Bảo vệ trẻ em trong trường học: Tâm lý học đường cần trở thành ngành trọng tâm

(VOV5)- ..."Những nhu cầu tư vấn về tâm lý hoặc sang chấn tâm lý nói chung tăng vọt trong những năm vừa qua. Nó cũng phản ánh nhu cầu của xã hội, nhu cầu của các gia đình, các bậc cha mẹ, trẻ em về vấn đề tâm lý.”


Như chúng tôi đã đưa tin, Hội thảo quốc tế lần thứ 5 về tâm lý học đường vừa diễn ra tại Đà Nẵng. Với các chủ đề Chính sách về phát triển tâm lý học học đường, công tác đào tạo tâm lý học học đường, công tác thực hành phát triển tâm lý học học đường, vai trò của cộng đồng và các tổ chức phi chính phủ trong hỗ trợ phát triển tâm lý học học đường…

 

Bảo vệ trẻ em trong trường học: Tâm lý học đường cần trở thành ngành trọng tâm - ảnh 1
Toàn cảnh buổi hội thảo Tâm lý học đường quốc tế lần thứ 5 - Ảnh: Lê Thị Hằng/moet.gov.vn


Tư vấn tâm lý cho trẻ em - bức thiết một nhu cầu xã hội

Sự tham gia hưởng ứng của gần 200 nhà khoa học, nhà giáo, nhà thực hành, phụ huynh và các cá nhân quan tâm của gần 50 cơ sở giáo dục đào tạo quốc tế và trong nước, các bệnh viện, các trung tâm, các trường học và các tổ chức khác đã cho thấy mối quan tâm lớn của những nhà chuyên môn tới tâm lý học đường ở Việt Nam, cũng như gián tiếp phản ánh một nhu cầu cấp thiết của xã hội.

 

Ông Phạm Ngọc Tuấn, (trưởng phòng công tác học sinh sinh viên), đại diện Sở giáo dục Đào tạo Hà Nội cho biết, hiện nay việc cần có phòng tư vấn tâm lý trong các cơ sở giáo dục phổ thông là nhu cầu có thực và rất bức thiết.

 

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em – Bộ Lao động thương binh xã hội chia sẻ, qua kênh của đường dây tư vấn hỗ trợ trẻ em đã được hoạt động 12 năm qua - là dịch vụ công của nhà nước cung cấp cho trẻ em và những người quan tâm đến quyền trẻ em, bảo vệ chăm sóc trẻ em, trong đó có những vấn đề liên quan đến trường học - thì ngày càng có nhiều vấn đề đáng quan tâm: “Đáng chú ý là những nhu cầu tư vấn về tâm lý hoặc sang chấn tâm lý nói chung tăng vọt trong những năm vừa qua. Nó cũng phản ánh nhu cầu của xã hội, nhu cầu của các gia đình, các bậc cha mẹ, trẻ em về vấn đề tâm lý.”

 

Chính vì nhu cầu thiết thực đó, mà một số địa phương, trong đó có Hà Nội đã thí điểm triển khai phòng tư vấn tâm lý học đường, như ông Phạm Ngọc Tuấn cho biết thì: “Hà Nội hiện nay mới có 20 trường (10 trường trung học phổ thông, 10 trường trung học cơ sở) triển khai phòng tâm lý học đường bài bản, có sự chỉ đạo của Sở Giáo dục, có sự hỗ trợ của tổ chức Plan, có người tham vấn. Và trong hai năm rất hiệu quả.  Khi triển khai, gần ba tháng đầu gần như không có học sinh đến. Nhưng tiếp theo 3 tháng sau chúng tôi áp dụng tư vấn nhóm. Băt buộc người cán bộ tư vấn tâm lý một tháng phải tư vấn được 3 nhóm tập thể. Dần dần sau 6 tháng, sau 1 năm và đến giờ phòng tham vấn của chúng tôi giải quyết được rất nhiều những vấn đề.”


Tiêu chuẩn nào để cung cấp dịch vụ?

Về mặt chuẩn bị nguồn nhân lực, các cơ sở đào tạo trực tiếp đã có những bước chuẩn bị ban đầu, một số trường đã mở mã ngành tâm lý học đường chứ không chỉ là tâm lý học nói chung. Nhưng như PGS TS Lê Quang Sơn, Phó hiệu trưởng trường Đại học sư phạm – Đại học Đà Nẵng, đơn vị đăng cai tổ chức hội thảo, cho biết: “Hội thảo này chính là một bước đi. Chúng tôi mời sự tham gia của Vụ công tác học sinh, sinh viên, Bộ giáo dục đào tạo; của Cục bảo vệ chăm sóc trẻ em của Bộ lao động thương binh xã hội. Đây là những cơ quan mà có trách nhiệm xây dựng những chính sách liên quan đến lĩnh vực này. Sự tham dự, đồng chủ trì của các tổ chức này cũng nói lên sự quan tâm của Bộ. Và chúng tôi cũng hy vọng rằng với những đề xuất từ hội thảo này thì Bộ sẽ sớm có những chính sách.”

 

Bảo vệ trẻ em trong trường học: Tâm lý học đường cần trở thành ngành trọng tâm - ảnh 2
Một đại biểu tham gia khóa tập huấn ngắn về ứng dụng Quán niệm trong điều trị trẻ chấn thương tâm lý - Ảnh: Trọng Phước /ued.udn.vn


Là một thành viên của Liên hiệp phát triển tâm lý học đường quốc tế CASP-I, Đại học sư phạm Đà Nẵng cũng như những thành viên khác, đã tranh thủ sự ủng hộ tích cực về chuyên môn của tổ chức này. CASP-I với các thành viên từ các Đại học Hoa Kỳ và Việt Nam, có những chuyên gia hàng đầu thế giới trong ngành tâm lý học đường, có định hướng trong việc xây dựng chương trình đào tạo cũng như hoạch định việc cung cấp dịch vụ tại Việt Nam dựa theo hai chuẩn của Hội các nhà tâm lý học đường quốc gia Hoa Kỳ NASP và tiêu chuẩn về dịch vụ của IPSA (tổ chức Tâm lý học đường Quốc tế, hiện nay có hơn 40 thành viên là các quốc gia trên thế giới). Tiến sĩ Lê Nguyên Phương, giảng dạy tại Đại học Chapman – Hoa Kỳ, Chủ tịch CASP-I cho biết, những lựa chọn tiêu chuẩn này cũng phải đáp ứng được nhu cầu và thực trạng tại Việt Nam.

 

Phó giáo sư Scherr Tracey, Đại học Winconsin Whitewater, Hoa Kỳ, thành viên đoàn chủ tịch tổ chức Liên hiệp phát triển tâm lý học đường quốc tế CASP-I khẳng định: “Những công việc hiện tại và trong tương lai của CASP-I bao gồm: Việc xuất bản giáo trình để sử dụng trong việc đào tạo thêm các chuyên gia tâm lý học đường ở Việt Nam - dự án này do tiến sĩ Michael Hass (Phó chủ tịch CASP-I) đứng đầu. Và các dự án khác của chúng tôi bao gồm việc hỗ trợ xây dựng các chương trình đào tạo tâm lý học đường ở Việt Nam và tiếp tục tổ chức các hội thảo cho các đối tượng khác nhau, đặc biệt là hội thảo cho các giáo viên làm việc trực tiếp với những học sinh có nhu cầu đặc biệt thông qua dự án phát hiện, giáo dục trẻ em cá biệt , đồng thời cũng lập nên một chương trình cấp chứng chỉ tâm lý học đường.”

 

Cục trưởng Cục bảo vệ trẻ em Đặng Hoa Nam cũng cho biết: Luật trẻ em mới được Quốc hội thông qua vào tháng 4/2016. Vấn đề bảo vệ trẻ em trong luật có nhiều nét mới, được quy định ở cả 3 cấp độ: từ phòng ngừa, ngăn chặn sớm đến can thiệp xử lý các nguy cơ và các hành vi gây tổn hại, xâm hại cho trẻ em. Vấn đề cấp thiết nhất, đó là cần một hành lang pháp lý. Ông Đặng Hoa Nam khuyến nghị: “Chúng ta cần xác định một mô hình bảo vệ trẻ em trong trường học là gì, vì hiện nay có rất nhiều cách lựa chọn khác nhau… Tháng 12/2015 chúng tôi có tổ chức một hội thảo để xem xét các mô hình bảo vệ trẻ em trong cộng đồng cũng như trường học. Và chúng tôi ủng hộ, đánh giá cao một mô hình cho Việt Nam, là nên tích hợp mô hình 3 trong 1, cả về tham vấn học đường, tâm lý học đường và công tác xã hội học đường, để hướng tới một việc bảo vệ trẻ em có hiệu quả trong trường học. Chúng tôi muốn tiếp cận hướng tâm lý học đường ở đây sẽ đảm trách hai trách nhiệm: thứ nhất đó chính là một dịch vụ để nâng cao chất lượng giáo dục, thứ hai là dịch vụ để bảo vệ trẻ em trong môi trường học đường. Như vậy chúng ta có thể sử dụng tâm lý học đường làm trung tâm của dịch vụ bảo vệ trẻ em trong trường học”

 

Cũng theo ông Đặng Hoa Nam, để xác định đúng vị trí, vai trò của tâm lý học đường, như một dịch vụ tất yếu để đáp ứng các yêu cầu giáo dục và phát triển toàn diện của trẻ em, thì tâm lý học đường cần trở thành ngành trọng tâm để đáp ứng các yêu cầu bảo vệ trẻ em theo luật định. Để nhân rộng mô hình tâm lý học đường phải có sự chuẩn bị đồng bộ kể cả về khung pháp lý, đào tạo nhân lực và tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ. Đặc biệt về khung pháp lý và tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ là hai lĩnh vực Việt Nam  phải sớm bổ khuyết, đế tâm lý học đường sớm trở thành dịch vụ nâng cao chất lượng giáo dục.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác