Văn học sử dành cho thanh thiếu nhi: Khám phá những vẻ đẹp văn hóa truyền lại từ tổ tiên, ông cha

(VOV5)- "Không chỉ lịch sử, mà còn rất nhiều vấn đề khác có thể nói cho các thế hệ thanh thiếu nhi Việt Nam, để các em có lòng yêu mến, có sự tò mò, tìm hiểu và tiếp tục khám phá những vẻ đẹp văn hóa truyền lại từ tổ tiên, ông cha."

Chúng tôi đã từng mời quý thính giả gặp gỡ với nhóm tác giả chuyên biên soạn những cuốn sách phổ biến lịch sử Nguyễn Như Mai, Nguyễn Quốc Thắng, Nguyễn Quốc Tín trong một tọa đàm văn nghệ trước đây để bàn về vấn đề văn học sử dành cho thanh thiếu nhi. Tạp chí văn nghệ hôm nay, Phi Hà giới thiệu về Nhóm tác giả và một số tác phẩm đáng chú ý của họ ra mắt bạn đọc.

Các tác giả Nguyễn Như Mai, Nguyễn Huy Thắng, Nguyễn Quốc Tín đều là những người được đào tạo, làm việc từ các ngành khoa học, rồi làm về xuất bản, báo chí,. cũng như có một quá trình gắn bó với đối tượng bạn đọc là thanh thiếu nhi.

Văn học sử dành cho thanh thiếu nhi: Khám phá những vẻ đẹp văn hóa truyền lại từ tổ tiên, ông cha - ảnh 1
Ảnh: Lê Vương Bá Hiếu

Tác giả Nguyễn Như Mai nhớ lại: “Chúng tôi gặp nhau khi còn trẻ, trong những điều kiện khó khăn nhất định. Khi đó tôi đang làm ở NXB Khoa học kỹ thuật. Chúng tôi có một điểm chung có thể nói nôm na là những con mọt sách. Bất cứ lúc nào có cuốn sách nào cũng chia sẻ cho nhau. Nói vui, là sách cũng có thời kỳ phân phối như lương thực, thực phẩm, chúng tôi cũng lùng cho bằng được. Thậm chí còn phải làm quen với các cô bán sách, như 8/3 chẳng hạn có thể quên không tặng hoa cho cho vợ nhưng vẫn phải tặng hoa cho các nàng bán sách. Điều đó gắn kết chúng tôi lại. Và sau đó, là cả một quá trình, đầu tiên ở NXB Khoa học kỹ thuật thì biên soạn những cuốn sách tra cưu, tham khảo, giáo trình vv… Tôi và chú Thắng làm bộ sách lịch kiến thức phổ thông hàng năm, cũng là một cái đột phá đối với đối tượng sách mở rộng ra. Sau đó tôi sang báo Thiếu niên tiền phong lại kéo cả bạn Thắng, rồi anh Tín sang. Chúng tôi đã có một quá trình thông hiểu nhau.”

Sau một loạt những bộ sách sử cho thiếu nhi đã xuất bản chung như: Từ kinh đô đến Thủ đô, Hiền tài là nguyên khí quốc gia, Những nhân vật tên còn trẻ mãi, Sử ta chuyện xưa kể lại, Cùng em tìm hiểu Hoàng Sa – Trường Sa…, là những bộ sách gây tiếng vang và dành được sự chú ý của cả người đọc ở trong và ngoài nước; thì hiện nay nhóm tác giả đã có những chương trình mới.

Tác giả Nguyễn Huy Thắng cho biết:“
Công trình vừa hoàn thành đó là bộ sách Những gương mặt không thể nào quên, cũng là những cuốn sách về các bậc danh tài, nhưng bản thân cuốn sách đã cho thấy đó là những người không thể nào quên, bởi đó thực sự là những người đã có dấy ấn rất mạnh, có tác động lớn trong nền công thương của Việt nam, và thực sự cũng có những người đã bị quên lãng. Đây là một trong những cuốn sách chúng tôi đã hoàn thành và đang chờ in ra.”

Tác giả Nguyễn Quốc Tín chia sẻ, từ trước tới nay, trong tất cả các tác phẩm, nhóm tác giả đều có sự tìm tòi trong tinh thần phản biện khoa học, để đúng với bản chất, sự thật lịch sử. Ông ví dụ có những câu chuyện đã lưu truyền trong dân gian, tưởng hiển nhiên mà không đúng, nên nhóm tác giả đã làm việc với sự cẩn trọng, ví dụ như câu chuyện khá phổ biến sau ở thời vua Tự Đức: “Tự Đức nghe Nguyễn Trường Tộ (cũng có người nói là Phan Thanh Giản) nói đã có cái đèn lộn ngược, thì điều đó không thể xảy ra, bởi vì những sự kiện này xảy ra hàng chục năm trước so với thời gian Edixon phát minh ra điện. Nên những chi tiết ấy, do phản biện, có thể bỏ bớt đi để tránh những sai sót về sau này”.

Riêng trong bộ sách Những gương mặt không thể nào quên đề cập đến cả những nhân vật thuộc thế hệ các nhà nho, nhưng cũng có cả những thế hệ Tây học cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Có thể những nhân vật này rất khác nhau về hoàn cảnh, về đào tạo, về học vấn…vv nhưng đều có chung một khát vọng là chấn hưng nền kinh tế Việt Nam, chấn hưng xã hội Việt Nam, đưa những cái mới về cho dân cho nước. Tác giả Nguyễn Huy Thắng cho biết: “Như là nghề ảnh chẳng hạn, với một sự mày mò của ông tổ nghề ảnh Đặng Huy Trứ, hay với khao khát xây dựng một nền đạo lý thương mại của Lương Văn Can, ông hiệu trưởng trường Đông Kinh nghĩa thục, cho đến một nhà công thương rất nổi tiếng là ông Bạch Thái Bưởi”.

Nhân vật Bạch Thái Bưởi được tái hiện với bạn đọc rất sống động, gần gũi, mà như tác giả Nguyễn Huy Thắng chia sẻ thì: “Ông Bạch Thái Bưởi không chỉ là một nhà công thương, mà còn là một nhà tư sản dân tộc rất có ý thức. Ông đã cạnh tranh thắng lợi với tư sản Pháp và tư sản Hoa kiều trong cuộc chiến giành đường thủy trên sông. Hồi đó tư sản Pháp và tư sản Hoa kiều đã quyết giết bằng được mầm mống công ty của ông Bạch Thái Bưởi. Và ông đã dùng rất nhiều kế sách mà không thành, nhưng cuối cùng đã thành công khi tác động đến lòng yêu nước của những người đi tàu, là những tiểu thương, những người dân nghèo đi bằng đường sông. Ông khích lệ người ta đi tàu của Việt Nam là thể hiện lòng yêu nước. Thành ngữ Việt có câu “trải chiếu hoa” thì ông đã thực sự trải chiếu hoa cho những người “chân đất mắt toét” đi trên tàu của hãng ông. Rồi ông để người ta tự ý thức được là đi tàu của Hoa kiều có thể cũng hạ giá, giảm giá rất rẻ, nhưng như thế chỉ càng tiếp tay cho tư sản Pháp, tư sản Hoa kiều lũng đoạn và người Việt Nam sẽ không bao giờ có thể có quyền đi trên tàu của người Việt Nam. Ông đánh vào ý thức của những người bình thường đi tàu và đã đã thành công.

Các tác giả cũng làm một cuốn sách về Các bậc nữ liệt Việt Nam, với quan niệm “trẻ em gắn bó với người phụ nữ”, với rất nhiều câu chuyện sâu sắc của một thời kỳ lịch sử dân tộc.
 Và một cuốn sách khác cũng của nhóm tác giả, cũng đã có những bản thảo đầu tiên, về địa lý Việt Nam. Tác giả Nguyễn Huy Thắng cho biết: “Địa lý Việt Nam cũng như lịch sử Việt Nam là những điều mà mọi người Việt Nam đều rất cần phải quan tâm. Chúng ta không chỉ lo sự thờ ơ với lịch sử đây, mà tôi lo là người Việt Nam mình hình như cũng không am tường lắm về địa lý Việt Nam. Hiện nay chúng tôi cũng đang biên soạn một bộ về địa lý Việt Nam. Và vừa rồi NCB Kim Đồng cũng đang tạo điều kiện cho nhóm tác giả đi khảo sát miền Tây Nam Bộ, một chuyến đi rất là gây cảm hứng cho nhóm tác giả.”

Như nhóm tác giả chia sẻ: “Có đào xới cả đời cũng không bao giờ hết lịch sử. Chúng tôi có làm, cũng sẽ không bao giờ hết những vấn đề đáng quan tâm, và mình thấy cần có trách nhiệm phải tham gia vào. Nhưng đây là vấn đề lựa chọn cái gì cho phù hợp với đối tượng bạn đọc, và cả khả năng của mình, cũng như những cái gì chưa được nói nhiều, chưa được thấu đáo thì cũng nên bàn thêm vào.

Và không chỉ lịch sử, mà còn rất nhiều vấn đề khác có thể nói cho các thế hệ thanh thiếu nhi Việt Nam, để các em có lòng yêu mến, có sự tò mò, tìm hiểu và tiếp tục khám phá những vẻ đẹp văn hóa truyền lại từ tổ tiên, ông cha”./.

Phản hồi

Các tin/bài khác