Nghề khai thác sứa ở Cô Tô, Quảng Ninh

(VOV5) - Về lâu dài, Cô Tô sẽ đưa sứa trở thành sản phẩm du lịch, để món đặc sản này sẽ là món quà ý nghĩa cho du khách gần xa mỗi khi đến với đảo ngọc tiền tiêu.

Những ngày này, vùng biển Cô Tô (Quảng Ninh) rộn ràng trong mùa sứa biển. Nhiều người ví von đây là nghề vớt “vàng trắng”, bởi nguồn thu lớn mà nó đem lại cho hàng nghìn ngư dân khai thác cùng chủ xưởng, nhân công chế biến. Nghề sứa cũng từ đó mà có tác động nhiều chiều tới kinh tế, môi trường nơi huyện đảo tiền tiêu.

Nghề khai thác sứa ở Cô Tô, Quảng Ninh - ảnh 1 Nghề vớt sứa chỉ cần rải lưới hoặc dùng vợt dài để vớt những con sứa trôi trên mặt biển nhưng lại đòi hỏi sức khỏe dẻo dai. Trung bình mỗi thuyền có thể vớt được 800 - 1.000 con sứa trong những ngày trời mù biển lặng. Ảnh: Trường Giang/VOV-Đông Bắc

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

 

Gần nửa đêm, tàu của anh Đinh Văn Thuy mới bắt đầu ra khơi trong sương mù. Cũng như hàng trăm tàu cá khác tại vùng biển Cô Tô thời điểm này, tàu anh trang bị đơn giản: lưới, bóng đèn khoảng 1000W, những chiếc vợt dài. Công việc không phải là đánh bắt, mà là vớt những con sứa biển. Từ tháng Giêng đến tháng 4 hàng năm, sứa đủ màu trắng, xanh, đỏ cứ thế trôi nổi, đầy ắp trên mặt biển Cô Tô: “Sứa cứ nổi lên là mình vớt thôi. Có sức khỏe thì vớt được nhiều. Dùng vợt này khi sứa nổi là vớt, con to thì giật nón sứa bỏ đi, lấy mỗi chân thôi, con bé thì xúc cả. Đi đến sáng thì vào bán. Cũng tùy từng hôm, hôm nổi nhiều có thể vớt hàng nghìn con, hôm thì không con nào”.

Nghề khai thác sứa ở Cô Tô, Quảng Ninh - ảnh 2

Công nhân tấp nập trong các xưởng sứa khi vào mùa, mỗi người trực tiếp chế biến có thể thu chục triệu đồng/tháng. Ảnh: Trường Giang/VOV-Đông Bắc

Bao năm qua, những con sứa luôn khiến ngư dân tránh xa vì lo rách lưới bỗng chốc hóa thành “vàng trắng”, người người đổ xô đi vớt. Có ai ngờ loài nhuyễn thể dập dềnh ấy lại là đặc sản có giá trị dinh dưỡng cao, rồi còn chế biến đóng gói xuất khẩu. Từ chục năm gần đây, Cô Tô, vựa sứa của cả nước, thu hút hàng nghìn ngư dân, người lao động từ các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An… đổ về mỗi mùa sứa.

Vớt sứa tưởng “làm chơi” mà cũng rất vất vả. Sứa tích nước biển nặng chình chịch, trung bình 15-20kg, có thể tới 50-60kg, chưa kể tay chân bị đốt sưng vù, tấy đỏ. Nhưng công sức bỏ ra hoàn toàn xứng đáng khi giá mỗi đầu sứa mang về cho ngư dân từ 10-40 nghìn đồng. Các tàu nhiều đêm dễ trúng trên 1 nghìn con, mỗi ngày thu cả chục triệu đồng. Tuy nhiên, sứa chỉ thực sự trở thành “vàng” khi qua tay các xưởng chế biến. Trên đảo lớn Cô Tô và xã đảo Thanh Lân, các xưởng chế biến nối nhau dài dằng dặc, hoạt động đêm ngày trong tiếng máy móc ầm ì. Ông Nguyễn Viết Ngợi, chủ xưởng vốn chuyển từ nghề cơ khí sang làm sứa hào hứng chỉ dẫn từng công đoạn: “Thu mua đưa lên sân xưởng rồi công nhân sẽ tập trung phân loại, lấy đầu, chân. Đầu tiên đưa vào bể máy quay ly tâm, mục đích để đánh sạch nhớt và làm con sứa cứng lại, thải hết tạp chất trong thân. Quay 10-12 tiếng rồi mình đưa ra bể có nước muối, nồng độ tăng dần đến 20-25%. Mình cứ thế ngâm vài ngày tới cả tháng. Cuối cùng con sứa sẽ cứng, trắng, sáng đẹp, không còn nước ở trong là đảm bảo”.

Sứa thành phẩm đóng thùng 9-12kg, bán ra trên dưới 1 triệu đồng nhưng riêng sứa đỏ có thể tới cả chục triệu đồng. Xưởng ông Ngợi năm ngoái xuất hơn 2 vạn thùng, trừ chi phí lãi gần 1 tỷ đồng. Nhờ dám đầu tư, những “tỷ phú nghề sứa” như vậy đã không còn hiếm ở Cô Tô. Làm việc tại mỗi xưởng có khoảng 50 nhân công, tất bật từng ca nhưng thu nhập rất ổn định. Chị Mai Thị Thảo, công nhân người địa phương, chia sẻ: “Mệt một chút nhưng thu nhập tốt, ổn định. Có tháng thu nhập có thể hơn chuc triệu. Trong vòng 3 tháng, lần nào nhiều nhất công nhân thu nhập cũng được 35-40 triệu”.

Hết mùa dân đảo lại quay sang làm du lịch, đánh cá. Nghề sứa đã giúp nhiều dân Cô Tô làm giàu; nhiều khách sạn, nhà hàng to đẹp trong thị trấn đều của các chủ sứa. Ông Đào Văn Vũ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cô Tô, cho biết: “Chúng tôi tập trung các khu vực chế biến sứa ở xa các khu dân cư, điểm du lịch, để đảm bảo không tác động đến bãi tắm, khu dân cư sinh sống. Trong quá trình cấp phép hoạt động thì chúng tôi đều yêu cầu các chủ xưởng cam kết chặt chẽ, tất cả các xưởng đều phải có hệ thống thu gom, xử lý nước thải, đảm bảo khi ra môi trường phải an toàn. Hiện tại huyện có 28 cơ sở sản xuất đều đảm bảo cam kết bảo vệ môi trường”.

Ông Vũ cũng cho biết thêm huyện Cô Tô cùng Nghiệp đoàn nghề cá liên tục hỗ trợ ngư dân; các cơ sở chế biến liên kết với nhau, đảm bảo giá cả đầu ra: “Cô Tô đang khẩn trương hoàn thành giai đoạn 2 Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Bắc Vịnh Bắc bộ. Chúng tôi đang kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vục chế biến thủy sản, đặc biệt là chế biến sâu, các sản phẩm có thể tiêu dùng tại chỗ. Khuyến khích sản xuất sang sản phẩm sứa ăn liền để phục vụ khách du lịch, có thể xuất khẩu tại chỗ”.

Về lâu dài, Cô Tô sẽ đưa sứa trở thành sản phẩm du lịch, để món đặc sản này sẽ là món quà ý nghĩa cho du khách gần xa mỗi khi đến với đảo ngọc tiền tiêu.

Tin liên quan

Phản hồi

Nguyễn Thị nhi

Cho em minh muốn mua sỉ thì liên hệ sao ạ

Hải Anh

Chị phóng viên còn nhiều ảnh về công nhân và công việc làm sứa không ạ

Các tin/bài khác