Nhiệt huyết để hướng đến những điều tốt đẹp cho đất nước

(VOV5) - Frankfurt  được coi là một thành phố mở - thành phố Trung tâm, nơi diễn ra nhiều sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao và cũng là thành phố có đông người Việt Nam sinh sống. Cộng đồng người Việt có tinh thần đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau ở nước sở tại, cũng như gắn kết trong các hoạt động hướng về quê hương. 


Nhiệt huyết để hướng đến những điều tốt đẹp cho đất nước - ảnh 1
Nhà thơ, nhạc sĩ Trương Anh Tú

Nghe nội dung phỏng vấn tại đây:



Phóng viên: Trở về quê nhà lần này với anh có gì  đặc biệt?


Trương Anh Tú:
 Chuyến về Việt Nam lần này với tôi có nhiều cảm động. Thật ra tôi đã về Việt Nam rất nhiều lần, nhưng chủ yếu là các mùa khác, và phải sau khoảng 30 năm tôi mới trở về vào mùa Thu Hà Nội. Nhìn lá rơi ở Hà Nội mà tôi nhớ lại khoảng thời gian rời xa Hà Nội. Tôi thấy rằng Hà Nội có nhiều thay đổi, hòa quyện với sự không thay đổi của đất nước. Và người đi xa bao giờ cũng mang tâm cảm quý mến, hy vọng cho quê hương, cho Hà Nội.


Phóng viên:
Là cộng tác viên thân thiết của làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Anh có thể chia sẻ suy nghĩ của mình về làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam nói chung, VOV5 nói riêng, nhân dịp kỷ niệm 71 năm ngày thành lập?


Trương Anh Tú
: Đối với tôi và mỗi người Việt Nam, nhất là những người xa Tổ quốc, khi nghe thấy câu nói “Đây là Tiếng nói Việt Nam” đều rất cảm động và nghĩ ngay đến quê nhà. Sự hiện diện của Đài Tiếng nói Việt Nam ở nước ngoài rất cần thiết và bổ ích. Nó tạo nên sự hiểu biết lẫn nhau giữa đồng bào Việt Nam ở nước ngoài và trong nước, giúp người ở nước ngoài hiểu tình hình trong nước hơn. Đồng bào trong nước cũng hiểu bà con ở nước ngoài hơn. Qua đó, có thể có những sáng kiến để người Việt Nam ở nước ngoài nhận được sự ủng hộ, quan tâm của đất nước và ngược lại. Tôi thấy Đài Tiếng nói Việt Nam, đặc biệt chương trình dành cho đồng bào xa Tổ quốc thời gian gần đây đã phát triển rất tốt theo hướng thông tin 2 chiều, qua đó tạo nên sự gắn kết, thông hiểu lẫn nhau giữa người Việt Nam trong nước và nước ngoài, cùng hướng đến xây dựng Tổ quốc.


Phóng viên:
Là người khá bận rộn, anh thường dành thời gian nào để viết tin bài cộng tác cho Đài TNVN?


Trương Anh Tú
: Tôi nghĩ đó là lẽ tự nhiên, vì mình có sống ở đâu thì quê hương mỗi người chỉ có một. Tôi nghĩ khi ra nước ngoài, tâm tư tình cảm hướng về đất nước ai cũng có, như nghĩ về gia đình, về mẹ cha của mình. Vì thế, khi được làm việc với các anh chị em của Đài Tiếng nói Việt Nam là sự thông hiểu, chia sẻ. Mình ước một ngày có 48 tiếng, chứ không phải 24 tiếng. Mình cảm thấy làm điều đó là tốt cho cộng đồng, hướng đến xây dựng văn hóa Việt Nam ở nước ngoài. Công việc mất nhiều thời gian, chẳng hạn như có một sự kiện ở Berlin, tôi đi xe mất cả một ngày đêm. Tôi nghĩ làm việc này cần có tâm huyết, để kết nối cộng đồng người Việt ở trong nước và nước ngoài. Vì thế, làm việc bằng trái tim, khối óc, nhiệt huyết để hướng đến những điều tốt đẹp cho đất nước thì mình làm. Frankfurt là một thành phố rất nhiều sự kiện diễn ra ở đây , và cộng đồng người Việt ở đây luôn gắn kết đoàn kết ủng hộ cho đồng bào trong nước, cho Chính phủ, tỏ rõ chính kiến của người Việt Nam mình. Tôi cảm thấy thực sự xúc động khi nghe những làn điệu dân ca Việt Nam, những điệu múa với nón trắng, áo dài… Và mình là người chụp ảnh, viết tin về sự kiện thì thực sự xúc động thì văn hóa Việt Nam được bạn bè quốc tế chú ý, quan tâm, chạm đến trái tim của người nước ngoài.Làm điều đó mình thấy rất vui, mặc dù rất mệt, và mình đã quên đi cái mệt của mình như thế.


Phóng viên:
Anh có thể chia sẻ một chút về công việc và những đam mê thơ nhạc của mình ở nơi xa xứ và những hoạt động hướng về nguồn cội?


Trương Anh Tú
: Bản thân tôi làm việc cho một hãng công nghiệp chế tạo ô tô của Đức. Đó là công việc kĩ thuật 100%. Thời gian ở cơ quan đã là 8 – 10 tiếng, thời gian còn lại dành cho những việc mình thích. Tôi không chỉ làm báo, mà còn viết thơ, viết nhạc. Mình làm việc không ngừng nghỉ. Thời gian sinh sống ở nước ngoài đã cho tôi một độ lùi để nhìn mình và học người. Qua đó, tôi học được rất nhiều từ cách làm việc của người Đức. Họ làm việc rõ ràng, ngăn nắp, theo luật pháp, mọi việc đều được chuẩn bị kĩ càng. Từ đó tôi nhìn được những cái mình chưa có, hoặc mình cần phải tốt hơn. Ngược lại mình nhìn thấy những điểm tốt mà mình đã có từ quê hương Việt Nam. Từ đó, mình tìm ra những bài học để phấu đấu, làm việc, cũng như để dạy dỗ thế hệ con cháu sau này về những điều nên học. Ở Đức, mình có thể học họ rất nhiều điều về cách tổ chức xã hội, về luật pháp… mục đích chung là làm việc tốt đẹp cho quê hương, hướng tới sự phát triển của đất nước. Thành phố này rất đông người Việt Nam, nên rất nhiều các sự kiện văn hóa, mình rất tự hào về đồng bào ở Frankfurt. Người Việt Nam rất tự hào khi được không chỉ người Đức mà rất nhiều người nước ngoài quan tâm đến. Chẳng hạn như có những năm người Việt Nam được dẫn đầu đoàn diễu hành,với các biểu tượng hoa sẽ, áo dài, bản đồ Việt Nam với Hoàng Sa, Trường Sa…nhận được rất nhiều sự khen ngợi. Frankfurt là thành phố lâu đời, có nhiều người Việt Nam xuất xứ từ các vùng miền khác nhau. Nhưng dù ở đâu, miền Bắc, Nam hay miền Trung, dù lứa tuổi nào thì điều cuối cùng vẫn là quê hương, là những làn điệu dân ca, là tiếng mẹ ru, là những câu ca dao, là văn hóa Việt Nam, là tiếng Việt, là những món ăn truyền thống. Trong những ngày lễ tết, cộng đồng người Việt có sự gắn kết. Chẳng hạn như ở Frankfurt, chúng tôi cùng hát những bài về quê hương đất nước, để cùng thấu hiểu nhau, cùng hướng về quê hương – đất nước, đặt mục tiêu cùng làm những việc tốt cho quê hương, cho cộng đồng. Những hoạt động như vậy tạo nên phong trào giữ gìn văn hóa, đặc biệt cho thế hệ thứ 2, thứ 3 sinh ra ở Đức, gắn kết với người Việt, và sau này vẫn nhớ mình là người Việt Nam.

Phóng viên
: Xin cảm ơn Anh.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác