Nước thải là giải pháp cho cuộc khủng hoảng nước sạch toàn cầu

(VOV5) - Hôm nay, 22/03, trên thế giới diễn ra nhiều hoạt động kỉ niệm Ngày Nước thế giới. Ngày nước thế giới năm nay có chủ đề là “Nước thải” cùng với chiến dịch "Tại sao là nước thải?" nhằm kêu gọi cộng đồng tiết kiệm nước và tái sử dụng nước thải, coi nước thải là một nguồn tài nguyên.

Nước thải là giải pháp cho cuộc khủng hoảng nước sạch toàn cầu - ảnh 1
Nguồn: TTXVN


Sáng 22/3, tại tỉnh Bắc Ninh, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng Ngày nước thế giới 2017, với chủ đề “Nước thải”. Hàng nghìn người dân Bắc Ninh tập trung tại Trung tâm Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh tham gia lễ mít tinh. Với chủ đề “Nước thải”, hoạt động kỷ niệm năm nay nhấn mạnh việc “Tại sao phải quản lý nước thải?”. Từ đó, tuyên truyền người dân và xã hội giảm thiểu và tái sử dụng nước thải. Phát biểu tại Lễ mít tinh, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh: "Hôm nay, nhân Ngày Nước thế giới, tôi kêu gọi các cấp, các ngành, các địa phương và các cộng đồng dân cư hãy cùng nhau xử lý an toàn, tái sử dụng nước thải để biến nước thải thành tài nguyên. Để làm được điều đó, cần nâng cao nhận thức của cả xã hội về giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước, phòng ngừa, cảnh báo sớm sự cố nguồn nước, tái sử dụng nước, bảo vệ tài nguyên nước, khai thác, sử dụng tài nguyên nước một cách tiết kiệm và hiệu quả. Đối với các địa phương trên cả nước, tôi đề nghị cần nhận thức một cách sâu sắc yêu cầu cấp bách phải giảm thiểu nước thải và tái sử dụng nước, sử dụng tiết kiệm hiệu quả nguồn tài nguyên nước…”.

Dịp này, sáng  22/3, tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh (Nghệ An), Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với Công ty P&G Việt Nam tổ chức kỷ niệm Ngày nước thế giới 22/3, kết hợp triển khai Dự án “Hợp tác hỗ trợ nước sạch thông qua cung cấp gói bột lọc nước P&G” và thực hiện buổi đào tạo hướng dẫn sử dụng gói bột lọc nước P&G cho các tỉnh thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai. Đây là dự án cung cấp nước uống sạch cho hơn 200.000 gia đình trong 3 năm (từ tháng 3/2016-3/2019) tại 6 tỉnh thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai gồm: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Long An, An Giang và Đồng Tháp. 

Ngày 22/3, trong báo cáo quan trọng được công bố nhân Ngày Nước Thế giới, Liên hợp quốc cho rằng tái chế nước thải của thế giới sẽ làm dịu bớt nạn khan hiếm nước sạch toàn cầu, đồng thời còn giúp bảo vệ môi trường. Theo số liệu của Liên hợp quốc, trong hàng thập kỷ qua, con người đang sử dụng nước sạch nhanh hơn mức thiên nhiên có thể cung cấp, kéo theo nạn đói, dịch bệnh, xung đột và làn sóng di cư tại một số khu vực. Đứng trước hiện tượng đáng báo động trên, vào năm ngoái, trong cuộc khảo sát ý kiến hàng năm của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), các lãnh đạo đều nhất trí cho rằng khủng hoảng nước sẽ là nguy cơ hàng đầu của toàn cầu trong thập kỷ tới. Theo ông Richard Connor, người đứng đầu nhóm tác giả Chương trình Tiếp cận nước sạch thế giới của UNESCO, nhóm đã có đề xuất chiến lược 4 lựa chọn nhằm biến nước thải từ một vấn đề thành một giải pháp. Ngoài việc giảm thiểu ô nhiễm ngay từ đầu, các đề xuất chính sách cần tập trung loại bỏ các chất ô nhiễm từ các đường uống nước thải, tái sử dụng nước và tái sử dụng các phụ phẩm hữu ích. Còn ông Guy Ryder, Giám đốc Hội đồng Nước Liên hợp quốc và Giám đốc Tổ chức Lao động Thế giới (ILO), cho rằng ngoài khả năng có thể tái sử dụng, nước còn là nguồn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng, chất khoáng và năng lượng. Nhật Bản đã ban hành đạo luật vào năm 2015, trong đó yêu cầu các công ty vận hành hệ thống thoát nước tái sử dụng nước thải. Thành phố Osaka đã sản xuất 6.500 tấn nhiên liệu/năm từ 43 nghìn tấn nước cống để tạo ra điện.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác