm. 

Cũng xin đừng vướng vít bận tâm
Bởi đôi lúc có những lời nhức nhối
Rằng: Đài ta chỉ là tiếng nói
Tinh hoa phát hết lên trời
Phần tâm thì thấu, phần đời thì đau… 

Chia tay rồi, bộc bạch cùng nhau
Xin Anh nhận cho tấm lòng thành thật
Xin Anh hiểu giây phút này rung cảm nhất
Trong bao năm, tình Thủ trưởng - nhân viên… 

Đọc xong, tôi trân trọng trao bài thơ này cho Thủ trưởng Trần Lâm và tôi khóc thổn thức. Ông nhận và ôm tôi vào lòng. Dường như ông cũng xúc động trong trong giây lát, vỗ về tôi rồi cất tiếng cười khà khà quen thuộc: “Mình đã ‘chết’ đâu mà cậu khóc?”. 

Đây là lần đầu tiên và cũng là duy nhất trong đời tôi được Thủ trưởng ôm. Đến bây giờ nhớ lại, tôi vẫn cảm thấy hơi ấm trong vòng tay Thủ trưởng Trần Lâm!./. 

Hà Nội, tháng 6 năm 2012 
Lê Trường Kiên
(Nguyên thư ký riêng của Chủ nhiệm Trần Lâm)


Phản hồi

Các tin/bài khác