Cụ thể hoá quy định quyền con người trong Hiến pháp 2013

(VOV5) - Quyền con người được coi là điểm sáng trong Hiến pháp năm 2013, bản Hiến pháp có hiệu lực từ 1/1/2014. Vì vậy, đây cũng là một trong những nội dung đang được các cơ quan chức năng triển khai tích cực để các quy định về quyền con người sớm đi vào thực tế.


Cụ thể hoá quy định quyền con người trong Hiến pháp 2013 - ảnh 1
(Ảnh: dddn.com.vn)

Điểm nổi bật của Hiến pháp 2013 được thể hiện nhiều ở Chương II, chương quy định về phạm trù quyền con người. Tại Chương II đã liệt kê đầy đủ quyền con người về dân sự, chính trị, văn hóa... trong các công ước quốc tế về quyền con người. Trong đó có lưu ý quyền của nhóm người dễ bị tổn thương, người già, phụ nữ, trẻ em… thể hiện hướng phát triển và sự hoàn thiện của Hiến pháp. Với quy định ở Chương II, Hiến pháp hoàn toàn phù hợp với luật quốc tế về quyền con người, hoàn toàn phù hợp với quan điểm chính trị của cộng đồng quốc tế.

Quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân có hiệu lực trực tiếp phải thi hành

Theo Phó chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật của Quốc hội Lê Minh Thông, về nguyên tắc, quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp là có hiệu lực trực tiếp phải thi hành. Điều quan trọng là quy định trình tự, thủ tục để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân trong thực hiện các quyền con người.

Hiến pháp 2013 nêu đầy đủ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, thể hiện trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong trong việc thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ và đảm bảo quyền con người. Quyền con người được thể hiện tất cả trong các Công ước quốc tế, cũng đã được thể hiện trong bản Hiến pháp 2013. Hiến pháp 2013 lần đầu tiên quy định quyền sống; quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa; tự do lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp; quyền được sống trong môi trường trong lành…Ngoài ra, bản Hiến pháp này không chỉ nói quyền công dân của nước ấy, mà là quyền con người ở nước Việt Nam XHCN. Đây cũng là một điểm nhấn quan trọng khẳng định việc kế thừa, phát triển nhiều nội dung về nhân quyền từ các bản Hiến pháp trước đó, đồng thời nhất quán những nội dung, tinh thần điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia về quyền con người. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình đánh giá: “Tinh thần bao trùm  của Hiến pháp là tôn trọng và bảo vệ quyền con người.  Tinh thần dân chủ của Hiến pháp, tinh thần tôn trọng và bảo vệ quyền con người được ghi nhận rất đậm nét trong hiến pháp lần này. Chính việc như vậy chi phối hoạt động của cơ quan tư pháp, trong đó có Viện kiểm sát. Bên cạnh việc khẳng định những quyền cơ bản của con người, Hiến pháp cũng đặt ra những nội dung kiểm sát chặt chẽ hơn những hiạt động hạn chế quyền con người. Theo đó, trước đây, trong hiến pháp cũ, những hoạt động hạn chế quyền con người ghi là do pháp luật quy định. Còn lần này do Luật quy định. Đây là bước tiến dài. Ví dụ như quyền sống, quyền bảo vệ bí mật đời tư, các quyền tự do khác thì khi hạn chế những quyền này thì phải được điều chỉnh bằng văn bản pháp luật”.

Tích cực sửa đổi, rà soát hơn 10 dự án Luật liên quan đến quyền con người

Trong kế hoạch của Chính phủ về triển khai thi hành Hiến pháp có đề cập tới việc sửa đổi rà soát 82 dự án luật trong đó hơn 10 dự án luật có điều khoản liên quan đến bảo vệ quyền con người. Những dự án luật cần kể đến là luật hình sự, luật dân sự, luật hôn nhân gia đình, luật lao động, luật việc làm…Theo lãnh đạo Bộ tư pháp, trong 5 định hướng sửa đổi Bộ luật hình sự thì định hướng đầu tiên là bảo đảm quyền con người ví dụ không ai bị tra tấn, bảo đảm quyền tự bào chữa của công dân…Luật dân sự liên quan đến nhân thân vì vậy khi sửa đổi sẽ quy định điều kiện thuận lợi để người dân thuận tiện thực hiện các quyền nhân thân. Luật hôn nhân gia đình sẽ quy định rất nhiều quyền con người như quyền kết hôn, ly hôn…Ngoài ra các luật về tổ chức Toà án, tổ chức Viện kiểm sát, luật trưng cầu dân ý.. đều chứa đựng các điều khoản liên quan đến quyền con người. Vì vậy quá trình sửa đổi những luật này đang được đẩy mạnh với sự tham gia của đông đảo các chuyên gia pháp lý. Giáo sư - Tiến sỹ Thái Vĩnh Thắng, Trường Đại học Luật Hà Nội, cho biết: “Các chuyên gia của trường tích cực tham gia góp ý kiến xây dựng các luật để cụ thể hoá Hiến pháp. Trong năm 2014, chúng tôi sẽ tham gia vào Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức Toà án, Luật tổ chức Viện kiểm sát và năm 2015 sẽ đóng góp ý kiến vào luật tổ chức chính quyền địa phương. Hơn nữa trong Hiến pháp mới có điều khoản về trưng cầu dân ý nên chúng tôi cũng sẽ đóng góp tích cực cho dự luật trưng cầu dân ý. Trong năm 2014 trường sẽ viết lại giáo trình Luật Hiến pháp Việt Nam (trong đó có nội dung về quyền con người) và sẽ sửa lại những giáo trình có phần liên quan.”

Lần đầu tiên quyền con người đã được khẳng định một cách mạnh mẽ, tương đối hoàn thiện về măt nội dung và kỹ thuật lập pháp trong Hiến pháp của Việt Nam. Việc nhanh chóng thể chế hoá những nội dung về quyền con người trong Hiến pháp sẽ góp phần  quyền con người được bảo đảm thực thi trên thực tế./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác